Trong cuộc chiến của vi khuẩn, con người chỉ là một thường dân nhỏ bé không may chết vì đạn lạc

ZKNIGHT, THIẾT KẾ TOM |

Chúng ta vẫn tự coi mình là trung tâm vũ trụ, nhưng vi khuẩn có bao giờ để ý đến con người là ai.

Trong cuốn tiểu thuyết kinh điển của mình - "The War of the Worlds" (1898) – HG Wells đã kể một câu chuyện về nước Anh bị bao vây bởi những kẻ xâm lược đến từ Sao Hỏa. Con người cuối cùng đã giành được chiến thắng, nhưng đó không phải một chiến thắng hào hùng cho lắm – mà chỉ là một chiến thắng mang tính tình cờ.

Người ngoài hành tinh đã khuất phục được nhân loại bằng những vũ khí tối tân của họ, tia nhiệt và khói mù. Nhưng ngay khi đứng trên đỉnh cao của chiến thắng, toàn bộ những kẻ xâm lược đột nhiên chết sạch.

Những cỗ máy chiến tranh đứng khựng lại giữa một London đổ nát và hoang tàn. Những con chim nhảy nhót trên những họng súng gỉ sét. Không còn một kẻ xâm lược nào sống sót.

Phải có một nguyên nhân khủng khiếp nào khiến người Sao Hỏa thất thủ?

Trong cuộc chiến của vi khuẩn, con người chỉ là một thường dân nhỏ bé không may chết vì đạn lạc - Ảnh 1.

Như lời người dẫn truyện vô danh trong cuốn tiểu thuyết, "sau khi mọi vũ khí của con người thất bại, họ [người Sao Hỏa] lại bị giết chết bởi một thứ khiêm nhường nhất": những con vi khuẩn.

Logic của Wells rất đơn giản. Con người có hệ thống miễn dịch bảo vệ chúng ta trước vi khuẩn. Tổ tiên chúng ta đã chung sống với những sinh vật lây nhiễm chết chóc đó từ hàng triệu năm. Khi bị nhiễm vi khuẩn chúng ta vẫn có thể mắc bệnh, nhưng ít ra hệ miễn dịch của chúng ta có thể tự mình chiến đấu với những căn bệnh đó.

Người Sao Hỏa sở hữu những công nghệ, những vũ khí tối tân hơn hẳn con người. Nhưng rất tiếc, họ không có hệ miễn dịch. "Không có vi khuẩn trên sao Hỏa" - người dẫn chuyện giải thích. "Ngay khi những kẻ xâm lăng đến đây, chúng uống nước, ăn thức ăn của chúng ta. Và những đồng minh bé nhỏ của con người ngay lập tức có được cơ hội phản công".

Trong cuộc chiến của vi khuẩn, con người chỉ là một thường dân nhỏ bé không may chết vì đạn lạc - Ảnh 2.

Lần đầu tôi đọc cuốn sách này là khoảng hai chục năm về trước, khúc cao trào ở đoạn kết có vẻ lãng xẹt. Mọi chuyện cứ như từ trên trời rơi xuống – một khoảnh khắc cứu tinh phút chót lại đến từ những con vi khuẩn. Hơn nữa, các vi sinh vật của Trái Đất đâu có thể phát triển bên trong cơ thể người ngoài hành tinh.

Nhưng dạo gần đây tôi mới nhận ra, khi Wells viết cuốn tiểu thuyết của mình vào cuối thế kỷ 19, ông đã vô tình ngụ ý đến một sự thật về những con vi khuẩn. Đó là sự thật mà ngay cả các nhà vi sinh vật học ngày nay đôi khi vẫn thường quên: Vi khuẩn chỉ giết người như một sự tình cờ, một tai nạn trong quá trình tiến hóa của chúng.

Trong cuốn tiểu thuyết, những con vi khuẩn không hề tiến hóa vì chúng nghĩ một ngày chúng sẽ phải hạ gục người ngoài hành tinh. Vi khuẩn tiến hóa để nhằm vào con người và các loài động vật khác. Những kẻ xâm lăng chỉ vô tình bước vào giữa làn đạn và không may bị hạ gục. Điều tương tự cũng có thể xảy ra với chúng ta.

