Đại úy Lã Tuấn Anh (SN 1982), Phó đội trưởng Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp, Phòng Cảnh sát PC&CC Số 7, cho biết: "Sự hiểu biết của một số người dân về công tác PCCC còn hạn chế".
Anh Tuấn Anh chi sẻ: "Điều này gây không ít cản trở cho chúng tôi trong quá trình tác nghiệp. Ví dụ như việc nhiều người dân chen nhau xem đám cháy, gây tắc đường khiến xe cứu hỏa không tiếp cận được hiện trường.
Thậm chí, trong một lần đi cứu hỏa tôi còn được một người dân kéo tay hỏi rằng: "Gọi một xe chữa cháy mất bao nhiêu tiền?" khiến tôi ngỡ ngàng.
Tôi vội phải giải thích với họ, việc chữa cháy hoàn toàn miễn phí, người dân không phải mất bất cứ chi phí nào nhưng trong một số trường hợp phải hợp tác với lực lượng cứu hỏa để dập tắt đám cháy".
Thượng sĩ Trương Duy Tùng (SN 1993), cán bộ Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp, Phòng Cảnh sát PC&CC Số 7, cho biết: "Một số người dân thiếu kiến thức về PCCC nên có những phản ứng khá tiêu cực.
Trong một lần tham gia chữa cháy, theo quy tắc chúng tôi xịt nước ở nhà bên cạnh nhằm giảm độ nóng, tránh nguy cơ đám cháy lan sang các nhà liền kề. Tuy nhiên, nhiều người dân không hiểu. Họ trách: "Nhà cháy thì các anh không chữa lại đi chữa nhà không cháy?".
Thượng sĩ Trương Duy Tùng |
Cũng theo Thượng sĩ Tùng, sự bất cẩn của người dân có lần đã đẩy chiến sĩ PCCC vào nguy hiểm.
"Đó là trường hợp vụ chữa cháy kho cồn ở Ngọc Hồi (Hoàng Mai, Hà Nội). Hôm đó chúng tôi đang luyện tập thì nhận được lệnh lên đường làm nhiệm vụ.
Đó là vụ chữa cháy đầu tiên mà tôi được tham gia nên khá hồi hộp, lo lắng. Chúng tôi nhanh chóng lên xe đến nơi thì phát hiện đám cháy đã lan khá rộng.
Cửa chính quá nhiều khói và lửa lớn nên chúng tôi đành mở đường khác để tiến vào. Chúng tôi dùng rìu phá một lỗ hổng ở lớp tôn bên cạnh kho. Lỗ hổng chỉ đủ từng người một chui vào.
Các chiến sĩ PCCC đang làm nhiệm vụ thì một người nhà của kho cồn do tiếc của nên dùng máy ủi lao vào từ cửa chính để vớt vát đồ mà không hề trao đổi lực lượng cứu hỏa.
Thượng sĩ Trương Duy Tùng sau một đám cháy. Ảnh: VietNamNet |
Trong quá trình lái máy ủi vào, người này làm vỡ một phi đựng cồn khiến cồn chảy lênh láng, nhanh chóng bén lửa. Lúc này hơn 40 chiến sĩ vẫn đang ở trong kho.
Thấy tình hình nguy cấp, chúng tôi nhận được lệnh phải rút ra ngoài. Lúc ấy, một người lính bị lửa cháy bén vào người vẫn kiên quyết cầm bình xịt bọt vào đám cháy.
Các chiến sĩ rút ra ngoài lại tiếp tục dập lửa lại từ đầu. Vụ việc làm hơn 6 lính cứu hỏa bị thương".
Đại úy Nguyễn Anh Sơn (SN 1980), Tổ trưởng Tổ chữa cháy, Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp, Phòng Cảnh sát PC&CC Số 7 có 18 năm kinh nghiệm trong nghề cũng chia sẻ nhiều câu chuyện đáng nhớ.
Trong nhiều vụ, công tác thuyết phục người bị nạn là vô cùng quan trọng. Khi xảy ra sự cố người dân thường hay hoảng loạn, mất bình tĩnh gây khá nhiều cản trở cho lực lượng cứu hộ. Thậm chí một số người ý thức chưa tốt cũng ảnh hưởng đến công tác của chúng tôi", anh cho biết.
Trong vụ cháy chung cư CT4 Xa La (Hà Đông, Hà Nội), anh Sơn không phải trong ca trực nhưng cũng nhận được lệnh điều động gấp lên hỗ trợ. Trong vụ cháy đó, anh là người điều khiển xe thang để đưa người dân ở tầng 7-8 xuống đất an toàn.
"Tôi điều khiển khoảng 20 chuyến xe. Mỗi chuyến chỉ chở được số người nhất định để đảm bảo an toàn, nếu là trẻ con thì tầm 7-8 cháu, nếu người lớn chỉ khoảng 4 người.
Trước khi lên xe thang chúng tôi đã phổ biến quy định: "Người già, trẻ em và phụ nữ được ưu tiến xuống trước sau đó mới đến các đối tượng khác". Tuy nhiên, một số người đã không tuân thủ".
Theo anh Sơn, do hoảng loạn nên nhiều người chen nhau xuống trước. Thậm chí, một số thanh niên còn chen lên trước nhưng lực lượng cứu hộ kiên quyết ngăn lại.
Anh Sơn cũng kể, có thanh niên khỏe mạnh còn "nhanh trí" ôm một em nhỏ, con của nhà hàng xóm để "có suất" vào xe thang và được ưu tiên xuống trước. Bởi theo quy định, bé quá nhỏ khi xuống bằng xe thang sẽ phải có cha/mẹ hoặc người thân đi kèm.
Sau đó, do khói quá nhiều, việc cứu người bằng xe thang không thể tiếp tục buộc lính cứu hỏa phải lên từng tầng để hướng dẫn người dân thoát hiểm.
Khi được hỏi về số nạn nhân cứu được trong vụ cháy đó, Đại úy Nguyễn Anh Sơn cười đáp: "Trong lúc nguy cấp đó, tôi không để ý được mình đã cứu bao nhiêu người.
Việc cứu hộ là công sức của cả tập thể chứ không phải cá nhân. Tôi nghĩ rằng, thành tích cứu được bao nhiêu người không quan trọng, điều quan trọng là chúng tôi đã cứu được người".