5 trận động đất trong sáng, trưa 28/7
Lúc 13h ngày 28/7, Trung tâm báo tin động đất và sóng thần, thuộc Viện Vật lý địa cầu, cho biết, một trận động đất có độ lớn 2.8 richter xảy ra tại vị trí có tọa độ (20.910 độ vĩ Bắc, 104.751 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 12.1 km.
Động đất xảy ra tại khu vực huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Đây là trận động đất thứ 11 xảy ra tại huyện Mộc Châu, sau trận động đất đầu tiên xảy ra lúc 12h14 ngày 27/7 khiến nhà ở Hà Nội cũng như nhiều tỉnh cảm nhận sự rung lắc mạnh.
Đồng thời, đây là trận động đất thứ 6 trong sáng và trưa ngày 28/7 cùng xảy ra trên địa bàn huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La).
Trước đó, lúc 12h50, một trận động đất có độ lớn 2.9 độ richter xảy ra tại vị trí có tọa độ (20.907 độ vĩ Bắc, 104.773 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 12.5 km. Lúc 12h01, cũng một trận động đất có độ lớn 3.1 độ richter xảy ra tại vị trí có tọa độ (20.903 độ vĩ Bắc, 104.699 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 9 km.
Cả 2 trận động đất này đều xảy ra tại khu vực huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Đây là trận động đất thứ 9 - 10 trong vòng hơn 24h và thứ 4 - 5 trong ngày 28/7.
Theo các chuyên gia, trận động đất thứ 9 và 10 này cũng do ảnh hưởng từ trận động đất cường độ mạnh 5,3 độ richter gây rung lắc nhiều nhà cao tầng tại Hà Nội khiến người dân tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Yên Bái, Phú Thọ cũng cảm nhận được rung chấn.
TS Nguyễn Xuân Anh – Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho hay, khu vực huyện Mộc Châu (Sơn La) nằm trên đới đứt gãy sông Đà, đây là một đới đứt gãy đang hoạt động mạnh ở vùng Tây Bắc nên dễ phát sinh ra các trận động đất.
Ông Anh cho hay, ngay từ chiều 27/7, đoàn chuyên gia gồm các nhà khoa học đầu ngành của Viện Vật lý địa cầu đã đến khảo sát hiện trường, đánh giá nhận định về tình hình hoạt động động đất ở khu vực này.
Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết thêm, thông thường, sau trận động đất chính (tâm chấn), hàng loạt các trận động đất nhỏ (dư chấn) sẽ tiếp diễn, đây là điều hoàn toàn bình thường.
Tại đây từng ghi nhận nhiều trận động có cường độ mạnh như trận động đất năm 1935 có cường độ 6,9 độ richter tại lòng chảo Điện Biên; năm 1983, xảy ra trận động đất 6,7 độ richter tại thị trấn Tuần Giáo và năm 2001, xảy ra trận động đất 5,3 độ richter tại thành phố Điện Biên Phủ.
Ông Xuân Anh khuyến cáo đây là nơi người dân cần đề phòng các trận động đất lớn có thể xảy ra, việc xây dựng các công trình, nhà ở cần đáp ứng được yêu cầu về kháng chấn đã được Viện Vât lý địa cầu xây dựng và khuyến cáo.
Nói thêm về việc động đất ở huyện Mộc Châu nhưng nhiều nhà cao tầng ở Hà Nội rung lắc, ông Xuân Anh cho biết mức độ cảm nhận độ rung lắc hay còn gọi là rung động nền phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nền đất, khoảng cách đến tâm chấn và chất lượng công trình...
Ông cho rằng, để đánh giá các rung động nền này cần phải có thiết bị đo đạc.
"Người dân ở các tầng trên cao cảm nhận về động đất rõ hơn so người ở dưới tầng thấp hoặc mặt đất. Bên cạnh đó, người càng ở gần tâm chấn thì cảm nhận về động đất càng rõ hơn so với người ở cách xa tâm chấn", ông Xuân Anh nói thêm.
Động đất khiến vỡ, nứt khu vực tường gần trần nhà dân.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La, động đất không gây thiệt hại về người nhưng đã khiến 126 nhà dân thuộc các xã Nà Mường, Tà Lại, Mường Sang, Tân Lập, Hua Păng, Tân Hợp, thị trấn Nông trường Mộc Châu (huyện Mộc Châu) bị lún, nứt tường, vỡ ngói lợp, sập trần nhựa. Đá rơi do động đất làm bẹp đầu 1 xe tải tại tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu.
Ngoài ra, trận động đất cũng làm trụ sở UBND xã Nà Mường và xã Tà Lại (huyện Mộc Châu) bị hư hỏng. Nhà văn hóa bản Tầm Phế (xã Tân Hợp), nhà văn hóa bản Tháng 5 (xã Tà Lại), Trạm Y tế xã Tà Lại, Trạm Y tế xã Quy Hướng và Trường Mầm non bản Tầm Phế (xã Tân Hợp) bị lún, nứt tường.
Ngày 27/7, Thủ tướng đã có công điện chỉ đạo UBND các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình và các bộ ngành liên, khẩn trương kiểm tra, khắc phục hậu quả do những trận động đất xảy ra liên tiếp trong ngày 27/7.
Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh Sơn La, Lai Châu và Hòa Bình chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở khẩn trương kiểm tra, đánh giá thiệt hại, ảnh hưởng của động đất đến công trình nhà ở của người dân và cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Kịp thời phát hiện, triển khai cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Các tỉnh thông báo kịp thời động đất và dư chất do động đất, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho người dân, tránh hoang mang, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Chỉ đạo kiểm tra các công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện, kịp thời phát hiện, khắc phục các sự cố, hư hỏng (nếu có) để đảm bảo an toàn cho công trình.
Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm tra, triển khai công tác đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là hồ đập lớn tại khu vực bị ảnh hưởng của động đất.
Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng đóng quân trên địa bàn sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương về công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả khi có yêu cầu.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tiếp tục theo dõi dư chấn động đất, kịp thời thông tin phục vụ công tác ứng phó theo chức năng, nhiệm vụ được giao.