Trong cuộc chiến của vi khuẩn, con người chỉ là một thường dân nhỏ bé không may chết vì đạn lạc - Ảnh 3.

Nhiều loại vi khuẩn và nấm, gây ra những bệnh nghiêm trọng trên người, thực chất lại không hề muốn giết chết chúng ta. Chúng chỉ thực hiện nhiệm vụ của mình, tiến hóa để thích nghi với môi trường sống ngày càng khắc nghiệt và cạnh tranh với các vi sinh vật khác.

Trong quá trình tiến hóa để thích nghi đó, có thể vì một tình cờ nào đó mà những con vi khuẩn lại có được điều kiện để sinh sôi đột biến hoặc tấn công hệ miễn dịch của con người một cách mãnh liệt.

Lấy ví dụ Streptococcus pneumoniae, một loài vi khuẩn phổ biến sống trong mũi và hệ hô hấp của chúng ta. Trong điều kiện bình thường, những con S. Pneumoniae khá vô hại.

Nhưng đôi khi, chúng có thể biến hóa từ những kẻ sống nhờ thụ động trở thành những sát thủ có chủ đích, gây ra những căn bệnh chết người như lao phổi, viêm màng não, nhiễm trùng máu...

Điều này thường xảy ra ở những người có hệ miễn dịch yếu, và nó thường là lỗi của một chủng vi khuẩn có lớp màng dày các phân tử đường phức hợp, thứ bảo vệ chúng trước hệ miễn dịch của chúng ta.

Nhưng vào năm 2007, nhà nghiên cứu Elena Lysenko, khi đó còn ở Trường Y Đại học Pennsylvania, đã phát hiện ra kịch bản không đơn giản chỉ là một vi sinh vật mạnh lây nhiễm một vật chủ yếu.

S.pneumoniae chia sẻ hệ hô hấp của chúng ta với các loài vi khuẩn khác như Hemophilus influenzae. H.influenzae thì không phải là một người hàng xóm thân thiện, nó nổi tiếng với khả năng chỉ huy các tế bào bạch cầu của vật chủ, để tấn công những vi khuẩn cạnh tranh không gian sống với chúng.

Chiến lược này thường cực kỳ hiệu quả. Khi Lysenko nuôi cấy hai vi sinh vật này cùng nhau trong cơ thể chuột, bà quan sát thấy S.pneumoniae thường bị đẩy ra khỏi hệ hô hấp, chỉ còn lại duy nhất H.influenzae cai trị ở đó.

Nhưng cá biệt, vẫn có những con S.pneumoniae màng dày chống lại được sự tấn công của tế bào bạch cầu và trụ vững.

Trong cuộc chiến của vi khuẩn, con người chỉ là một thường dân nhỏ bé không may chết vì đạn lạc - Ảnh 4.

Trong điều kiện bình thường, mang trên mình một lớp giáp dày sẽ là cả một gánh nặng – nó tiêu hao năng lượng của vi khuẩn và khiến chúng bị mất lợi thế cạnh tranh với các vi khuẩn có lớp giáp mỏng hơn, ít tiêu tốn năng lượng hơn.

Nhưng khi H.influenzae đến và huy động đạo quân miễn dịch, lớp giáp dày bỗng nhiên trở nên đáng giá. Và cũng tình cờ, lớp giáp dày lại khiến S.pneumoniae xâm nhập sâu hơn vào hệ hô hấp, gây ra những căn bệnh nghiêm trọng.

Hóa ra, trong lúc phòng vệ trước một đối thủ cạnh tranh, S.pneumoniae chỉ vô tình trở thành một sát thủ với con người.

Độc lực của S.pneumoniae – hay còn gọi là khả năng gây bệnh không phải là thứ mà vi khuẩn này muốn phát triển để tấn công vật chủ. Đó chỉ là một tác dụng phụ. S.pneumoniae chỉ vô ý làm chết người mà thôi.

Trong cuộc chiến của vi khuẩn, con người chỉ là một thường dân nhỏ bé không may chết vì đạn lạc - Ảnh 5.

Cuối thế kỷ 17, Antonie van Leeuwenhoek, một nhà khoa học người Hà Lan đã cải tiến thành công các thấu kính hiển vi, thứ mà trước đó chỉ được ông dùng để soi chất lượng vải.

Sáng kiến đã giúp Leeuwenhoek trở thành cha đẻ ngành vi sinh vật học. Bởi những thấu kính bây giờ đã mở được ra một cánh cửa cho phép con người nhìn vào thế giới của những sinh vật hữu cơ nhỏ xíu.

Soi kính hiển vi vào một mảng bám răng của chính mình, Leeuwenhoek viết: "Khoảng khắc tuyệt vời đó đã làm tôi hết sức ngỡ ngàng, trong mẫu vật lúc nhúc hằng hà sa số những sinh vật bé nhỏ".

Mặc dù khơi gợi được sự tò mò, nhưng ngày đó con người chẳng coi vi khuẩn, thứ sinh vật bé nhỏ ấy là thứ gì đó đáng để quan tâm. Rất ít người tiếp tục đi theo hướng nghiên cứu của Leeuwenhoek.

Trong cuộc chiến của vi khuẩn, con người chỉ là một thường dân nhỏ bé không may chết vì đạn lạc - Ảnh 6.

Mọi chuyện chỉ hoàn toàn thay đổi vào thế kỷ 19, khi Louis Pasteur và Robert Koch chứng minh được rằng một số vi khuẩn là thủ phạm gây ra những căn bệnh nguy hiểm. Kể từ đó súng mới lên nòng, cái suy nghĩ vi khuẩn gây hại và chắc chắn gây hại đã được găm vào đầu óc chúng ta từ thuở ấy.

Vi khuẩn có ở khắp mọi nơi, trong đất, trong nước, không khí... nhưng khi chúng xuất hiện trên điện thoại, bàn phím và bồn cầu của con người thì lại bị coi là bẩn thỉu. Vi khuẩn có cả ở trong cơ thể chúng ta, giúp chúng ta tiêu hóa thức ăn và bảo vệ chúng ta khỏi bệnh tật, vậy mà chúng ta lại coi chúng là mầm bệnh và phải bị tiêu diệt bằng kháng sinh.

Sự căm ghét này cũng dễ hiểu. Ngoài những người có kính hiển vi, phần lớn mọi người sẽ chẳng mấy khi có cơ hội nhìn thấy vi khuẩn bằng mắt thường. Vì vậy, chúng ta có xu hướng vơ đũa cả nắm từ nhóm thiểu số những con vi khuẩn gây bệnh, những sinh vật khiến bạn hắt hơi sổ mũi hoặc nổi mụn mủ trên da.

Trong cuộc chiến của vi khuẩn, con người chỉ là một thường dân nhỏ bé không may chết vì đạn lạc - Ảnh 7.

Khi vi khuẩn không giết chết được chúng ta, chúng ta hầu như chẳng biết gì về chúng. Bởi thế, chúng ta tự dựng lên những câu chuyện về vật chủ và vật gây bệnh, về người hùng và tội đồ, về chúng ta và vi khuẩn. Những loài vi khuẩn gây bệnh tồn tại để tiêu diệt chúng ta, và chúng ta cần những phương pháp mới để chống lại chúng.

Chúng ta chỉ nhận thức được sự hiện diện của vi khuẩn, khi nhóm thiểu số trong đó đe dọa mạng sống của chúng ta. Hơn nữa trong lịch sử, những mối đe dọa ấy thật đáng sợ. Các đại dịch đậu mùa, tả, lao và dịch hạch đã ám ảnh nhân loại.

Nỗi sợ hãi về những căn bệnh này đã vấy bẩn cả nền văn hóa của chúng ta, từ các nghi thức tôn giáo cho tới những bộ phim của Hollywood như Contagion (2012) và Outbreak (1995).

Để làm được điều đó, chúng ta lại lao vào nghiên cứu quá trình tiến hóa của vi khuẩn, thứ mà chúng ta nghĩ đang giúp chúng đánh bại hệ miễn dịch của chúng ta, hay giúp vi khuẩn lây truyền dễ dàng hơn từ người này sang người khác.

Chúng ta xác định hẳn các gen cho phép vi khuẩn gây bệnh và gọi những gen đó là "yếu tố gây độc lực". Chúng ta tự coi mình là trung tâm của thế giới. Mọi chuyện xảy ra đều là vì chúng ta.

