Trong khi giới tỷ phú Việt Nam mãi mê chạy theo các khoản lợi nhuận kết xù từ những cơn sốt địa ốc thì các tỷ phú Thái Lan đang âm thầm vươn "vòi bạch tuộc" chiếm lấy các lĩnh vực thiết yếu, sinh lợi bền vững, chủ chốt của Việt Nam.
Nếu như cách đây hơn 10 năm, Việt Nam chi chưa đầy 4 tỷ USD để nhập khẩu hàng Thái thì đến năm 2018 đã lên mức hơn 12 tỷ USD. Và chỉ tính 5 tháng đầu năm nay, lượng nhập khẩu hàng hoá từ Thái Lan đạt 5,08 tỷ USD, tiếp tục tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.
Từ đó, không thể phủ nhận hiện thực rằng hàng Thái nhập khẩu đang rất được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng. Hàng hóa Thái Lan từ lọ muối, bịch đường cho đến chiếc ô tô đang ngày càng hiện diện ở thị trường trong nước với quy mô ngày càng lớn dần.
Những cánh tay nối dài
Song song với xuất khẩu hàng hoá, Thái Lan hiện là nhà đầu tư thứ 9 trong số 129 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 521 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 10,38 tỷ USD.
Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ chiếm khoảng 90% vốn đầu tư của các ông chủ người Thái tại Việt Nam.
C.P Vietnam
Ở lĩnh vực nông nghiệp, sau hơn 20 năm hoạt động tại thị trường nông nghiệp Việt Nam, C.P Vietnam, thuộc Tập đoàn C.P Group của gia đình tỷ phú giàu nhất Thái Lan Dhanin Chearavanont, giờ đây không chỉ là ông vua trong lĩnh vực chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam với doanh số hơn 2,6 tỷ USD mà còn đang mở mang thêm "bờ cõi".
C.P Việt Nam những năm gần đây đã và đang hoàn thiện mô hình ngành thực phẩm khép kín của mình bao gồm chăn nuôi, chế biến gia súc, gia cầm và thủy sản.
Bên cạnh lĩnh vực chăn nuôi, thực phẩm của CP đã được đưa đến người tiêu dùng thông qua các kênh siêu thị, C.P Shop, Fresh Mart,…Trong khi hệ thống thức ăn nhanh Five Star chuyên bán gà rán, gà quay tương tự như sản phẩm của Lotteria hay KFC đang ngày càng mở rộng dưới hình thức nhượng quyền.
Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam và Thái Lan từ năm 2007 đến tháng 4/2019. (Nguồn số liệu: TCTK, TV tổng hợp)
Central Group
Theo cách không quá ồn ào, các ông chủ người Thái cũng đã đã âm thầm tấn công và thống lĩnh rất nhiều ngành hàng, dịch vụ thiết yếu tại Việt Nam vài năm trở lại đây.
Ngoài đầu tư trực tiếp, hoạt động M&A nhắm vào các doanh nghiệp đầu ngành đang giúp các ông chủ Thái thâm nhập nhanh hơn thị trường Việt Nam.
Nằm trong nhóm đi đầu trong làn sóng này là sự xuất hiện của Tập đoàn bán lẻ Central Group của tỷ phú Thái Tiang Chirathivat tại Việt Nam vào cuối năm 2014, sau khi thăm dò bằng việc đưa thương hiệu bán lẻ Robinson thuộc Central Group lần đầu có mặt tại Hà Nội và TP HCM.
Đầu năm 2015, Central Group kích hoạt ngòi nổ trên thị trường M&A bằng khoản chi hơn 200 triệu USD đổi lấy 49% cổ phần của Công ty Đầu tư Phát triển Công nghệ và Giải pháp Mới NKT (NKT) - đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim.
Năm 2016, Central Group tiếp tục công bố hoàn tất mua chuỗi bán lẻ siêu thị Big C Việt Nam từ tập đoàn Casino (Pháp) với giá 1,1 tỷ USD. Mục tiêu của Central Group mở rộng hệ thống bán lẻ tại Việt Nam đã rất rõ ràng.
TCC Holding
Cũng năm 2016, một tên tuổi khác là TCC Holding của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi tuyên bố hoàn tất việc thâu tóm toàn bộ Metro Việt Nam với số tiền khoảng 880 triệu USD.
