Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong giai đoạn 2018-2022, tổng trao đổi thương mại giữa hai Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) bình quân đạt khoảng 5 tỷ USD/năm. Về cán cân thương mại, Việt Nam luôn xuất siêu sang thị trường UAE với giá trị lớn (từ 3-4 tỷ USD/năm).
Hiện UAE là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ hai (sau Kuwait) của Việt Nam tại Tây Á. Năm 2023, tổng trao đổi thương mại hai chiều đạt gần 4,7 tỷ USD, tăng 5,9% so với năm 2022, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 4,3% và nhập khẩu đạt trên 676 triệu USD, tăng 16%.
Về cơ cấu hàng hóa, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang UAE gồm điện thoại di động, máy vi tính và linh kiện, sản phẩm điện, điện tử gia dụng, hạt tiêu, thủy sản, giày dép, hàng dệt may, sản phẩm ngũ cốc, sản phẩm nhựa, đồ gỗ nội thất…
Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ UAE gồm chất dẻo nguyên liệu, khí đốt hóa lỏng (LPG), chế phẩm từ dầu mỏ, nguyên liệu thức ăn gia súc, kim loại thường, hóa chất.
Theo Phòng Thương mại Quốc tế Dubai, một trong ba đại hội đồng hoạt động dưới sự quản lý của Dubai Chambers, các lĩnh vực mang lại cơ hội xuất khẩu tiềm năng từ Việt Nam sang UAE là đồ nội thất, các loại hạt, trái cây nhiệt đới và cà phê.
Còn nhà đầu tư UAE có thể quan tâm thị trường Việt Nam ở các lĩnh vực nông nghiệp bền vững, xây dựng, du lịch và công nghiệp thực phẩm.
Tại diễn đàn “Kinh doanh với Việt Nam” diễn ra sáng 9/5, do Phòng Thương mại Quốc tế Dubai tổ chức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP HCM Nguyễn Văn Dũng cho biết: “UAE hiện đứng thứ 42/120 quốc và vùng lãnh thổ có đầu tư vào thành phố với 27 dự án. Năm 2023, bất chấp nhưng phức tạp toàn cầu, xuất khẩu của thành phố chúng ta sang UAE đã tăng hơn 4% so với năm 2022, đạt tổng trị giá 340 triệu USD”.
Kỳ vọng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và UAE
Mohammad Ali Rashed Lootah, Chủ tịch kiêm CEO của Dubai Chambers, cho biết bên lề sự kiện: “Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh nhờ các chính sách kinh tế thuận lợi, cơ sở hạ tầng vững chắc, lực lượng lao động lành nghề và là nơi có vị trí mang đầy tính chiến lược”.
Ông nói thêm: “Chúng tôi tin rằng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện sắp tới của UAE với Việt Nam sẽ thúc đẩy đáng kể quan hệ chung của chúng ta”.
Hồi đầu năm nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với ông Thani bin Ahmed Al Zeyoudi, Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại Quốc tế, Bộ Kinh tế UAE đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại song phương những năm gần đây giữa Việt Nam và UAE theo hướng ngày càng khởi sắc, đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất, đồng thời mở rộng cơ hội hợp tác trong nhiều lĩnh vực, với điểm nhấn là khởi động và thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và UAE (CEPA Việt Nam-UAE).
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị phía UAE xem xét, tạo thuận lợi cho các hoạt động trao đổi đoàn doanh nghiệp, phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và logistics, cùng đó kêu gọi doanh nghiệp UAE nghiên cứu, đến đầu tư tại Việt Nam vào một số lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, hay gọi tắt là UAE (theo tên tiếng Anh là United Arab Emirates), nằm ở Tây Á. UAE duy trì chế độ quân chủ tuyển cử liên bang bao gồm các tiểu vương quốc: Abu Dhabi (thủ đô), Ajman, Dubai (thành phố lớn nhất), Fujairah, Ras Al Khaimah, Sharjah và Umm Al Quwain.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là một nền kinh tế thị trường đang phát triển có thu nhập cao. Theo IMF, nền kinh tế của UAE là nền kinh tế lớn thứ 4 ở Trung Đông (sau Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi và Israel), với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt trung bình 415 tỷ USD trong năm 2021-2023.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, UAE đã đạt được dòng vốn FDI cao nhất trong lịch sử vào năm 2022, đạt 84 tỷ AED (23 tỷ USD), tăng 10% vào năm 2021.