Nhưng ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy cái góc nhìn nhân học - coi con người làm trung tâm đôi khi không hợp lý. Những thích ứng cho phép vi khuẩn, nấm và các loài gây bệnh khác gây hại cho chúng ta có thể dễ dàng xuất hiện trong quá trình tiến hóa riêng của chúng, trong một bối cảnh hoàn toàn không có con người và bệnh tật.

Trong cuộc chiến của vi khuẩn, con người chỉ là một thường dân nhỏ bé không may chết vì đạn lạc - Ảnh 8.

Vi khuẩn lây nhiễm chúng ta, thậm chí giết chết chúng ta. Đó là một phần của câu chuyện. Nhưng toàn bộ câu chuyện thì không chỉ có con người, chúng ta cũng không phải là nhân vật chính trong đó.

Ý tưởng này được gọi là thuyết tiến hóa tình cờ, hay như cái cách mà nhà vi sinh vật học Bruce Levin của Đại học Emory gọi nó vào năm 2008, thuyết "shit happens" – những chuyện tồi tệ đôi khi cứ tự nhiên xảy đến.

Phải nói rằng giả thuyết này không áp dụng được cho toàn bộ các bệnh truyền nhiễm, và gần như chắc chắn không phù hợp để nói về virus, loài sinh vật nửa sống nửa chết vốn luôn cần ký sinh và sinh sản trong một vật chủ.

Nó cũng không đúng với nhiều loài vi khuẩn hay nấm, như Staphylococcus aureus hay Candida albicans, từ lâu vốn đã là những mầm bệnh chuyên lây nhiễm con người và thích nghi rất tốt với môi trường sống trong cơ thể chúng ta.

Nhưng rõ ràng, thuyết tiến hóa tình cờ có thể giải thích được một số khía cạnh lạ lùng của nhiều chứng bệnh.

Trong cuộc chiến của vi khuẩn, con người chỉ là một thường dân nhỏ bé không may chết vì đạn lạc - Ảnh 9.

Lấy ví dụ, tại sao vi khuẩn lại làm hại vật chủ mà chúng phụ thuộc vào để sinh tồn? Trong một số trường hợp, câu trả lời thật rõ ràng: chúng gây ra các triệu chứng như hắt hơi và ho để giúp chúng lan truyền. Nhưng còn S.pneumoniae thì sao?

Chủng vi khuẩn này chỉ tồn tại vô hại trong hệ hô hấp của vật chủ, và chỉ cần có vậy nó đã đủ sức lan truyền sang một vật chủ khác rồi. Các biến thể độc hại của S.pneumoniae, vốn xâm chiếm sâu hơn trong hệ hô hấp, thực ra lại có khả năng lây truyền thấp hơn.

Điều tương tự đúng với các vi khuẩn như Hemophilus influenzae và Neisseria meningitidis, vốn có thể làm sưng màng não và dẫn tới những ca viêm màng não đe dọa tính mạng. Nhưng khi làm vậy, chúng cũng có nguy cơ làm lật chính con thuyền mà chúng đang ngồi trên, trong khi không có hi vọng nào lên được một chiếc thuyền mới.

Thuyết tiến hóa tình cờ giúp giải quyết nghịch lý này. Nó cho chúng ta biết rằng ít ra thì một số chứng bệnh ở con người chẳng liên quan gì tới chúng ta.

Tiến hóa tình cờ cũng sẽ giải thích được khá nhiều phát hiện gần đây về vi khuẩn. Các nhà khoa học đã tìm thấy gen kháng kháng sinh ở những con vi khuẩn bị đóng băng từ 30.000 năm trước, hay thậm chí sống trong các hang động bị cô lập suốt hàng triệu năm.

Chúng ta cứ nghĩ kháng sinh là một phát minh của thời hiện đại, nhưng chúng thực ra là những vũ khí mà vi khuẩn đã sử dụng để chống lại lẫn nhau từ thuở khai thiên lập địa, hay ít ra cũng trước khi Alexander Fleming phát hiện ra kháng sinh trong loài nấm mà ông nuôi trong đĩa petri năm 1928.