Trước khi mua Metro Việt Nam, TCC Holding đã sở hữu 65% cổ phần của CTCP Thái An Việt Nam, đơn vị trực tiếp sở hữu hơn 99% cổ phần của Phú Thái Group.
ThaiBev và Tập đoàn F&N
Các ông chủ Thái đã bất ngờ trở thành những nhà đầu tư chịu chi nhất khi với hàng loạt thương vụ thâu tóm tại Việt Nam.
Đáng kể nhất là thương vụ tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi khi ThaiBev chấp nhận dốc hầu bao 5 tỷ USD để mua lại 53,59% cổ phần Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Qua đó, người Thái gián tiếp chiếm lấy hơn 40% thị phần bia Việt Nam.
Ở lĩnh vực sữa, Tập đoàn F&N cũng thuộc TCC Holding cũng đã trở thành cổ đông lớn thứ 2 sau Nhà nước tại CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM), đơn vị nắm hơn 50% thị phần sữa tại Việt Nam.
Miệt mài thu mua cổ phiếu VNM trên sàn, hiện F&N đang sở hữu hơn 20% vốn số cổ phần Vinamilk, giá thị trường khoảng 44.000 tỷ đồng và tỷ phú Thái có vẽ như vẫn chưa chịu dừng lại khi vẫn liên tục đăng ký mua thêm.
The Siam Cement Group (SCG)
Trong khi đó, ở ngành công nghiệp, Tập đoàn vật liệu xây dựng lớn nhất Thái Lan The Siam Cement Group (SCG) vẫn đang xây dựng chuỗi sản xuất nhựa kép kín tại Việt Nam gồm 3 mảng chính là vật liệu, hoá chất và bao bì.
Không chỉ đầu tư trực tiếp vào các tên tuổi lớn như TPC Vina, SCG sẵn sàng chụp lấy những cơ hội sở hữu cổ phần của các doanh nghiệp mạnh trong ngành. Những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh vững chắc tại Việt Nam.
Sau khi chi đến gần 6.400 tỷ đồng để mua lại 100% vốn hãng gạch ốp lát Prime Group chấn động thị trường năm 2012; năm 2015, tiếp tục chi 1.000 tỷ đồng mua lại 80% vốn CTCP Bao bì nhựa Tín Thành (Batico) - top 5 công ty lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm bao bì, với công suất 230 triệu m2/năm.
Đầu năm 2018, SCG tiếp tục nâng sở hữu tại CTCP Nhựa Bình Minh (Mã: BMP) khi cổ đông nhà nước SCIC thực hiện thoái vốn.
Theo đánh giá của giới phân tích, việc nắm lấy doanh nghiệp sản xuất ống nhựa hàng đầu Việt Nam với 4 nhà máy tổng công suất trên 140.000 tấn mỗi năm lên trên 54% và thương hiệu lâu đời giúp SCG hoàn thiện chuỗi giá trị của mình.
Đến cuối 2018, SCG sở hữu 100% vốn tại Công ty TNHH Hoá Dầu Long Sơn (LSP) – công ty triển khai dự án hoá dầu có tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ USD; Thai Plastic & Chemicals (TPC) – công ty 99,8% vốn thuộc SCG đang sở hữu 100% vốn tại Chemtech; 72,5% vốn tại Công ty TNHH Liên Doanh Việt Thái; 70% vốn tại Công ty TNHH Nhựa và Hoá chất TPC Vina và 100% vốn tại Nawaplastic Industries – doanh nghiệp đang nắm 54,39% của Nhựa Bình Minh.
Tập đoàn Gulf
Làn sóng rót vốn đầu tư từ các ông chủ Thái vào Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu chững lại mà ngày càng lớn dần. Các Tập đoàn Thái vẫn đang tiếp tục sự hiện diện ở mọi ngõ ngách để đẩy mạnh hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Sau khi đầu tư một vài dự án quy mô nhỏ tại Việt Nam, ông trùm năng lượng Thái Lan Sarath Ratanavadi, chủ sở hữu Tập đoàn Phát triển Năng lượng Gulf cuối cùng cũng đã công khai mong muốn đầu tư Dự án Điện khí LNG Cà Ná với quy mô 6.000 MW, vốn đầu tư lên đến 7,8 tỷ USD. Đây là dự án điện có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.
"Vươn vòi bạch tuộc"
Thông tin mới nhất từ Báo Chính Phủ, nhân dịp dự Hội nghị cấp cao ASEAN tại Bangkok, Thái Lan, chiều 23/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn của Thái Lan.
Lãnh đạo ThaiBev đã đề nghị Chính phủ Việt Nam ủng hộ tập đoàn nâng tỷ lệ sở hữu vốn ở Sabeco và mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực khác ngoài đồ uống. Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng sẽ hưởng ứng đề nghị của Chính phủ Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải nhựa và bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, lãnh đạo Tập đoàn Amata khẳng định lại mong muốn đầu tư xây dựng các thành phố thông minh.
Tập đoàn SCG cũng cho biết sẽ xem xét đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao dù vẫn đang chuẩn bị nguồn vốn dự án Hoá dầu quy mô lên đến trên 5 tỷ USD.
Theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng đầu tư mạnh vào Việt Nam của các doanh nghiệp Thái tăng mạnh trong những năm gần đây bởi thị trường Thái gần như đã bão hòa, chính trị không ổn định nên họ chuyển sang các nước trong khu vực như Việt Nam tăng mạnh là dễ hiểu.
Đặc biệt, đối với các nhà đầu tư Thái Lan, Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) là cơ hội để thâm nhập sâu vào Việt Nam, thị trường gần 100 triệu dân được nhiều đánh giá rất tiềm năng với dân số trẻ, chính trị ổn định.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, không chỉ các doanh nghiệp Thái mà nhiều nhà đầu tư quốc tế đang thông qua Thái Lan và tận dụng sự luân chuyển vốn trong khu vực để đầu tư vào Việt Nam. Từ đó, lấy Việt Nam làm "bàn đạp" để đẩy mạnh kinh doanh sang các nước khác.
Đại diện Sabeco trong cuộc họp cổ đông năm nay cũng nói rằng, Sabeco sẽ tập trung gây dựng tiếng tăm tại thị trường Việt Nam, việc xuất khẩu sẽ tự động phát triển theo khi uy tín tại thị trường nội địa được củng cố, ấn tượng đối với khách du lịch ngày càng sâu hơn sẽ giúp hình ảnh Sabeco tại thị trường ngoại quốc dễ nhận biết hơn.
Sau khi đầu tư 200 triệu USD vào dự án chế biến gà xuất khẩu có quy mô lớn nhất Đông Nam Á hiện nay ở Bình Phước, ông Montri Suwanposri, Tổng Giám đốc C.P Việt Nam cũng cho biết: "Dự án sẽ nhanh chóng được thực hiện để có thể xuất khẩu sản phẩm gà chế biến vào đầu năm 2020 và đưa Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia sản xuất thực phẩm quan trọng trong nền công nghiệp thực phẩm thế giới".
Trong khi đó, một ông chủ doanh nghiệp mía đường đã lo lắng nói với người Viết rằng, chúng ta đang ở thế rất khó khăn với hàng Thái nhập khẩu.
"Bởi hiện nay, Chính phủ Thái đang hỗ trợ rất lớn cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài và xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước. Lãi suất ở Thái hiện chỉ khoảng 3 - 4% mang lại lợi thế lớn trong các thương vụ đầu tư", chủ doanh nghiệp này nói.
Tuy nhiên, có thể thấy các doanh nghiệp Thái Lan chủ yếu đầu tư vào Việt Nam các lĩnh vực sản xuất, nguyên vật liệu, năng lượng, vốn có suất sinh lời không đột biến nhưng bền vững.
"Đây vốn là những thế mạnh của doanh nghiệp Thái Lan, do đó khi mở rộng đầu tư ra nước ngoài, họ có thể dễ dàng chiếm lĩnh thị phần", một nhà phân tích nói.
Trong khi đó, các tỷ phú Việt đang ở đâu trong bản đồ giá trị quốc gia?
Không khó để nhận ra rằng, khi các ông chủ lớn ở Việt Nam vẫn đang mãi mê chạy theo các khoản lợi nhuận kết xù từ những cơn sốt địa ốc thì các tỷ phú Thái vẫn đang âm thầm vươn vòi bạch tuộc chiếm lấy các lĩnh vực thiết yếu, sinh lợi bền vững, chủ chốt của Việt Nam.