Sáng ngày 29.5.2017, chị Đinh Thị Thu Hằng hào hứng kể với mẹ về chuyến du lịch mà chị vừa tham gia. Câu chuyện dang dở khi chị Hằng đã đến giờ phải đến bệnh viện chạy thận.
"Buổi sáng hôm đó con tôi đi, hẹn với mẹ con về con kể tiếp, rồi đi mãi không về..." - bà Nguyễn Thị Thu vừa kể vừa nhét vào tay tôi một bài thơ viết về con gái bà.
Bà dặn tôi: "Cháu hãy giúp tôi đăng bài thơ này" - đó là buổi chiều ngày 28.5.2018, ngay trong sân TAND Tp. Hoà Bình - nơi xét xử vụ án tai biến chạy thận khiến 9 người tử vong.
Chị Hằng con bà Thu là một trong 9 nạn nhân xấu số đó. HĐXX vừa thông báo ngày 29.5 phiên toà sẽ quay lại phần xét hỏi. Không biết sức nóng của phiên toà có nhắc nhiều người nhớ rằng ngày 29.5.2018 là vừa tròn một năm sau buổi sáng kinh hoàng ở Đơn nguyên Thận nhân tạo BVĐK tỉnh Hoà Bình khiến bà Thu mất đi con gái mãi mãi.
Chị Đinh Thị Thu Hằng là nạn nhân trẻ nhất của vụ án chạy thận 1 năm về trước và có lẽ cũng là nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt nhất. Chồng nghiện ma tuý rồi bỏ đi, chị Hằng cùng con gái về nhà bố mẹ đẻ, nhờ ông bà cưu mang. Tiền đi chạy thận của chị Hằng là tiền bà Thu tích cóp từ hàng nước nhỏ trước cổng nhà.
Tất cả những người đã bước vào khoa chạy thận đều nghèo. 1 tuần 3 buổi chạy thận, nghĩa là gần một nửa phần đời sống trong bệnh viện, gặp bác sĩ nhiều hơn người thân trong gia đình; sống cùng với các bệnh nhân chạy thận khác nhiều hơn sống với bố mẹ, vợ chồng, con cái.
"Chúng tôi coi nhau như người nhà - nên 9 gia đình nạn nhân chúng tôi đã quyết định làm một ngôi mộ tập thể để người thân của chúng tôi vẫn có thể thân thiết với nhau ở thế giới bên kia".
Luật sư Nguyễn Danh Huế (đại diện cho BVĐK tỉnh Hoà Bình) vừa công bố một sự thật gây sốc: Ở BV Bạch Mai và các bệnh viện khác trong cả nước, giá cho một ca chạy thận trung bình từ 3,5 - 4 USD. Nhưng ở Hoà Bình, con số này là 7,7 USD - gấp đôi so với mặt bằng chung cả nước. Hoà Bình là một tỉnh nghèo với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, bệnh nhân chạy thận thậm chí còn vừa nghèo vừa khốn khổ.
Nhưng dưới thời ông Trương Quý Dương làm giám đốc bệnh viện, Hoà Bình là nơi có mức viện phí chạy thận cao nhất cả nước. Thế nhưng bao nhiêu năm qua, BVĐK tỉnh Hoà Bình vẫn báo lỗ đối với Đơn nguyên Thận nhân tạo.
Không một ai trả lời được câu hỏi: vậy thì số tiền chênh lệch đó bao nhiêu năm qua đã đi đâu? Ai là người hưởng lợi trên nỗi đau của những bệnh nhân của Đơn nguyên Thận nhân tạo BVĐK Hoà Bình?
Những gia đình nạn nhân chạy thận cũng có một câu hỏi tương tự khi nghe thông tin mà LS Nguyễn Danh Huế cung cấp. Quá đau đớn, quá bàng hoàng, nhưng 9 gia đình nạn nhân của vụ án đều biết chắc một điều: "Tiền đó vào túi ai chúng tôi không biết, nhưng chắc chắn không vào túi các bác sĩ của Đơn nguyên Thận nhân tạo. Không có nơi nào mà bác sĩ lại nghèo như ở cái Đơn nguyên này. Cả đời chúng tôi chưa từng có một cái phong bì biếu họ!".