Trong cuộc chiến của vi khuẩn, con người chỉ là một thường dân nhỏ bé không may chết vì đạn lạc - Ảnh 10.

Các gen kháng kháng sinh đã tiến hóa như một phần của cuộc chiến từ thời cổ đại, giữa các vi khuẩn với nhau hoặc nấm với vi khuẩn. Nhưng tình cờ thay, cũng chính các gen kháng kháng sinh đó lại giúp vi khuẩn ngày nay đối phó được với những loại thuốc mà chúng ta điều chế và sản xuất hàng loạt.

Tương tự, rất nhiều gen độc lực gây bệnh cũng có những bản sao song sinh, bên trong các vi sinh vật biển chưa từng lây nhiễm cho con người. Và một số loại vi khuẩn được cho là mầm bệnh lây nhiễm con người lại xuất hiện phổ biến bên ngoài môi trường.

"Những sinh vật này chỉ trở thành mầm bệnh một cách tình cờ"- nhà vi sinh vật học Arturo Casadevall đến từ Đại học Yeshiva ở New York nói. "Chúng sẽ vẫn tồn tại như chúng đang tồn tại, ngay cả khi tất cả mọi loài động vật trên hành tinh đã tuyệt chủng".

Trong cuộc chiến của vi khuẩn, con người chỉ là một thường dân nhỏ bé không may chết vì đạn lạc - Ảnh 11.

Vibrio cholerae, chủng vi khuẩn gây ra bệnh tả, là một ví dụ điển hình. Các nhà khoa học từng xem nó là một mầm bệnh ở người, lan truyền qua phân người bệnh và nhiễm vào nguồn nước. Giờ thì chúng ta đã nhận ra điều ngược lại, rằng Vibrio cholerae chủ yếu đóng vai như một vi sinh vật biển, bám vào vỏ những loài giáp xác nhỏ và thỉnh thoảng lắm mới lọt vào nguồn nước của chúng ta.

"Trong thập kỷ qua, mọi người đã bắt đầu chấp nhận rằng có rất nhiều mầm bệnh cơ hội mà ta tưởng rằng chỉ sống ngoài môi trường trong khi đợi dịp lây lan giữa các vật chủ như con người, thực ra, lại là những vi khuẩn chuyên sống ở môi trường ngoài, thỉnh thoảng lắm mới xuất hiện trong cơ thể chúng ta" – nhà nghiên cứu vi khuẩn V.cholerae, Diane McDougald đến từ Đại học New South Wales nói.

Nhiều mầm bệnh mà chúng ta kinh sợ nhất thực ra chỉ đi nhờ trên cơ thể người. Ngôi nhà thực sự của chúng là ngoài đại dương, trong các hang động hoặc dưới lòng đất. Để hiểu chúng, chúng ta cần đặt chúng vào hệ sinh thái tự nhiên của chúng.

Trong cuộc chiến của vi khuẩn, con người chỉ là một thường dân nhỏ bé không may chết vì đạn lạc - Ảnh 12.

Ví dụ, đất là một môi trường sống khá cực đoan với vi sinh vật. Các điều kiện trong đất rất khắc nghiệt và thay đổi liên tục. Một khu đất có thể biến đổi rất nhanh từ ngập nước sang khô cằn, từ cực nóng sang cực lạnh và từ bóng tối đen sang cái nắng dữ dội.

Đất cũng tràn ngập những loài vi sinh vật cạnh tranh khác và đầy rẫy các loài săn mồi đói khát. Chúng ta sợ sư tử, hổ và gấu. Vi khuẩn thì phải đối phó với thể thực khuẩn, những con giun tròn và amip săn mồi.

Tất cả những điều kiện đó có thể dẫn tới sự thích nghi về mặt tiến hóa, khiến vi sinh vật tình cờ phù hợp với đời sống trong một vật chủ là con người. Rốt cuộc, chúng ta chỉ là một môi trường sống khác của chúng.

Một lớp màng dày che chắn cho vi khuẩn, khiến chúng không bị mất nước ngoài thiên nhiên cũng có thể trở thành thứ lá chắn giúp nó chống lại hệ miễn dịch của chúng ta. Một bào tử đã thích nghi để di chuyển trong không khí có thể dễ dàng bị hít vào hệ hô hấp người.

Các nhà khoa học đã quan sát được nhiều sự điều chỉnh tiến hóa tình cờ này bằng cách cho vi khuẩn tiếp xúc với một mối đe dọa tự nhiên, và thấy rằng sau đó, chúng cũng giỏi hơn trong việc lây nhiễm trên người và các loài động vật có vú khác.

Lấy ví dụ, Escherichia coli là một loại vi khuẩn phổ biến sống trong ruột và cũng một loài hay được dùng trong các thí nghiệm khoa học. Trong môi trường tự nhiên, dù là đất hay ruột một động vật có vú, E. coli luôn bị đe dọa bởi những con amip săn mồi. Những con amip thông thường sẽ nuốt vi khuẩn vào bụng và tiêu hóa chúng.

Năm 2010, nhà khoa học người Pháp Frantz Depaulis và các đồng nghiệp tìm thấy một chủng E.coli ký hiệu 536 biết cách chống lại amip săn mồi. Chúng mang trên mình những gen bảo vệ khỏi enzyme tiêu hóa của amip và cho phép nó hấp thụ toàn bộ những dưỡng chất quan trọng như sắt.

Trong cuộc chiến của vi khuẩn, con người chỉ là một thường dân nhỏ bé không may chết vì đạn lạc - Ảnh 13.

Bây giờ, thay vì bị nuốt chửng và tiêu hóa, E. coli 536 lại lớn lên bên trong bụng chính kẻ đã ăn thịt nó, rồi từ từ giết chết con amip ngay từ bên trong.

Rất nhiều trong số những gen bảo vệ này cũng cho phép những chủng E.coli vô hại nhất gây ra bệnh tật nghiêm trọng cho con người, chuột và các loài động vật vú khác. Điều này hoàn toàn hợp lý.

Nhiều tế bào miễn dịch của chúng ta, như đại thực bào cũng nuốt và tiêu hóa những con vi khuẩn, điều giống như những con amip đã làm. Vì vậy những con vi khuẩn chống lại được amip thì cũng có thể chống lại được đại thực bào.

Bằng cách thích nghi với những kẻ săn mồi ngoài tự nhiên, những chủng E.coli đó đã tình cờ thích nghi được với cả hệ thống miễn dịch của chúng ta.

Trong cuộc chiến của vi khuẩn, con người chỉ là một thường dân nhỏ bé không may chết vì đạn lạc - Ảnh 14.

Thuyết tiến hóa tình cờ có thể kích thích sự tò mò và phản biện của một số người. Nếu nó đúng thì khả năng xảy ra sự tình cờ hoàn hảo đến vậy là bao nhiêu? Câu trả lời có vẻ là khá cao.

Tiến hóa liên quan đến những xác suất nhỏ đặt trong bối cảnh của một dòng thời gian cực dài và số lượng sinh vật cực lớn. Và cả hai điều kiện đó thì vi khuẩn đều có. Chúng đã sống trên hành tinh này hàng tỉ năm và số lượng thì chắc chắn không thể đếm xuể.

Casadevall hay nói rằng mỗi cá thể vi khuẩn cầm một nhóm bài khác nhau - kết hợp những lá bài trong nhóm đó giúp chúng thích nghi với môi trường sống. Thế nhưng, hầu hết các nhóm bài này vô nghĩa với chúng ta.

Giả sử một vi khuẩn có lá bài kháng cự lại việc bị tiêu hóa, nhưng nếu nó không có lá bài sống được ở 37 độ C, nó không thể lây nhiễm con người. Rồi ngay cả khi nó có thể phát triển ở 37 độ C đi chăng nữa, chưa chắc nó đã chịu nổi mức pH kiềm nhẹ trong máu chúng ta.

Nhưng sự vô dụng của đa số nhóm bài trở nên không thành vấn đề, một khi ở ngoài kia có quá nhiều vi khuẩn, nhiều tới mức mọi xác suất chia bài bị đánh bại. Chắc chắn sẽ có một loài vi khuẩn nào đó cầm đủ một bộ bài chiến thắng được mọi lá bài của cơ thể chúng ta.

