Riêng xuất khẩu sắt thép sang thị trường Malaysia - quốc gia trong ASEAN - tăng mạnh về khối lượng, đạt 120.000 tấn trong tháng đầu năm, tăng 625% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo dữ liệu từ OEC, năm 2022, Malaysia nhập khẩu 6,59 tỷ USD sắt thép, trở thành nước nhập khẩu sắt thép lớn thứ 23 trên thế giới. Cùng năm, sắt thép là sản phẩm được nhập khẩu nhiều thứ 6 tại Malaysia.
Số liệu này được dẫn từ báo cáo của Tổng cục Thống kê. Cũng trong báo cáo này, cơ quan thống kê quốc gia cho biết 2 tháng đầu năm 2024 xuất khẩu sắt thép của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD.
Tính đến hết tháng 1/2024, xuất khẩu sắt thép Việt Nam sang Ý đạt 203.000 tấn, tăng 114% so với cùng kỳ năm trước. Xuất sang Mỹ đạt 139.000 tấn, tăng 419%.
Kết quả này được đánh giá là khả quan, tăng 19% về lượng và 13% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Giá thép xuất khẩu trung bình trong tháng 2/2024 đạt 713 USD/tấn, tăng 0,6% so với tháng trước. ASEAN là thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam, chiếm 32% thị phần xuất khẩu. Kế tiếp đó là EU và Mỹ lần lượt đứng thứ 2 và 3, chiếm 28% và 9%.
Theo Viện Gang thép Đông Nam Á (SEAISI), hoạt động xây dựng trong khu vực, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh, điều này dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu thép tại các nước ASEAN. Nhu cầu thép ASEAN dự kiến sẽ tăng trong hai năm tới khi hoạt động xây dựng trong khu vực phục hồi.
Malaysia nhập khẩu sắt thép chủ yếu từ: Trung Quốc (1,47 tỷ USD), Nhật Bản (871 triệu USD), Đài Loan Trung Quốc (856 triệu USD), Hàn Quốc (682 triệu USD) và Việt Nam (668 triệu USD).
Năm 2024: Giá thép có thể tăng lên 607 USD/tấn
Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS), với sự phục hồi dần dần kể từ cuối năm 2023, giá thép xây dựng được dự báo sẽ tăng trung bình 6% lên 607 USD/tấn trong năm nay.
Đáng chú ý nhất, chênh lệch giá giữa thép Việt và thép Trung Quốc hiện chỉ ở mức 30 USD/tấn, thấp hơn mức bình quân 50 USD/tấn trong 2 năm qua, được kỳ vọng sẽ giúp thép Việt không chịu áp lực cạnh tranh về giá từ các đối thủ Trung Quốc.
Trong trung hạn, khi thị trường bất động sản bước vào chu kỳ hồi phục như dự kiến trong năm 2025, giá thép xây dựng nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng 8% lên 664 USD/tấn.
Tuy nhiên, Hiệp hội Thép Việt Nam chỉ ra rằng ngành thép dự kiến sẽ phải đối mặt với một số thách thức liên quan đến các chính sách mới do Trung Quốc và EU thực thi, cùng với các vấn đề về chuyển đổi xanh, giảm phát thải và chính sách phòng vệ thương mại.
Do đó, các doanh nghiệp thép trong nước phải bám sát nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu để chủ động đưa ra kế hoạch cụ thể trong thời gian tới.
Về lâu dài, cần tích cực đổi mới công nghệ, tập trung chuyển đổi xanh, sản xuất xanh để giảm lượng khí thải carbon, nâng cao năng lực quản lý hệ thống kế toán theo chuẩn mực quốc tế nhằm giảm thiểu rủi ro từ các biện pháp phòng vệ thương mại.
Nhu cầu thép của thế giới được dự báo hồi phục mạnh trở lại trong năm 2024, tăng 2%, đạt 1,8 tỷ tấn trong năm 2024, do đó sản xuất thép của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội, dự kiến tăng khoảng 10% trong năm 2024.
Việt Nam hiện sở hữu mỏ sắt có trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á - Mỏ sắt Thạch Khê. Mỏ này mở tại huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, có trữ lượng khoảng 544 triệu tấn. Mỏ sắt Thạch Khê nằm trên địa bàn 5 xã ven biển của huyện Thạch Hà gồm: Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Trị và Thạch Lạc.
Mỏ được phát hiện từ năm 1960. Khu vực này nằm cách thành phố Hà Tĩnh 8 km về phía Đông, cách bờ biển Đông 1,6 km.
Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê do Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư được triển khai từ năm 2008, tổng vốn đầu tư khoảng 14.500 tỷ đồng, vòng đời khai thác hơn 50 năm.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam, qua điều tra, tìm kiếm và thăm dò quặng sắt, đến nay cơ quan chức năng đã phát hiện được 216 mỏ và điểm quặng sắt với tổng trữ lượng khoảng 1,2 tỷ tấn. Trong đó, trữ lượng đã được thăm dò và đang khai thác khoảng hơn 761 triệu tấn.