Trong 1 năm, 17 triệu sản phẩm Việt được bán trên Amazon: DN Việt bán những gì mà được yêu thích đến vậy?

Pha Lê |

Các mặt hàng "ăn khách" của Việt Nam phản ánh kinh nghiệm sản xuất lâu năm và các mũi nhọn xuất khẩu của Việt Nam.

17 triệu sản phẩm Việt được bán trên Amazon

Tại diễn đàn thương mại điện tử xuyên biên giới diễn ra ngày 27/6, ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc khu vực miền Bắc của Amazon Global Selling cho biết, trong 12 tháng tính đến ngày 31/8/2023, hơn 17 triệu sản phẩm từ Việt Nam được bán ra trên Amazon. Giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên sàn thương mại điện tử này cũng tăng 50%.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng phạm vi kinh doanh quốc tế với số lượng sản phẩm xuất khẩu và bán ra trên sàn thương mại điện tử này tăng 300% trong 5 năm. Từ năm 2019 - 2023, số lượng doanh nghiệp Việt Nam đạt doanh số 1 triệu USD mỗi năm trên Amazon cũng tăng gấp 10 lần.

Trong một bài chia sẻ hồi cuối năm 2023, Amazon Global Selling cho biết, trên toàn cầu, sản phẩm từ các đối tác bán hàng bên thứ ba, trong đó có Việt Nam, chiếm 60% tổng số lượng sản phẩm bán ra trên Amazon. 5 ngành hàng Việt bán chạy nhất trên Amazon gồm: Vật dụng nhà cửa; nhà bếp; sức khỏe và chăm sóc cá nhân; may mặc; và làm đẹp. Amazon Global Selling đánh giá danh mục này phản ánh kinh nghiệm sản xuất lâu năm và các mũi nhọn xuất khẩu của Việt Nam như nội thất, trang trí nhà cửa và may mặc.

Trong 1 năm, 17 triệu sản phẩm Việt được bán trên Amazon: DN Việt bán những gì mà được yêu thích đến vậy?- Ảnh 1.

Một sản phẩm của Việt Nam trên Amazon. Nguồn: Amazon Global Selling.

"Việt Nam có lợi thế từ năng lực sản xuất, tinh thần khởi nghiệp và quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, đang đứng trước "cơ hội vàng" để tham gia và trở thành mắt xích mới nổi của chuỗi cung ứng thương mại điện tử toàn cầu", ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho hay.

"Chúng tôi muốn tiếp sức cho các nhà sản xuất, thương hiệu và doanh nhân Việt Nam trong mọi giai đoạn của hành trình xuất khẩu, và thúc đẩy hơn nữa các cơ hội tăng trưởng", bài viết đăng tải trên Công ty cổ phần chứng khoán BIDV (BSC) dẫn lời ông Gijae Seong.

Liên quan đến triển vọng phát triển trong tương lai, phía Amazon Global Selling nhận định, từ năm 2021 - 2026, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới hàng năm tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á khoảng 20%. Riêng giai đoạn 2022 - 2025, tốc độ tăng trưởng loại hình này gấp 2,3 lần so với thương mại điện tử thông thường.

Tiềm năng phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam

Thương mại điện tử (TMĐT) là loại hình kinh doanh phát triển thịnh hành trong những năm gần đây. Tại Việt Nam, loại hình kinh doanh này cũng nhanh chóng phát triển và gặt hái được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, TMĐT tử tiếp tục là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế số của Việt Nam. Năm 2018, doanh thu TMĐT bán lẻ cả nước mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD nhưng đến năm 2019, con số này đã vượt mốc 10 tỷ USD (đạt 10,8 tỷ USD) và tăng lên 11,8 tỷ USD vào năm 2020.

Đến năm 2022, con số này tăng trưởng 20% so với năm trước, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Năm 2023, con số này ước đạt 20,5 tỷ USD.

4 trang TMĐT phổ biến nhất tại Việt Nam là Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok Shop. Ngoài ra, còn có rất nhiều trang thương mại điện tử khác có tiềm năng cạnh tranh như Sendo, Thế giới Di động…

Trong 1 năm, 17 triệu sản phẩm Việt được bán trên Amazon: DN Việt bán những gì mà được yêu thích đến vậy?- Ảnh 2.

Nguồn:Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số

Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company công bố đầu tháng 11/2023, tổng giá trị hàng hoá của Việt Nam dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm ở mức 20%, từ 30 tỷ USD vào năm 2023 lên gần 45 tỷ USD vào năm 2025.

Việt Nam cũng là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á hai năm liên tiếp (2022 và 2023) và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này từ nay đến năm 2025 (đồng hạng với Philippines).

Mặc dù ngành TMĐT còn rộng cửa tại Việt Nam nhưng để phát triển mạnh thì cũng còn không ít khó khăn, thách thức như đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cá nhân, hạ tầng logistics TMĐT còn chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường, niềm tin của người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến...

Để TMĐT phát triển bứt phá hơn nữa trong năm 2024, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm phát triển lành mạnh thị trường.

Tiêu biểu phải kể đến việc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục TMĐT & KTS - Bộ Công Thương) triển khai các giải pháp truy xuất nguồn gốc xuất xứ, mô hình Flagship Store - Gian hàng địa phương trên các Sàn TMĐT nhằm cung cấp các giải pháp đồng bộ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương phân phối các sản phẩm địa phương thông qua nền tảng số, thu hẹp khoảng cách vùng miền, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại