Bất kỳ người phụ nữ nào cũng mong muốn được mang thai và sinh ra đứa con của chính mình. Nhưng không phải ai cũng có được hạnh phúc lớn lao đó, bởi một số người sinh ra đã mắc bệnh dẫn đến không thể có con.
Vậy nhưng với sự tiến bộ vượt trội của y học hiện đại thì giấc mơ tưởng có con như xa với với nhiều chị em giờ đây có thể trở thành hiện thực.
Em bé chào đời từ tử cung được cấy ghép.
Mới đây, các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y dược Baylor ở Dallas, bang Texas (Mỹ) xác nhận đã thực hiện ca sinh mổ thành công, đón bé gái nặng 2,9kg từ người mẹ được cấy ghép tử cung.
Sở dĩ người phụ nữ (giấu tên) này được cấy ghép tử cung vì cô mắc một hội chứng gọi là Mayer-Rokitansky-Küster-Hauser, khiến âm đạo và tử cung không phát triển được, không có kinh nguyệt mặc dù buồng trứng hoạt động bình thường.
Năm 2016, các bác sĩ tại Bệnh viện Baylor đã tiến hành cuộc thử nghiệm cấy ghép tử cung từ những người hiến tặng cho 8 người phụ nữ, trong đó có bà mẹ mới sinh này.
Đây được xem là một bước đột phá ngoạn mục trong y học giúp những người phụ nữ tưởng chừng như khả năng mang thai bằng 0 giờ lại có thể sinh con và cả những người chuyển giới.
Sau khi được phẫu thuật, 4 người gặp biến chứng nên phải tháo gỡ tử cung cấy ghép.
Đây được xem là thành tựu to lớn của y học, mở ra hy vọng mới đối với nhiều phụ nữ bị vô sinh.
Bác sĩ phụ sản Robert Gunby nói với Dailymail: "Thật là tuyệt vời. Bạn có thể sinh con và có thể tự hào nói với mọi người rằng mình làm được điều đó. Giờ đây chúng ta chỉ cần nhân rộng phương pháp này.
Thật là tuyệt vời đối với những phụ nữ không may mắc phải hội chứng như vậy, có lẽ họ chưa bao giờ nghĩ điều này có thể xảy ra trong cuộc đời của họ".
Em bé nặng gần 3kg.
Trước đó, hồi đầu tháng 12 năm ngoái, giới y khoa Mỹ cũng vô cùng phấn khởi trước tin một bé trai khỏe mạnh đã chào đời từ tử cung cấy ghép của một bà mẹ.
Cô cũng là một trong số 8 phụ nữ tham gia cuộc thử nghiệm cấy ghép tử cung của các bác sĩ tại Bệnh viện Baylor.
Để đủ điều kiện tham gia nghiên cứu, phụ nữ phải từ 20 đến 35 tuổi, khỏe mạnh và có buồng trứng bình thường.
Đầu tiên các bác sĩ thực hiện quy trình thụ tinh trong ống nghiệm để khôi phục lại trứng. Sau khi thụ tinh, phôi thai có thể được đông lạnh cho đến khi những phụ nữ sẵn sàng mang thai.
Kể từ khi Bệnh viện Baylor công bố dự án vào tháng 10 năm 2016, hơn 200 phụ nữ đã cho tử cung của mình để những phụ nữ không may mắn khác được cấy ghép.
Năm 2014, một người phụ nữ Thụy Điển 36 tuổi, sinh ra không có tử cung, đã được cấy ghép tử cung do một người bạn gia đình, 61 tuổi hiến tặng.
Thời gian sau cô đã hạ sinh một bé trai khỏe mạnh. Đây được coi là trường hợp sinh con nhờ tử cung cấy ghép đầu tiên trên thế giới, mở ra hy vọng mới đối với nhiều phụ nữ bị vô sinh.
(Nguồn: Daily mail)