Trong cuộc chiến của vi khuẩn, con người chỉ là một thường dân nhỏ bé không may chết vì đạn lạc - Ảnh 15.

"Nếu bạn gom lại tất cả các loài vi khuẩn trên thế giới, kể cả cho rằng chúng có được các đặc điểm này một cách ngẫu nhiên đi chăng nữa, rồi bạn cũng sẽ có được toàn bộ các tác nhân gây ra mọi loại bệnh tật cho mọi vật chủ", Casadevall nói.

Điều này đã soi một luồng sáng mới vào sự xuất hiện của nhiều căn bệnh truyền nhiễm mới. Vài thập kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến sự xuất hiện của những loài nấm đáng sợ, như nấm chytrid đang tàn sát những động vật lưỡng cư ở quy mô toàn cầu, hay thủ phạm đằng sau hội chứng mũi trắng đã giết hàng triệu con dơi Bắc Mỹ.

"Mọi người vẫn hỏi những vi khuẩn này từ đâu ra", Casadevall nói. "Đơn giản thứ độc lực mà chúng sở hữu có thể đã được hình thành bởi chọn lọc tự nhiên, chẳng liên quan gì tới vật chủ cuối cùng mà chúng giết chết".

Lý do tương tự giải thích tại sao các phi hành gia nên thận trọng nếu có đặt chân xuống một hành tinh mới, nơi họ phát hiện ra sự sống của những vi sinh vật. "Nhiều người bị ám ảnh về vi khuẩn gây bệnh sẽ hỏi rằng, nếu trên Sao Hỏa có vi khuẩn, chúng ta có nên lo lắng hay không?

Câu trả lời là những vi khuẩn đó sẽ không có chính xác các protein để lây nhiễm cho con người. Nhưng nếu có đủ một số lượng vi khuẩn nào đó, một trong số chúng có thể trở thành mầm bệnh".

Trong cuộc chiến của vi khuẩn, con người chỉ là một thường dân nhỏ bé không may chết vì đạn lạc - Ảnh 16.

Ý tưởng này tạo ra một cảm giác hư vô không thể giải thích. Nó tước đi mọi câu trả lời của chúng ta. Như Casadevall viết trong một nghiên cứu đánh giá tổng hợp nói rằng độc lực của vi khuẩn có thể phát sinh từ những tình cờ, "trong một quá trình không có lời giải thích, ngoại trừ việc nó đã xảy ra".

Nếu đúng vậy thì những con vi khuẩn sẽ còn sở hữu độc lực trong thời gian dài. "Khi tôi còn là một sinh viên, các nhà nghiên cứu ký sinh trùng nói rằng bệnh tật là một trạng thái cơ bản trong quan hệ giữa vật ký sinh và vật chủ", Levin nói. "Mỗi bên sau đó sẽ tiến hóa tới một điểm hòa hoãn và hợp tác, cuối cùng là một điểm cộng sinh tương hỗ".

Nhưng nếu độc lực của vi khuẩn chỉ là sự tình cờ, rất có thể mầm bệnh sẽ không phải chịu bất kỳ áp lực tiến hóa nào để thay đổi.

Từ góc nhìn này, chúng ta phải thừa nhận thực tế rằng mình không phải là diễn viên chính của bộ phim ảnh hưởng tới cuộc sống của chính chúng ta. Chúng ta thậm chí cũng không có nổi vai phụ trong đó. Chúng ta chỉ là những kẻ qua đường, tình cờ đi lướt qua trường quay và bị những đạo cụ bay trúng đầu.

Thứ quan trọng nhất đối với vi khuẩn trong thế giới của chúng, xét cho cùng, chính là những con vi khuẩn khác. Chúng đã đấu tranh với nhau từ hàng tỉ năm trước khi con người xuất hiện.

Khi chúng ta bước vào giữa hai làn đạn của cuộc chiến tranh cổ đại đó, chúng ta có nguy cơ trở thành những thường dân bị thiệt mạng. Giống như những người Sao Hỏa trong tiểu thuyết của Wells, biết đâu rồi một ngày nào đó, chúng ta cũng có thể bị quét sạch bởi một sự tình cờ xảy ra dưới thế giới hiển vi của vi khuẩn.

Tham khảo Aeon

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại