Theo nhiều phản ánh từ người dân, thời tiết một số khu vực thuộc miền Bắc nước ta tiếp tục xuất hiện tình trạng nồm, độ ẩm trong không khí cao. Trên các ứng dụng theo dõi và dự báo thời tiết hiển thị, độ ẩm trong không khí phổ biến trên 80%, thậm chí có lúc lên tới 92%, tức là rất cao. Mới đây, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng cho biết, kiểu thời tiết này có thể kéo dài thêm vài ngày, kèm theo mưa phùn, mưa nhỏ, rải rác ở một số nơi.
Trời nồm không chỉ gây ra tình trạng sàn nhà, tường nhà, trần nhà hay mọi vật dụng đều trở nên ẩm ướt, bất tiện trong sinh hoạt, gây hỏng hóc đồ đạc, như đồ điện hay đồ bằng gỗ, mà còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của con người. Bởi khi độ ẩm trong không khí tăng cao, các loại vi khuẩn, nấm mốc và côn trùng sẽ dễ dàng sinh sôi và phát triển hơn. Thêm vào đó, những căn bệnh về hô hấp, đặc biệt là với người già và trẻ nhỏ cũng dễ tái phát vào khoảng thời gian này.
Trên các ứng dụng theo dõi thời tiết, con số về độ ẩm không khí hiển thị có lúc lên tới con số 92%. (Ảnh chụp màn hình)
Nồm ẩm gây cho sàn nhà, tường nhà hay các vật dụng gặp trình trạng "đổ mồ hôi".
Chính vì vậy, mọi gia đình đều muốn tìm mọi biện pháp để khắc phục tình trạng nồm ẩm trong nhà mình. Các phương pháp chủ yếu đến từ việc mọi người truyền miệng. Tuy nhiên, một số trong đó lại không hẳn là chính xác, thậm chí không hiệu quả và còn có thể khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn.
Thăm dò ý kiến
Gia đình bạn thường chống nồm ẩm bằng cách nào?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Có thể kể tới đó là mẹo mở cửa nhà nhiều nhất có thể và bật quạt liên tục. Đây là 2 sai lầm phổ biến nhất mà các gia đình gặp phải vào mùa nồm. Đối với việc mở cửa nhà nhiều nhất có thể, bao gồm cả các cửa sổ và cửa chính, các gia đình lầm tưởng ra việc mở cửa ra giúp ngôi nhà được thông thoáng, đón nhiều gió, từ đó giúp hơi nước bốc hơi bớt, từ đó không gian trở nên khô ráo hơn.
Còn với mẹo bật quạt, các gia đình cũng kỳ vọng, gió quạt sẽ giúp hơi nước bốc hơi nhanh hơn. Kết hợp với bật quạt là lau nhà liên tục để không gian được trở nên khô ráo và sạch sẽ.
Mở toàn bộ cửa trong nhà hay bật quạt đều là những phương pháp chống nồm "ngược đời". (Ảnh minh họa)
Vì sao mở cửa, bật quạt vào ngày nồm ẩm lại là sai lầm?
Như đã nói ở trên, việc mở tất cả các cánh cửa trong nhà hay bật quạt trong thời gian xuất hiện nồm ẩm không những không có tác dụng, mà còn khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.
Độ ẩm trong nhà chúng ta xuất phát từ độ ẩm từ chính không khí. Vì vậy khi mở cửa nhà, không khí từ bên ngoài đi vào nhà càng nhiều, độ ẩm chúng mang theo sẽ càng lớn.
Còn đối với bật quạt cũng tương tự như vậy. Hơi lạnh từ quạt thổi ra không những không làm bay hơi nước trong phòng đã bị đóng kín, mà còn làm cho không khí ẩm ngưng kết mạnh hơn, nước đọng lại càng nhiều hơn, ẩm mốc càng nhiều hơn. Gia đình nào kết hợp với lau nhà bằng nước, kể cả lau nhà với nước nóng như nhiều dân mạng truyền miệng nhau trong thời gian gần đây thì tình hình sẽ càng trở nên tồi tệ.
Nồm ẩm có thể ảnh hưởng tới các thiết bị điện tử trong nhà. (Ảnh minh họa)
Khi mắc phải những sai lầm trong việc chống nồm, nước trong nhà sẽ không thể bay hơi, thay vào đó còn tích tụ nhiều hơn trong nhà, tiềm ẩn nguy cơ hỏng hóc vật dụng hay các thiết bị cao hơn.
Chính vì vậy, tốt hơn hết vào những ngày nồm, gia đình hãy đóng chặt tất cả các cánh cửa trong nhà và hạn chế bật quạt số lớn. Nếu muốn lau nhà, có thể chuẩn bị một chiếc khăn khô, sạch, để lau sàn nhà, thấm tường nhà, trần nhà, hay lau các vật dụng gỗ, thiết bị điện dễ hỏng hóc khi thấm nước.
Thay vì bật quạt và mở cửa, hãy dùng khăn khô lau nhà để không gian được khô thoáng và sạch sẽ hơn. (Ảnh minh họa)
Các phương pháp chống nồm ẩm hiệu quả
Ở Mỹ, vào thời gian mùa hè, tức từ tháng 5 đến tháng 8, cũng thường xuyên xảy ra tình trạng nồm ẩm. Chính vì vậy, Cục Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA) đã đưa ra một số lời khuyên, giúp người dân khắc phục được phần nào tình trạng này.
1. Bật quạt thông gió nhà tắm hoặc máy hút mùi của nhà bếp để hút một phần hơi ẩm ra bên ngoài.
2. Phủ lên sàn nhà những tấm nhựa, thảm hay những tờ giấy báo, giúp thấm hút phần nào độ ẩm. Tuy nhiên với thảm, sẽ phải giặt thường xuyên, còn giấy báo thì phải thay liên tục.
3. Kiểm tra các đường ống nước trong nhà để đảm bảo chúng không bị rò rỉ, thấm dột, khiến tình trạng tồi tệ hơn.
4. Sơn nhà bằng các vật liệu chống thấm, cách nhiệt tốt như cách nhiệt bằng sợi thủy tinh; phun bọt cách nhiệt hay dùng lớp cách nhiệt bằng cellulose. Việc này sẽ giúp hạn chế tối đa lượng không khí mang theo độ ẩm vào nhà bạn.
5. Hạn chế để các vật dụng, đặc biệt là đồ điện tử và đồ bằng gỗ sát tường, bởi nó có thể gây hỏng hóc cho tiết bị.
6. Bật điều hòa nhiệt độ ở chế độ "Dry" hoặc sử dụng các thiết bị chuyên biệt, hỗ trợ hút ẩm.
7. Vào những ngày này, các loại máy tạo độ ẩm nên được tắt để đảm bảo không tạo thêm lượng không khí ẩm dư thừa cho không gian, đặc biệt với những không gian chật, hẹp.
Phương pháp hữu hiệu và nhanh chóng nhất là sử dụng các thiết bị chuyên dụng đối phó với mùa nồm. (Ảnh minh họa)
Không chỉ khi ngôi nhà xuất hiện hiện tượng “đổ mồ hôi” mới là lúc độ ẩm trong không khí quá cao. Các chuyên gia cũng khuyến cáo, đặc biệt với những gia đình có người già, trẻ nhỏ hay những người mắc bệnh về đường hô hấp, có thể trang bị thêm các thiết bị giúp đo độ ẩm trong nhà, hoặc để ý các khu vực như tường nhà, trần nhà xem có xuất hiện dấu hiệu của sự đổi màu sơn hay bong tróc hay không. Nếu có tức là độ ẩm đang đạt mức cao và cần được điều chỉnh hợp lý.