Theo Tiền phong, Hà Nội đang trải qua đợt ô nhiễm không khí trong hơn một tuần với xu thế ngày càng nghiêm trọng.
Sáng nay (30/11), theo trang IQAir, Hà Nội tiếp tục bị bao phủ bởi bụi mịn, chất lượng không khí phổ biến ở ngưỡng rất xấu với chỉ số AQI phổ biến từ 200 – 240, có hại cho sức khỏe của mọi người. Hệ thống quan trắc tại Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường và Đại sứ quán Mỹ cũng ghi nhận về tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở ngưỡng nguy hại tại Hà Nội.
Đến hơn 11h trưa 30/11, trang IQAir ghi nhận chỉ số chất lượng không khí Hà Nội là 220 – ngưỡng tím, rất có hại cho sức khỏe của người dân thủ đô. Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ 3 thế giới trong trưa nay, chỉ sau thành phố Delhi (Ấn Độ) và Karachi (Pakistan).
Chỉ số AQI của Hà Nội là 220 (tính đến hơn 11h trưa 30/11).
Sáng nay, tại khu vực đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội), chất lượng không khí xấu làm khuất tầm nhìn khiến một số người dân phải bật đèn xe trong lúc di chuyển. Ảnh: Việt Linh
Trong khi Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí đứng thứ 3 trên thế giới, vẫn có một số nơi ở Việt Nam có ngưỡng không khí tốt với chỉ số AQI chỉ là 1,2 và 3.
Cụ thể, ứng dụng theo dõi chất lượng không khí PAM Air ghi nhận chất lượng không khí tốt nhất ở Việt Nam với chỉ số AQI là 1, 2, 3 (tính đến khoảng 15h ngày 30/11) lần lượt ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) và thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Đây là ba nơi có chất lượng không khí tốt nhất ở Việt Nam trong ngày 30/11.
Theo ứng dụng PAM Air, tính đến 15h chiều 30/11, chất lượng không khí tốt nhất ở Việt Nam lần lượt ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) và thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: PAM Air
Chỉ số AQI là gì?
Sáng nay, chỉ số chất lượng không khí ở quận Tây Hồ (Hà Nội) ở ngưỡng rất xấu. Ảnh: Việt Linh
Theo The New York Times, AQI là chỉ số chất lượng không khí cho biết không khí xung quanh có bị ô nhiễm không và ô nhiễm ở mức nào. Chỉ số AQI chủ yếu tập trung vào những ảnh hưởng tới sức khỏe mà người dân có thể gặp trong vòng vài giờ hoặc vài ngày sau khi hít thở không khí ô nhiểm.
Trên thực tế, Cơ quan Bảo vệ Môi Trường Mỹ (EPA) tính toán chỉ số AQI với 5 thông số, bao gồm ozon mặt đất, ô nhiễm phân tử (chỉ số về bụi mịn PM 2.5 và PM 10), carbon monoxide (CO), Sulfur dioxide (SO2) và Nitrogen dioxide (NO2).
Theo các chuyên gia y tế khuyến cáo, việc hít thở không khí ô nhiễm có thể gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tim, quá trình sinh sản, tổn thương thận, lão hóa da… của con người. Do đó, trong những ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng, người dân, đặc biệt là người có bệnh hô hấp, bệnh tim mạch, già yếu, suy dinh dưỡng, bệnh tâm phế mạn tính nên hạn chế ra khỏi nhà, tập thể dục hay lao động ngoài trời.
Khi ra đường, người dân nên sử dụng khẩu trang đảm bảo đúng chất lượng. Đồng thời, mỗi người nên vệ sinh mũi, súc họng vào sáng, tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường.