Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Chủ tịch mới của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ngày 14/9, trở thành người kế nhiệm Thủ tướng Abe.
Thực hiện những hoài bão lớn
Theo Japantimes, trong tổng số 534 phiếu bầu, trong đó có 393 phiếu của các nghị sỹ trong LDP và 141 phiếu của đại diện đảng này trên khắp đất nước, ông Suga đã nhận được 377 phiếu, tương đương với 70%, trở thành người kế nhiệm ông Abe giữ chức Chủ tịch LDP. Hai ứng cử viên còn lại là cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba chỉ nhận được tổng cộng 157 phiếu bầu. Sự kiện này đã đánh dấu một mốc son mới trong sự nghiệp chính trị của ông.
Nhật Bản không bầu Thủ tướng bằng phổ thông đầu phiếu mà do các nghị sĩ Quốc hội bầu ra. Người chiến thắng trong cuộc bầu chọn Chủ tịch của LDP chắc chắn sẽ được bầu làm Thủ tướng trong cuộc bỏ phiếu của Quốc hội vào ngày 16/9 tới do LDP chiếm đa số trong Hạ viện.
Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, ông Suga nói: “Thủ tướng Abe đã phải rời nhiệm kỳ giữa chừng vì lý do sức khỏe. Trong bối cảnh Nhật Bản đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng quốc gia do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chúng ta không thể để một khoảng trống chính trị tồn tại. Tôi cam kết sẽ cống hiến tất cả những gì tôi có để làm việc vì đất nước và người dân Nhật Bản”.
Ông Suga là đồng minh quan trọng ủng hộ nỗ lực của Thủ tướng trong việc thực hiện một loạt chính sách kinh tế được gọi là "Abenomics" - sự kết hợp giữa chính sách tiền tệ nới lỏng, chi tiêu của chính phủ và cải cách đồng thời giải quyết với các vấn đề dài hạn như dân số già và tỷ lệ sinh thấp của Nhật Bản.
Hiện tại, ưu tiên của ông là đối phó với những thách thức của đại dịch Covid-19 và khôi phục nền kinh tế đang trì trệ. Ông Suga có kế hoạch mở rộng thử nghiệm và mua sắm đầy đủ vaccine Covid-19 vào nửa đầu năm 2021, tìm cách hồi sinh nền kinh tế qua việc tăng lương tối thiểu, thúc đẩy cải cách nông nghiệp và du lịch. Ông Suga cam kết sẽ thực hiện nhiều kế hoạch hoài bão, trong đó có cải cách bộ máy hành chính, thúc đẩy số hóa và các sáng kiến nhằm phân bổ nguồn lực cho các khu vực bên ngoài các khu đô thị lớn.
Về chính sách đối ngoại, ông Suga đặt ưu tiên cho quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật lâu đời, xây dựng một "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", đồng thời mong muốn duy trì quan hệ ổn định với Trung Quốc.
Ông Suga cũng đặt mục tiêu tiếp tục giải quyết vấn đề bắt cóc công dân Nhật Bản trong những năm 1970 và 1980, trong đó có việc tìm kiếm một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mà không cần điều kiện tiên quyết.
Tấm gương về nghị lực và lòng kiên trì
Yoshihide Suga là cánh tay phải đắc lực của Thủ tướng Abe. Sự nghiệp chính trị của hai nhân vật này đã liên kết chặt chẽ với nhau trong gần một thập kỷ kể từ khi ông Abe trở thành Thủ tướng vào năm 2012. Tuy vậy, hai người lại có xuất thân khác nhau.
Ông Abe sinh ra trong một gia đình có “dòng dõi” chính trị gia. Cha của ông từng là Bộ trưởng Ngoại giao và có quan hệ họ hàng với hai cựu Thủ tướng. Còn ông Suga là con trai của một nông dân trồng dâu tây ở miền Bắc Nhật Bản. Ông lớn lên ở vùng nông thôn tỉnh Akita và chuyển đến Tokyo sinh sống sau khi tốt nghiệp trung học. Khi vào đại học, ông đã từng làm rất nhiều công việc để kiếm sống và trang trải cho học tập.
Sau khi tốt nghiệp, Suga nhanh chóng gia nhập thế giới của những người làm công ăn lương nhưng điều này không kéo dài. Mong muốn của ông là bước chân vào lĩnh vực chính trị, vì thế ông quyết định ứng cử vào Hội đồng thành phố ở Yokohama.
Mặc dù thiếu kinh nghiệm và các mối quan hệ, nhưng ông đã khắc phục khó khăn nhờ lòng dũng cảm và sự kiên trì. Theo LDP, ông từng đến gõ cửa từng nhà để vận động, thăm khoảng 300 ngôi nhà mỗi ngày. Tổng cộng số hộ gia đình ông đã vận động là 30.000. Sự nghiệp chính trị của ông Suga đã thay đổi kể từ thời điểm đó. Tới năm 1996, ông được bầu vào Quốc hội Nhật Bản. Năm 2012, Suga được bổ nhiệm vào vị trí Chánh Văn phòng Nội các và giữ vị trí này từ đó cho tới nay.
Hiện tại, ông được biết đến như một nhà tổ chức chính trị thành công, trở thành cánh tay phải đắc lực của Thủ tướng Abe. Kazuto Suzuki, giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Hokkaido cho biết, ông Suga được kỳ vọng sẽ trở thành "người kế tục Abe".
Theo Chanel New Asia, một trong những thành tựu của ông Suga là việc thúc đẩy Nhật Bản nới lỏng các quy định về thị thực - một động thái tạo cú hích đáng kể cho ngành du lịch, vốn là một trong những chính sách quan trọng của ông Abe.
Một thành tích đáng chú ý khác của Suga là chương trình “furusato nōzei” (“quyên góp thuế quê hương”), cho phép giảm thuế với những người có đóng góp và cống hiến cho các địa phương của họ. Điều này đã mang lại lợi ích cho các nền kinh tế địa phương vốn đang phải gánh chịu hậu quả của việc suy giảm nguồn lao động.
Ngoài ra, ông Suga còn được biết đến là một người rất kỷ luật, dù đã có tuổi nhưng ông vẫn đều đặn thực hiện động tác gập bụng 100 lần mỗi ngày. Ông ham mê đọc sách, đầy sáng tạo trong việc thu thập và quản lý thông tin, theo mô tả của tiện truyền thông địa phương. Ông thường tham gia các buổi thảo luận với các học giả, nhà báo, chính trị gia và các quan chức có ảnh hưởng.
Một tiết lộ cho biết, cuốn sách yêu thích của ông Suga là cuốn tiểu thuyết lịch sử về Toyotomi Hideyoshi (1537-1598) – nhân vật có xuất thân từ nông dân, nhưng sau đó đã trở thành người có tầm ảnh hưởng lớn.
Giáo sư Daniel M.Smith tại Đại học Havard nhận định: “Ông Suga đại diện cho việc duy trì những chính sách quản lý đất nước của chính quyền Abe, nhưng bản thân ông có sự khác biệt với người tiền nhiệm ở chỗ ông không phải xuất thân từ dòng dõi chính trị”.
Ông Suga dự kiến tiếp quản Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản và thành lập nội các mới vào ngày 16/9. Hiện dư luận đang tập trung sự chú ý vào Nội các mới của Nhật Bản. Nhiều câu hỏi được đặt ra về việc liệu ông Suga có giữ nguyên các vị trí quan trọng trong lĩnh vực tài chính, ngoại giao, quốc phòng và đối nội như trong chính quyền ông Abe hay không? và Chánh văn phòng Nội các mới của Nhật Bản sẽ là ai?. Đây sẽ là thử thách đầu tiên để ông Suga thể hiện năng lực là một nhà lãnh đạo lâu dài, đáng tin cậy của LDP, có khả năng “lấp đầy chỗ trống” mà ông Abe để lại.
Khó khăn mà ông Suga phải đối mặt
Ông Abe từ chức trong bối cảnh có nhiều chỉ trích liên quan đến cách ông đối phó đại dịch Covid-19 và nước Nhật đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế. Theo một cuộc thăm dò của Mainichi – một trong những tờ báo lớn nhất Nhật Bản, trước khi ông Abe tuyên bố từ chức, 58,4% số người được khảo sát không đồng tình với cách ông xử lý dịch bệnh. Trong khi đó tỷ lệ ủng hộ ông đã giảm xuống còn 36% - mức thấp nhất kể từ năm 2012. Các vấn đề chính, chẳng hạn như nợ công và dân số già vẫn chưa được giải quyết.
Bất chấp các nỗ lực cải cách của Thủ tướng Abe, một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy các nhà sản xuất Nhật Bản vẫn bi quan trong tháng thứ 14 liên tiếp, vào tháng 9, nhấn mạnh thách thức to lớn mà nhà lãnh đạo kế nhiệm phải đối mặt.
Brad Glosserman, một chuyên gia về chính trị Nhật Bản, cho rằng, với tư cách là Chánh văn phòng nội các, ông Suga được nhớ đến như một nhà lãnh đạo hậu trường hơn là một nhà lãnh đạo tiền tuyến và đây cũng là hạn chế của ông.
“Nhiều người vẫn chưa thực sự biết rõ ông Suga vì ông ấy làm việc ở hậu trường. Ông Suga cần phải gây dựng được một hình ảnh ấn tượng với công chúng Nhật Bản để nhận được sự ủng hộ và hậu thuẫn của họ”.
Trở thành người kế nhiệm Thủ tướng Abe, ông Suga – người chưa có nhiều kinh nghiệm về ngoại giao sẽ phải đối mặt với những thách thức địa chính trị như xây dựng quan hệ với người chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2020 và cân bằng quan hệ với Trung Quốc. Vẫn chưa rõ lập trường của ông Suga đối với Trung Quốc sẽ như thế nào, nhưng một số nhà phân tích trong đó có Isao Mori – tác giả cuốn tiểu sử của Suga năm 2016, suy đoán rằng nhân vật này có thể không cứng rắn như ông Abe./.