"Nhất Lữ Bố, nhị Triệu Vân, tam Điển Vi, tứ Quan Vũ, ngũ Mã Siêu, lục Trương Phi" là câu nói truyền tụng trong dân gian thời Tam Quốc, hàm ý chỉ 6 chiến tướng dũng mãnh, uy lực nhất thời thiên hạ loạn lạc, chưa quy về một mối.
Tuy nhiên, đây là quan niệm có trong tiểu thuyết dã sử đồ sộ Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung. Trong chính sử, mãnh tướng sở hữu võ nghệ cao cường nhất lại không phải là Lữ Bố hay Triệu Vân.
Vậy, 4 vị tướng sở hữu võ công đỉnh cao nhất thời Tam Quốc có thật trong lịch sử là ai?
Top 4 chiến tướng mạnh nhất thời Tam Quốc trong chính sử
Top 4: Trương Phi
Trương Phi và Quan Vũ - hai võ tướng nhà Thục Hán - đều được mệnh danh là "Vạn địch". Đây là danh xưng được thiên hạ tôn tụng những chiến tướng chỉ huy dũng cảm và có võ công vạn người khó địch.
Sinh trưởng trong một gia đình hào phú ở Trác Quận (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc ngày nay), Trương Phi từ nhỏ đã tinh thông võ thuật và thư pháp. Lớn lên, ông là một vị tướng văn võ song toàn, tướng mạo phi phàm.
Cuốn sử liệu Tam Quốc chí của Trần Thọ biên soạn vào thế kỷ thứ 3 có ghi lại rằng, Trương Phi tuy là người bộc trực, có phần thô lỗ nhưng "trong thô có tinh, đại sự có kế, mưu lược hơn người".
Cũng như trong Tam Quốc Diễn Nghĩa đã mô tả, Trương Phi có cơ duyên lớn gặp gỡ Lưu Bị và Quan Vũ. Cả ba kết bái huynh đệ, thề cùng nhau vào sinh ra tử. Vì Quan Vũ lớn hơn mấy tuổi nên Trương Phi nhận Vũ làm huynh. Huynh trưởng là Lưu Bị.
Khi Loạn Hoàng Cân (Khởi nghĩa Khăn Vàng) nổ ra năm 184, Trương Phi, Quan Vũ cùng theo Lưu Bị dấy binh chống lại phiến quân. Kể từ đó, Trương Phi nhất mực trung thành với Lưu Bị cho đến ngày huynh trưởng đăng cơ hoàng đế.
Thời Tam Quốc, mỗi khi nhắc đến chiến tướng dũng mãnh, can trường, không màng sinh tử, thiên hạ nhất loạt nhắc đến hai chữ Trương Phi. Mỗi khi lên lưng tuấn mã "Ô vân đạp tuyết", tay cầm Bát Xà Mâu, Trương Phi như biến thành một người khác, trong lòng chỉ còn lại ý chí chiến đấu đến cùng, một lòng trung thành với chủ công.
Sức mạnh vạn người khó địch của Trương Phi khiến ngay cả Quách Gia - chiến lược gia trọng yếu của Tào Tháo - cũng phải ca ngợi rằng: "Trương Phi là một chiến tướng khiến vạn người nghe danh thôi đã sợ hãi".
Top 3: Văn Ương
Cái tên Văn Ương có lẽ hơi xa lạ với mọi người, bởi trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa, chiến tướng này thực ra không xuất hiện nhiều, tuy nhiên hình tượng của ông lại được La Quán Trung miêu tả khá sát với chính sử.
Văn Ương là người huyện Tiếu, nước Bái (nay là An Huy, Trung Quốc). Sinh ra trong môt gia đình danh gia vọng tộc, con nhà tướng, có cha là Văn Khâm - tướng lĩnh nhà Tào Ngụy; và ông nội là Văn Tắc, cũng là kỵ tướng nổi tiếng thời Tam Quốc.
Hổ phụ sinh hổ tử, đến thời của Văn Ương, ông cũng là một tướng lĩnh cuối Tam Quốc, đầu Tây Tấn, vang danh trong thiên hạ là một chiến tướng vô cùng dũng mãnh và thiện chiến.
Thành tích đáng chú ý nhất của Văn Ương là trận chiến với Tư Mã Sư. Khi ấy là năm 255 - Văn Ương mới 18 tuổi, Đại tướng quân Vô Khâu Kiệm cùng Văn Khâm khởi binh thảo phạt Tư Mã Sư - con của Tư Mã Ý; là một quyền thần nhà Tào Ngụy.
Khi thấy cha nhụt chí trước vạn binh của Tư Mã Sư, Văn Ương chẳng mảy may sợ hãi còn khuyên cha nhân lúc quân Ngụy chưa đứng vững mà tấn công; và bày kế hai cha con đánh úp quân Tư Mã Sư ngay trong đêm.
Trước doanh trại Tư Mã Sư, Văn Ương khua trống ầm ầm khiến quân Ngụy chấn động. Tiếng hét của Văn Ương uy dũng đến mức khiến Tư Mã Sư khi ấy đang bị thương sợ đến mức vết thương vỡ ra. Văn Ương dẫn theo 10 kỵ binh tinh nhuệ xông thẳng vào trại Tư Mã Sư mà tốc chiến tốc thắng.
Kết quả, quân của Tư Mã Sư bị một phen kinh hãi, nhụt chí chiến đấu, phải chịu thua trước sức mạnh không ai bì kịp của Văn Ương.
Top 2: Trương Liêu
Trong chính sử, Trương Liêu là một trong những chiến tướng giỏi nhất của nhà Tào Ngụy. Ông sinh ra trong một gia hào phú ở Mã Ấp (nay thuộc Sơn Tây, Trung Quốc).
Trước khi phò tá Tào Tháo, nắm giữ chức vụ Tì tướng quân nhờ những chiến công hiển hách đóng góp cho nhà Tào Ngụy; Trương Liêu từng là tướng dưới trướng của Lữ Bố.
Từng cùng Tào Tháo đánh Đông dẹp Bắc, nhưng chiến tích uy chấn thiên hạ của Trương Liêu phải nhắc đến trận đánh vô cùng nổi tiếng là trận Hợp Phì chống lại quân Đông Ngô.
Năm 213, Tào Tháo phái Trương Liêu cùng Nhạc Tiến và Lý Điển lĩnh 7.000 quân trấn giữ Hợp Phì (An Huy, Trung Quốc ngày nay) - thành trì này đóng vai trò trọng yếu, là tuyến phòng thủ của Tào Ngụy. Tin tưởng tài cầm quân, lòng trung thành của Trương Liêu, Tào Tháo đã giao cho Trương Liêu làm tiên phong tướng, sẵn sàng nghênh địch khi quân Đông Ngô kéo đến.
Hai năm sau, khi Tào Tháo mang quân đi đánh Trương Lỗ - lãnh chúa cát cứ ở vùng đất Hán Trung (phía đông Ích châu), Tôn Quyền thừa cơ mang 10 vạn binh vây đánh Hợp Phì. Trương Liêu thấy vậy, chọn cho mình 800 quân tinh nhuệ rồi cầm đầu quân đấu lại 10 vạn binh của Tôn Quyền, số còn lại ở thành trấn giữ.
Không muốn phụ lòng tin tưởng của chủ công, Trương Liêu đảm nhận nhiệm vụ tiên phong, thúc tuấn mã xông thẳng vào trận địch, giết chết 2 tướng Đông Ngô cùng hàng trăm binh lính.
Không chỉ hữu dũng, Trương Liêu còn mưu sự như thần. Sau khi tiêu diệt một phần quân địch, người này giả vờ yếu thế, quay ngựa bỏ chạy. Quân Đông Ngô cậy đông liền mắc mưu mà đuổi theo. Khi toán quân đi qua cầu, Trương Liêu cho cắt đôi cầu rồi lệnh cho 2000 kỵ binh tinh nhuệ đánh úp.
Tôn Quyền bị đánh bất ngờ nên bị trọng thương, binh lính chết như ngả dạ. Trận Hợp Phì khiến tên tuổi của Trương Liêu vang chấn khắp thiên hạ, đến mức kinh động đến Đông Ngô, ai ai nghe danh của Trương Liêu đều kinh sợ.
Thắng lợi lấy ít địch nhiều của tướng Tào Ngụy khiến Tào Tháo vô cùng hài lòng và cảm phục, liền phong cho Trương Liêu chức Chinh đông tướng quân. Khi Tào Phi lên ngôi cũng phong cho Trương liêu chức Tiền tướng quân, con cháu dòng họ Trương cũng được đối đãi đặc biệt.
Top 1: Quan Vũ
Trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa, Quan Vũ đứng thứ tư, nhưng trong sử sách chép lại, Quan Vũ lại là võ tướng số 1 cuối thời Đông Hán. Cùng với Trương Phi, Quan Vũ là chiến tướng được mệnh danh là "Vạn địch" hay "Sức địch vạn người", ý chỉ sức mạnh trấn áp hàng vạn kẻ thù của huynh đệ Quan Vũ.
Sử gia chép rằng, Quan Vũ là một trong số ít chiến tướng văn võ toàn tài. Ông không chỉ sở hữu sức mạnh từ võ nghệ cao cường, mà còn là một người tận trung, tận nghĩa; khi ra chiến trường thì dũng mãnh, can trường. Ngoài ra, Quan Vũ còn có tài điều binh khiển tướng như thần. Đó là lý do, khi Lưu Bị xưng đế, Quan Vũ nắm giữ chức vụ cao nhất trong quân đội Thục Hán - chức Tiền tướng quân.
Là một trong những công thần khai quốc nhà Thục Hán, Quan Vũ đóng góp vô số công lớn cho Lưu Bị trong hành trình đi theo huynh trưởng xây dựng cơ đồ.
Một trong những trận đánh trứ danh của Quan Vũ không thể không nhắc đến chính là trận Quan Độ giữa 2 thế lực quân sự mạnh nhất thời tiền Tam Quốc là Tào Tháo và Viên Thiệu năm 200.
Tháng 4/200, Viên Thiệu mang quân đi đánh thành Bạch Mã. Quan Vũ lúc này đang tạm hàng Tào Tháo (vì an nguy của gia quyến Lưu Bị) nên được Tào phái đi cùng với Trương Liêu giải vây thành Bạch Mã. Tại đây, Quan Vũ đối đầu với Nhan Lương - tướng lĩnh có vị trí cao nhất dưới trướng của Viên Thiệu - người từng giết chết các tướng tài của Tào Tháo, và khiến đích thân danh tướng Từ Hoảng phải tháo chạy.
Dẫu vậy, đứng trước một chiến tướng dũng mãnh như thần là Quan Vũ, Nhan Lương đã phải nhận cái chết trong khi chưa kịp trở tay. Dưới lưỡi đao sắc bén của Quan Vũ, võ tướng của Viên Thiệu bị giết trước sự ngỡ ngàng của các phó tướng và binh lính vây quanh. Chỉ vậy thôi cũng đã thấy sức mạnh phi thường của Quan Vũ ấn tượng đến mức nào.
Cả Tam Quốc chí và Quan Vũ truyện đều mô tả rất sinh động chiến tích lẫy lừng này của Quan Vũ. Đối với Quan Vũ, việc loại bỏ Nhan Lương, giải vây thành Bạch Mã là cách ông lập công trả ơn Tào Tháo nhanh nhất có thể, để rồi nhanh chóng về với Lưu Bị - chủ công duy nhất mà ông một lòng theo phò tá.
Cái chết của Quan Vũ sau khi để mất Kinh Châu vào tay Ngô Quyền chỉ khiến dân gian về sau tôn tụng và nhớ mãi đến ông như một chiến tướng dũng mãnh, cả đời tận trung vì nước.
Hơn 500 năm sau ngày mất, Quan Vũ được các hoàng đế nhà Nguyên, Minh, Thanh phong tước, tôn là "Võ thánh" và được thờ cúng ở nhiều nơi trang trọng. Ngày nay, hình tượng Quan Công vẫn còn in sâu trong tâm trí hậu thế, là biểu tượng của tinh thần trượng nghĩa, tiêu diệt cái ác, mang lại sự an lành nên được nhiều người trưng bày tượng, thờ cúng.
Tham khảo: Sohu, Baidu, Tam Quốc chí