Các bậc cha mẹ luôn mong muốn con cái lưu giữ tâm hồn ngây thơ, trong sáng. Nhưng cũng bởi vậy mà nhiều phụ huynh thường tránh nhắc tới những mặt tối trong xã hội.
Trên thực tế, việc né tránh hiện thực này không những không thể bảo vệ con cái của bạn mà còn vô tình tiếp tay cho kẻ xấu.
Để con trẻ có ý thức tự bảo vệ, hãy cảnh tỉnh con cái về nguy hiểm tiền ẩn của cuộc sống bên ngoài, đời thời dạy các bé những biện pháp phòng tránh bị xâm hại.
Quy tắc an toàn con phải nhớ: Người lớn sẽ không tìm sự giúp đỡ từ trẻ con trong tình huống nguy cấp!
Một bà mẹ người Anh là Jodi từng đăng tải lên các diễn đàn mạng kinh nghiệm bảo vệ trẻ em. Những điều được Jodi chia sẻ chính là trải nghiệm sau một lần ứng phó khi con của cô suýt bị bắt cóc.
Jodi là bà mẹ đơn thân của bốn người con. Vào một buổi sáng, khi đang chuẩn bị đưa hai con lớn đi học, Jodi bất ngờ bị đau bụng và đành phải đưa cả bốn đứa trẻ tới bệnh viện cùng mình.
Tại bệnh viện, Jodi có gọi cho hàng xóm tới trông chừng hai người con lớn đang ở bên ngoài, hai người con nhỏ được cô gửi y tá. Sau khi sắp xếp xong xuôi, người mẹ đơn thân này mới yên tâm vào khám bệnh.
Nhưng đúng lúc đó, có ba người lạ mặt đã tìm cách tiếp cận những đứa trẻ. Một người phụ nữ trong số đó nhờ hai con của Jodi giúp mình vào khuyên nhủ bạn trai đang trốn trong nhà vệ sinh ra ngoài để gặp bác sĩ.
Nói lời từ chối yêu cầu từ người lạ đã giúp hai người con của Jodi thoát khỏi những kẻ bắt cóc trẻ em. Ảnh minh họa
Nhận được yêu cầu từ người lạ, bọn trẻ lập tức từ chối. Bởi các em đã được mẹ phổ biến về "quy tắc an toàn" rằng: "Người lớn sẽ không bao giờ tìm sự giúp đỡ của trẻ em".
Ngay vào lúc đó, hàng xóm của Jodi đã đến đón hai đứa trẻ. Sau này, cảnh sát điều tra đã phát hiện ba đối tượng tiếp cận con của cô là những kẻ tình nghi bắt cóc trẻ em.
Nhờ vào quy tắc an toàn, những người con của Jodi đã may mắn không trở thành nạn nhân của kẻ xấu.
Học cách giữ an toàn là điều cần thiết cho cả phụ huynh và con cái
Một nhóm phóng viên tại Anh đã từng hợp tác với một nhà trẻ để khảo sát về ý thức đề phòng của trẻ em ngày nay.
Trong quá trình khảo sát, họ đưa ra 3 trường hợp trắc nghiệm cho các bé.
Trường hợp thứ nhất mang tên "Món quà hấp dẫn". Theo đó, những đứa trẻ sẽ được người lạ "dụ dỗ" bằng nhiều món quà thú vị.
Kết quả cho thấy đa số các em đều không rời mắt khỏi những món quà như đồ chơi, bánh, kẹo… Nhưng sau một hồi do dự, các bé vẫn quyết định không nhận quà từ người lạ.
Trắc nghiệm thứ nhất cũng vì vậy mà hoàn toàn thất bại.
Trắc nghiệm thứ hai đặt ra tình huống "Giả làm người quen". Phóng viên sẽ thử gọi tên bố/mẹ của các bé để vờ nhận làm người có quen biết với gia đình.
Khi nghe thấy người lạ gọi tên người thân, các bé có phần buông lỏng cảnh giác. Thay vì lập tức đi theo họ, những đứa trẻ tại đây đều chạy ra hỏi cô giáo.
Tuy nhiên, khi cô giáo hỏi các bạn nhỏ có quen người lạ kia không, các bé lại hồn nhiên gật đầu và trả lời có. Điều này khiến đội ngũ phóng viên khảo sát không khỏi dở khóc dở cười.
Kết quả của trắc nghiệm thứ hai đã đã thành công được 50%.
Trắc nghiệm thứ ba có tên gọi "Giả vờ xin giúp đỡ". Theo đó, nhóm phóng viên sẽ tìm cách nhờ vả các bé xuống tầng một tìm giúp "người bạn quay phim". Tất cả các em đều bị mắc lừa trong tình huống này.
Kết quả của những trắc nghiệm thực tế đã, trẻ em khó có thể tránh khỏi cám dỗ từ những món đồ chơi thú vị, không biết cách từ chối yêu cầu giúp đỡ của người lạ và cũng lơi lỏng đề phòng với những kẻ dán mác "người quen".
Thông qua ba trắc nghiệm đơn giản trên, có thể thấy rõ, trẻ em ngày nay chưa thể xử lý linh hoạt khi phải tự mình đối mặt với các tình huống nguy hiểm trong thực tế.
Điều này cũng nói lên một sự thật rằng, phương pháp giáo dục ngày nay chưa giúp các em có thể tự bảo vệ bản thân.
Trên thực tế, con cái của chúng ta chẳng mấy chốc sẽ phải đương đầu với cuộc sống thực tế, tiếp xúc với nhiều kiểu người trong xã hội.
Điều quan trọng nhất là chúng ta phải giúp các em nhận biết được người nào đáng tin, người nào không đáng tin, đồng thời phải nâng cao cảnh giác với những người lạ "giả vờ yếu thế" khi xin sự giúp đỡ từ trẻ con.
Sau khi đọc xong bài viết của bà mẹ đơn thân Jodi, một độc giả trên mạng đã để lại bình luận:
"Tôi luôn nói với bọn trẻ nhà mình rằng, người chủ động nói chuyện với con luôn luôn nguy hiểm hơn so với những người con chủ động nói chuyện cùng".
Bên cạnh việc căn dặn con cái phải tránh xa những đối tượng lạ mặt, không đáng tin, nhiều độc giả còn nhấn mạnh nhắc nhở các bé cảnh giác trước cả những kẻ "trông có vẻ đáng tin".
Ngày nay, không ít kẻ xấu có khả năng ngụy tạo cho mình một vỏ bọc đứng đắn thông qua việc giả làm cảnh sát, bác sĩ, phóng viên… để tiếp cận trẻ em. Vì vậy, các ông bố, bà mẹ cũng cần hướng dẫn con cái cách phân biệt và lật tẩy những màn ngụy trang của kẻ gian.
Thay vì nhắc nhở các bé "không được nói chuyện cùng người lạ", hãy dạy trẻ cách để phân biệt người tốt, kẻ xấu. Bởi con cái của chúng ta vẫn luôn có lúc cần giao lưu, học hỏi, thậm chí khẩn cầu sự giúp đỡ từ người lạ trong những tình huống khẩn cấp.
Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ cụ thể về cách ứng phó khi đứng trước nguy cơ bị lợi dụng, xâm hại.
5 nguyên tắc tự vệ phụ huynh và trẻ em cần biết
So với việc chỉ đề cập sơ qua những kiến thức về việc tự đảm bảo an toàn, cha mẹ nên hướng dẫn cho con cái những biện pháp thiết thực để ứng phó trong các tình huống khẩn cấp.
1. Nhớ kỹ "khẩu lệnh an toàn", chỉ đi theo người nhà
So với việc căn dặn trẻ không đi theo người lạ, sẽ tốt hơn nếu bạn đề cập cho con trẻ một "khẩu lệnh an toàn" mà chỉ những người thân mới biết.
Chỉ khi gặp người thân đọc đúng "khẩu lệnh" này, trẻ mới nên đi theo họ về nhà.
Trong trường hợp có việc đột xuất không thể đi đón con cái, hãy chỉ nhờ cậy và giao khẩu lệnh này cho người bạn thực sự tin tưởng.
2. Câu cửa miệng cần thuộc lòng: "Cháu không biết!"
Khi gặp những đối tượng lạ mặt nhờ giúp đỡ, cách tốt nhất để bảo đảm an toàn chính là từ chối bằng câu nói: "Cháu không biết"!
Bên cạnh đó, bạn cũng không nên thêu tên tuổi, địa chỉ của các bé ở những vị trí bắt mắt như áo, quần, cặp sách… để tránh kẻ gian lợi dụng.
Các bậc cha mẹ cũng như thầy cô nên dạy cho trẻ khái niệm về thông tin cá nhân và cách bảo mật những thông tin này để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình.
3. Nâng cao ý thức về bảo vệ thân thể
Khi trẻ lên ba tuổi, hãy cho các bé biết rằng những phần được quần áo tắm che khuất đều là bộ phận riêng tư, không được để lộ ở nơi công cộng, càng không được cho người khác chạm vào.
Trong trường hợp bị người khác có bất kỳ hành vi đụng chạm, xâm phạm nào, hãy hướng dẫn các bé lập tức ngăn lại, hét to để tìm sự giúp đỡ và chạy tới nơi an toàn.
Ý thức về thân thể là điều cần được phổ biến cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ.
4. Cảnh giác với những người "nhiệt tình thái quá"
Luôn nhắc nhở trẻ đặc biệt nâng cao cảnh giác với những người "quá nhiệt tình" hoặc "giả vờ yếu đuối" và xin giúp đỡ,
Bạn nên giúp con trẻ ý thức rằng, lòng tốt cần phải được dùng đúng nơi, đúng chỗ, đúng đối tượng. Người lớn không có lý do gì để trông cậy vào sự giúp đỡ của một đứa trẻ xa lạ, yếu đuối.
5. Tránh xa những "không gian chật hẹp" khi chỉ có một mình
Trong những tình huống nguy hiểm, không gian hẹp luôn có nhiều điểm nguy hại đối với con trẻ hơn.
Vì vậy, hãy nhắn nhủ con cái của bạn tránh xa những nơi "có vẻ nguy hiểm" dù cho địa điểm đó có đẹp và hấp dẫn tới đâu.