Tôi biết những lời này là thật, vì lần đầu tiên gặp bác sĩ Hoàng Công Lương, tôi để ý thấy anh chỉ đeo một chiếc đồng hồ casio điện tử giá vài trăm nghìn đồng. 3 lần tôi gặp bác sĩ Lương trước phiên toà thì cả ba lần tôi đều thấy anh mặc đúng một chiếc áo giống hệt nhau.
Giám đốc BVĐK Hoà Bình thời điểm này, ông Lê Xuân Hoàng kể cho tôi rằng, khi ông về nhận nhiệm vụ giám đốc thay ông Trương Quý Dương giữa lúc bệnh viện đang hỗn loạn nhất, ông nhận được không ít đơn xin nghỉ việc của y bác sĩ. Bác sĩ ở Đơn nguyên Thận nhân tạo luôn là những người nghèo nhất bệnh viện. Tai biến xảy ra, đồng nghiệp bị kết tội, có những lúc tưởng như họ không còn tinh thần để cống hiến nữa.
Tôi từng đọc không biết bao nhiêu về những vụ án tai biến y khoa xảy ra khắp cả nước. Tôi đã từng nghe các bác sĩ tâm sự về nỗi ám ảnh của họ khi sau mỗi sự cố y khoa, họ bị người nhà bệnh nhân xông vào doạ đánh, doạ giết, phá ô tô...
Nhưng trong câu chuyện ở Hoà Bình, những gia đình nạn nhân đã chọn một cách cư xử hoàn toàn khác. Sau khi vụ tai biến xảy ra, tất cả họ cùng nhau hỗ trợ bác sĩ cứu chữa người bệnh. Khi người thân qua đời, họ không tức giận, không đập phá. Họ lên gặp bác sĩ, xin phép đưa người thân của mình về lo ma chay, không quên dặn các bác sĩ "hãy cố gắng cứu chữa cho những người còn lại".
Một buổi chiều mưa tầm tã ngay trước phiên toà vài ngày, bà Nguyễn Thị Thu đã đến tận nhà bác sĩ Hoàng Công Lương, để tặng cho bác sĩ Lương một chuỗi tràng hạt cầu an mà bà mua về từ Campuchia. Bà tha thiết nói: "Bác sĩ Lương, cháu phải cố gắng lên, phải kiên cường, phải nghị lực, phải tự chăm sóc mình. Buổi tối trước khi đi ngủ, cháu phải nghĩ rằng mỗi ngày cháu đã sống và làm những việc có ích cho xã hội. Cháu không có tội thì không có gì phải sợ. Buổi sáng thức dậy, cháu phải nghĩ rằng ngày hôm nay sẽ là một ngày tốt lành. Cháu không làm gì để gia đình và vợ con phải xấu hổ cả. Bác tin cháu vô tội và tin rằng pháp luật cũng sẽ công bằng với cháu như thế".
Tôi đã chứng kiến toàn bộ cuộc gặp đó khi không hẹn mà gặp, tôi tình cờ có mặt ở nhà bác sĩ Lương cũng trong ngày mưa đó.
Có rất nhiều chuyện mà tôi chưa từng kể trên báo trong suốt những ngày tôi theo đuổi để đưa tin về vụ án này, ví dụ như câu chuyện này: Buổi chiều tối nọ khi tôi đang chuẩn bị từ Hoà Bình về Hà Nội, bà Thu gọi điện và đề nghị tôi qua nhà. Không phải vì công to việc lớn gì, biết tôi đi ô tô, bà xin tôi cho một cô gái đi nhờ về Hà Nội. Cô gái ấy là Mây - vợ của bị cáo Bùi Mạnh Quốc - người đã dùng những chất hoá học không cho phép để tẩy rửa hệ thống RO - là nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết của con gái bà Thu và 8 bệnh nhân khác.
Có lẽ vì sợ tôi từ chối cho Mây đi nhờ, bà Thu phân trần: "Cháu cho con bé đi nhờ về Hà Nội để tiết kiệm tiền xe. Vợ chồng nó nghèo lắm. Và cũng rất ăn năn hối cải. Nên gia đình các bác cũng không giữ trong lòng sự oán trách, hận thù".
Mây đã nhiều lần đi lên Hoà Bình để thăm hỏi những gia đình nạn nhân vụ chạy thận. Trên chuyến xe đi nhờ tôi về Hà Nội, Mây khóc: "Lần đầu tiên em lên Hoà Bình xin gặp 9 gia đình ấy, em đã rất sợ hãi. Em sợ họ sẽ vì bức xúc mà đánh mình. Nhưng họ rất rộng lượng với vợ chồng em. Bác Thu dẫn em đến tìm nhà bác sĩ Lương. Có tình tiết gì mới mà có thể giúp gỡ bớt tội cho chồng em, bác đều gọi điện cho em đi tìm. Các bác ấy sẽ xin giảm án cho chồng em trong phiên toà ".
Trong phiên toà xét xử những ngày qua, khi được HĐXX gọi lên hỏi nguyện vọng, ngoài chuyện bồi thường về tổn thất vật chất và tinh thần, 9 gia đình nạn nhân - trong đó có gia đình bà Thu đều động loạt xin giảm nhẹ tôi danh cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc và bị cáo Trần Văn Sơn. Riêng với bị cáo - bác sĩ Hoàng Công Lương, họ "đề nghị VKS tuyên bác sĩ Lương vô tội"!
Tất cả những lần được Toà gọi lên hỏi, tất cả những lần trả lời phỏng vấn báo chí, 9 gia đình này đều luôn nói về sự hàm oan của bác sĩ Lương trước khi nói lên tiếng nói bảo vệ quyền và lợi ích của họ.
Buổi chiều tối 24.5.2018, khi ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu thể hiện sự ủng hộ với bác sĩ Hoàng Công Lương trên báo chí, bà Thu đề nghị tôi đọc bài báo phỏng vấn ông Lân Hiếu cho bà và những người hàng xóm nghe. Kết thúc bài báo, bà nắm tay tôi mà nói: "Cháu gửi lời tới ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu giúp bác, là các bác hưu trí trên này cảm ơn sự lên tiếng của ông".
Tôi đã quan sát tất cả những hành xử đó của họ, dù xúc động nhưng tôi không hề cảm thấy ngạc nhiên. Với những gì tôi đã chứng kiến, tôi hiểu 9 gia đình nạn nhân sẽ hành động như thế. Xin lỗi nếu như tôi kết luận vội vàng, nhưng họ là những người văn minh nhất, tử tế nhất, giàu lòng vị tha và nhân ái nhất trong tất cả những thân nhân của các vụ án liên quan đến y khoa ở Việt Nam mà tôi được biết.
Hôm nay tôi đã gặp ông Lê Xuân Hoàng - giám đốc đương nhiệm của BVĐK Tỉnh Hoà Bình, ông Hoàng xúc động nói: "Là người đứng đầu BV thời điểm này, tôi chỉ có thể nói rằng, tập thể y bác sĩ bệnh viện chúng tôi cảm ơn chân thành và sâu sắc trước sự vị tha của gia đình nạn nhân sau biến cố khủng khiếp đó".
Trong vụ án này, báo chí và dư luận quan tâm rất nhiều đến việc HĐXX sẽ định tội bác sĩ Lương như thế nào. Tôi cũng không nằm ngoài số đó. Nhưng tôi luôn tự nhắc mình, tôi phải có trách nhiệm nói về công lý cho 9 gia đình nạn nhân của vụ án này.
Phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án chạy thận ở Hoà Bình đã kéo dài 10 ngày - một phiên toà quá dài so với thông lệ của một vụ án hình sự. Hoà Bình rất nóng những ngày này, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Vợ chồng cô Hường, con dâu bà Phượng -1 nạn nhân khác của vụ chạy thận - mỗi ngày đều đi xe máy qua quãng đường 140km cả đi lẫn về. Có những gia đình nạn nhân khác ngày nào cũng đi tổng cộng hơn 200km. Họ không vắng mặt bất cứ buổi nào Toà xử, vì chờ đợi một phán quyết công bằng cho tất cả.
Nhưng ngày 24-5, khi VKS đọc bản luận tội, gặp tôi ở ngoài, cô Hường nói với tôi: "Nếu như vụ án này kết thúc đúng như những gì VKS đề nghị, thì không có công lý cho bác sĩ Lương và cũng chẳng có công lý nào cho chúng tôi".
Trong cáo trạng đó, bác sĩ Hoàng Công Lương bị đề nghị 30-36 tháng tù giam (cho hưởng án treo). Đại diện VKS nói rằng: "xét thấy người nhà nạn nhân đã xin giảm nhẹ tội danh cho bị cáo Lương, nên VKS đề nghị mức án này...". Nhưng chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (người nhà nạn nhân Nguyễn Thị Minh Minh đã không nén được bức xúc: "Bà đại diện VKS đã nói sai hoàn toàn nguyện vọng của gia đình chúng tôi. Chúng tôi không xin giảm tội cho bác sĩ Lương. Chúng tôi ĐỀ NGHỊ TUYÊN BÁC SĨ LƯƠNG VÔ TỘI. Chúng tôi không cần xin điều gì cả".
Khi phiên toà bắt đầu, điều khiến 9 gia đình nạn nhân vụ chạy thận cảm thấy cay đắng và giận dữ nhất là việc ông Trương Quý Dương - giám đốc của BVĐK Tỉnh Hoà Bình thời điểm xảy ra vụ án đã không hề xuất hiện ở Toà.
"Từ khi xảy ra vụ án cho đến nay, ông Trương Quý Dương với tư cách là người đứng đầu đã không hề đến nhà chúng tôi thắp một nén hương cho những người thân của chúng tôi. Năm lần bảy lượt chúng tôi xin gặp ông Trương Quý Dương, ông ta đều từ chối tiếp. Giờ ông Dương được phép vắng mặt trong phiên toà này, thì tôi không hiểu vụ án này sẽ xét xử thế nào, không hiểu công lý sẽ được thực thi ra sao?. Chúng tôi đã đau đớn giờ càng đau đớn hơn vì không thấy ông Dương ở toà" - ông Đinh Văn Tính , đại diện cho các gia đình nạn nhân chia sẻ.
Lúc này đây, ông Trương Quý Dương đang ở Canada. Một số bạn bè tôi trên facebook share những bức ảnh ông Dương đang đi thăm thú khắp đất nước Canada, rất vui vẻ, rất thanh thản, rất hạnh phúc bên vợ con mình.
Nếu đứng ở trước phiên toà này, ông Dương sẽ lý giải thế nào với mức viện phí 7,7USD cho mỗi lần chạy thận của những bệnh nhân thận nghèo khó này - đó là điều tôi thực sự tò mò. Ông Dương đã xuất cảnh sang Canada 2 lần trong vài tháng qua. Tiền vé khứ hồi cho mỗi chuyến bay nếu tạm tính khoảng 2000 USD thì chỉ riêng tiền vé máy bay của ông Dương cũng bằng gần 300 ca chạy thận.
Khi tôi thực hiện phỏng vấn lần lượt 9 gia đình nạn nhân sau thời điểm VKS đọc cáo trạng, tất cả đều nhất trí một điều sau: Ông Trương Quý Dương nhất định phải có mặt ở phiên toà xét xử vụ án này. Mọi lý do vắng mặt đều không thể chấp nhận, vì ông Dương là một mắt xích quan trọng trong vụ tai biến đó.
"Nếu ông Dương không chịu trình diện tại phiên toà, chúng tôi yêu cầu HĐXX phải có những biệt pháp cưỡng chế ông Dương có mặt tại đây để đối chất với người nhà bị hại chúng tôi. Ông Dương không xuất hiện thì chúng tôi không tin công lý cho những người thân của chúng tôi có thể được thực thi".
Chị Tuyết nói: "Chúng tôi biết có hai điều này là có thật: người thân của chúng tôi chết là có thật; bác sĩ Lương là người tốt là có thật. Cái chúng tôi thấy không có thật là 6 năm người nhà chúng tôi chạy thận ở BVĐK Tỉnh Hoà Bình mà hoá ra không hề có giấy phép, cũng không có hợp đồng. Cán bộ hành chính thì đi quản lý phòng vật tư. Cán bộ có chuyên môn về vật tư thì được điều đi làm việc khác. Người ta giao việc quản lý trang thiết bị y tế cho một anh nhân viên mà trên thực tế đã không còn hợp đồng lao động với bệnh viện".
Thế thì không có lý do gì mà những người có trọng trách cao nhất bệnh viện không bị xử lý về sự quản lý lỏng lẻo này. Họ đã đùa giỡn với tính mạng của người nhà chúng tôi nhiều năm trời . Tôi mong vụ án này xét xử đúng người đúng tội. Chúng tôi muốn bác sĩ Lương được tuyên vô tội. Nhưng cũng nhất quyết yêu cầu những kẻ có tội thực sự phải xuất hiện tại đây và chịu trách nhiệm. Nếu điều này không được thực hiện, 9 gia đình chúng tôi đã đồng lòng, nhất trí sẽ khiếu kiện lên Toà án cấp cao hơn".