Trợ lý ngoại trưởng Kritenbrink: Mỹ sẽ 'bù đắp' kinh tế cho Đài Loan

Duy Linh |

Khi được hỏi Mỹ sẽ làm gì để 'bù đắp' cho Đài Loan trước các động thái trừng phạt kinh tế của Trung Quốc, ông Daniel Kritenbrink chỉ ra việc Mỹ và Đài Loan đã khởi động đàm phán thương mại ngày 17-8.

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương, ông Daniel Kritenbrink - Ảnh: AFP

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương, ông Daniel Kritenbrink - Ảnh: AFP

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương, ông Daniel Kritenbrink, cảnh báo Trung Quốc sẽ tiếp tục mượn cớ chuyến thăm của các đoàn nghị sĩ Mỹ để tăng sức ép lên Đài Loan và hé lộ cách Mỹ ứng phó với điều này.

"Các chính sách của Mỹ với Đài Loan không thay đổi", ông Daniel Kritenbrink khẳng định trong cuộc họp báo qua điện thoại do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức cho các phóng viên châu Á - Thái Bình Dương ngày 18-8.

Ông Kritenbrink, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam, nhấn mạnh Mỹ vẫn duy trì quan hệ không chính thức với Đài Loan, hỗ trợ Đài Bắc theo Đạo luật quan hệ với Đài Loan năm 1979. Ông cũng lập luận những chuyến thăm của các đoàn nghị sĩ Mỹ, bao gồm chuyến đi của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi không phải là điều mới thay đổi gần đây.

"Điều mà tôi thấy thay đổi ở đây là các hành động khiêu khích và cưỡng ép nhằm đe dọa Đài Loan", nhà ngoại giao cấp cao Mỹ nêu vấn đề.

"Những hành động này là một phần của chiến dịch gây áp lực tăng cường nhằm đe dọa và cưỡng ép Đài Loan, làm suy yếu khả năng phục hồi của hòn đảo này", ông Kritenbrink nói thêm.

Khi được hỏi Washington sẽ đáp trả hành động của Trung Quốc như thế nào, bao gồm cả việc Bắc Kinh sẽ thường xuyên vượt đường đường trung tuyến giả định ở eo biển Đài Loan (đường phân cách không chính thức giữa Đài Loan và đại lục), ông Kritenbrink đã tránh trả lời trực tiếp.

Nhà ngoại giao Mỹ chỉ nêu chung chung rằng Washington sẽ đáp trả bằng "các bước đi bình tĩnh, nhưng kiên quyết" để giữ cho eo biển Đài Loan tự do di chuyển và hòa bình.

Khi được hỏi Mỹ sẽ làm gì để "bù đắp" cho Đài Loan trước các động thái trừng phạt kinh tế của Trung Quốc, ông Kritenbrink chỉ ra việc Mỹ và Đài Loan đã khởi động đàm phán thương mại ngày 17-8.

"Đây là cơ chế không chỉ nhằm tăng khối lượng thương mại song phương, mà để hỗ trợ Đài Loan xây dựng khả năng phục hồi và đảm bảo chuỗi cung ứng linh hoạt, an toàn cho thế giới", ông Kritenbrink giải thích thêm.

Ngày 17-8, Mỹ và Đài Loan thống nhất bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại theo một sáng kiến ​​mới, đó là Sáng kiến ​​Mỹ - Đài Loan về thương mại thế kỷ 21.

Phản ứng sáng kiến này, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 18-8 tuyên bố nước này kiên quyết phản đối các cuộc đàm phán thương mại theo sáng kiến mới của Mỹ và Đài Loan.

Bộ này nhấn mạnh Trung Quốc sẽ thực hiện tất cả biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của nước này.

Cũng trong ngày 18-8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lên tiếng phản đối cuộc đàm phán thương mại của Mỹ với Đài Loan, kêu gọi Washington không đưa ra quyết định sai lầm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại