Đột quỵ vì bỏ thuốc
Ông Nguyễn Văn Phức (71 tuổi, Long Biên, Hà Nội) được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu vì tự nhiên yếu, liệt nửa người và nói ngọng. Khi vào viện, bác sĩ nghi ngờ đột quỵ. Lúc này người thân cho biết từ sáng ngủ dậy thấy ông bắt đầu có hiện tượng khó nói, ngọng và yếu một bên tay nên nhanh chóng cho đi viện cấp cứu.
Bệnh viện đã sử dụng phương pháp tiêu sợi huyết để giải phóng cục máu đông cấp cứu nên chỉ sau 24h bệnh nhân có tiến triển rõ rệt.
Ông Phức có tiền sử tăng huyết áp nhiều năm nay, vẫn thường xuyên uống thuốc. Khoảng 1 tháng nay, ông thấy người khoẻ hơn nên không uống thuốc. Kết quả dẫn tới bị đột quỵ.
PGS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh chia sẻ, đột quỵ, bệnh tim mạch, ung thư đang là những bệnh lý gây tử vong hàng đầu hiện nay. Mùa đông, thời tiết thất thường, nhiệt độ giảm sâu là thời điểm bệnh lý đột quỵ gia tăng.
PGS Khuê cho rằng, những người bị tăng huyết áp bắt buộc phải có biện pháp phòng ngừa đột quỵ như thường xuyên giữ ấm cơ thể. Đặc biệt giữ ấm đầu, chân và uống nước ấm. Ban đêm, từ trên giường xuống cũng hết sức cẩn trọng.
Mùa lạnh người tăng huyết áp tuyệt đối không được bỏ thuốc
Đặc biệt một thói quen rất xấu của đa số những người bị bệnh mãn tính đó là chủ quan và bỏ thuốc không uống đúng theo như chỉ định.
PGS Khuê chia sẻ, ngay cả trong Bộ Y tế cũng có một cục trưởng bị tăng huyết áp và "quên" không uống thuốc dẫn tới đột quỵ. Hoặc bác sĩ bị đột quỵ cũng nhiều.
Nhiều người bị tai biến nhưng theo quan niệm dân gian gọi là trúng gió và vì nghĩ là trúng gió nên thường người nhà để bệnh nhân ở nhà cạo gió, bôi dầu cao mà bỏ qua thời gian vàng đưa bệnh nhân đến viện sớm nhất.
Dấu hiệu cần nhớ bệnh đột quỵ
Khi trời lạnh, nhiệt độ trong nhà và ngoài trời việc thay đổi nhiệt độ đột ngột từ trong phòng ấm ra trời lạnh, từ trên giường xuống đất nên dẫn đến tình trạng mạch máu co thắt mạch máu, cơ thể giữ nước. Từ đó có thể làm cho huyết áp tăng cao đột ngột nên dễ dẫn đến các tai biến như đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Theo WHO, tại Việt Nam đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Mỗi năm, nước ta có hơn 200.000 ca đột quỵ, trong đó có đến 50% số ca đột quỵ diễn biến xấu đi và tử vong. Nguy cơ xảy ra đột quỵ gia tăng theo tuổi, tăng gấp đôi cứ mỗi 10 năm sau 55 tuổi, xấp xỉ 28% đột quỵ xảy ra dưới 65 tuổi.
TS BS. Nguyễn Bá Thắng - Trưởng đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho rằng: "Phần lớn người bệnh đột quỵ không đến được bệnh viện trong thời gian vàng (3 giờ đầu). Ngay ở Hoa Kỳ, ước tính chỉ 10% người bệnh đột quỵ lấp mạch não là đến được bệnh viện trong thời gian vàng để được điều trị tái thông mạch não kịp thời.
Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, theo TS Thắng tỉ lệ người bệnh đột quỵ nhập viện cấp cứu sớm trong vòng 6 giờ kể từ khi khởi phát chỉ khoảng 5%. TS Thắng cho rằng việc chạy đua với thời gian" là vấn đề khó khăn nhất trong điều trị loại bệnh lý này".
Chăm sóc bệnh nhân đột quỵ
Với những người có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý mạch vành khi thấy người bệnh có dấu hiệu yếu nửa người, đau đầu dữ dội (xuất huyết não), nôn ói, mắt mờ. Người thân có thể đơn giản nhận biết bằng cách yêu cầu thực hiện 3 động tác "Nói - Cười - Chào".
Để phòng bệnh đột quỵ, cách tốt nhất là ổn định huyết áp ở những người mắc bệnh huyết áp cao: Huyết áp cao là nguyên nhân chính gây đứt mạch máu não, vì thế bệnh nhân cần được điều trị để ổn định huyết áp, tránh nguy cơ đột quỵ.