Chia sẻ về quyết định tại thời điểm đó, ông Bùi Thành Nhơn nhấn mạnh: "Tôi trở lại với vai trò Chủ tịch HĐQT và là đại diện pháp luật của Novaland vì tôi nghĩ rằng, đã là doanh nhân - chúng ta phải chấp nhận đối mặt với khó khăn và thách thức. Vì trở ngại này vừa vượt qua thì khó khăn khác sẽ đến".
Sau một năm, tình hình kinh doanh của Novaland nhìn chung đã có những chuyển biến tích cực. Từ số lỗ kỷ lục 400 tỷ trong quý 1/2023, lợi nhuận của Novaland đã dần hồi phục. Đến quý 4/2023, Novaland báo lãi 1.642 tỷ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ 2022 và là mức cao nhất trong vòng 3 năm. Đây là một con số gây bất ngờ với nhiều nhà đầu tư bởi bối cảnh chung của thị trường bất động sản chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, chất lượng lợi nhuận của Novaland vẫn còn là một dấu hỏi lớn bởi thực tế khoản lãi chủ yếu đến từ các biến động bất thường của hoạt động tài chính và lợi nhuận khác. Trong khi đó, doanh thu và lợi nhuận gộp đều sụt giảm lần lượt 37% và 44% so với cùng kỳ 2022.
Tính chung cả năm 2023, Novaland lãi sau thuế gần 685 tỷ đồng, chỉ bằng chưa đến 1/3 năm 2022 trước đó. Ngoài ra, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản này còn âm nặng 3.182 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc có lãi nhưng Novaland không thật sự thu được tiền từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Một điểm tích cực là áp lực tài chính đối với Novaland cũng đã vơi bớt phần nào sau một năm miệt mài tái cơ cấu. Nợ vay tài chính của tập đoàn đã giảm gần 7.000 tỷ so với cuối năm 2022, xuống mức 57.700 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu giảm 5.900 tỷ sau một năm, xuống còn gần 38.300 tỷ đồng.
Nhóm cổ đông liên quan ông Bùi Thành Nhơn mất dần tỷ lệ sở hữu
Trong nỗ lực hỗ trợ tái cơ cấu nợ của Novaland, các cổ đông liên quan đến ông Bùi Thành Nhơn đã phải chấp nhận mất một lượng lớn cổ phiếu sở hữu thông qua bán chủ động và bị giải chấp.
Theo báo cáo quản trị mới công bố, tính đến ngày 31/1/2024, nhóm cổ đông liên quan đến ông Bùi Thành Nhơn còn nắm giữ tổng cộng chưa đến 42% cổ phần tại Novaland. Trong đó, NovaGroup và Diamond Properties vẫn là 2 cổ đông lớn nhất nắm giữ lần lượt 19,6% và 9,24% cổ phần tại Novaland. Gia đình ông Nhơn nắm giữ trực tiếp khoảng 12,8% cổ phần.
So với cách đây một năm (trước khi ông Bùi Thành Nhơn chính thức quay trở lại), tổng tỷ lệ sở hữu của cả nhóm đã giảm khoảng 10%, tương đương 195 triệu cổ phiếu NVL đã "tuột" khỏi tay các cổ đông liên quan đến Chủ tịch Novaland. Trong đó, 2 cổ đông lớn nhất là NovaGroup và Diamond Properties cũng là những cái tên giảm sở hữu nhiều nhất.
Trong bối cảnh áp lực trái phiếu vẫn còn và hoạt động tái cơ cấu vẫn tiếp diễn, số lượng cổ phiếu trong tay nhóm cổ đông liên quan ông Bùi Thành Nhơn nhiều khả năng sẽ còn giảm xuống.
Mới đây, NovaGroup đã đăng ký bán hơn 12,4 triệu cổ phiếu NVL trong khoảng thời gian dự kiến từ ngày 29/1 đến ngày 9/2 thông qua phương thức khớp lệnh qua sàn hoặc thỏa thuận. Nếu thực hiện thành công, tổ chức này sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại Novaland xuống còn 18,9%.
Một lượng lớn cổ phiếu được phân phối cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ đẩy giao dịch của NVL sôi động hơn rất nhiều so với giai đoạn trước.
Cùng với đó, cổ phiếu NVL cũng có nhiều biến động mạnh nhưng có xu hướng hồi phục trong một năm qua. Hiện tại, thị giá NVL đang dừng ở mức 17.000 đồng/cp, tăng gần 14% so với thời điểm một năm trước. Vốn hóa thị trường tương ứng 33.150 tỷ đồng.
Nhìn chung, sau một năm tái cơ cấu toàn diện dưới sự chèo lái của "thuyền trưởng" Bùi Thành Nhơn, tình hình tài chính và kinh doanh của Novaland đã có những thay đổi khá tích cực. Dù vậy, vẫn còn quá sớm để đánh giá về mức độ thành công trong lần trở lại này của ông Nhơn khi chặng đường phía trước vẫn còn dài và nhiều thách thức.