Trở lại sau 4 năm, ngành xương sống Nhật 'lột xác' khó tin, kiên trì theo đuổi 'đối trọng' xe điện

Nhật Quỳnh |

Triển lãm Phương tiện Nhật Bản đang là sân khấu phô diễn tinh hoa công nghệ của ngành công nghiệp xương sống nước này.

Triển lãm xe của Nhật Bản đã chính thức diễn ra sau 4 năm với tên gọi và định hướng mới, phản ánh tầm quan trọng ngày một lớn hơn của điện hóa và công nghệ của các nhà sản xuất xe trong cuộc đua để duy trì sức cạnh tranh trên toàn cầu.

Tại trung tâm triển lãm lớn nhất Nhật Bản - Tokyo Big Sight, gần 500 công ty đã có mặt từ thứ 4 để tham gia Triển lãm Phương tiện Nhật Bản. Trong 3 ngày đầu tiên, triển lãm mở cửa cho báo giới và các khách đặc biệt, sau đó sẽ mở cho công chúng đến hết ngày 5/11.

Bên cạnh các gian trưng bày, khách tham quan sẽ có cơ hội trải nghiệm một Tokyo của tương lai, lái thử những mẫu xe sắp được ra mắt, và dự một buổi hòa nhạc mà sử dụng điện năng sản xuất từ hydro.

Nói về sự kiện, ông Akio Toyoda - Chủ tịch Toyota, Chủ tịch của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản (JAMA), đồng thời là thành viên ban tổ chức triển lãm, cho biết: "Chúng tôi ở Nhật Bản muốn gửi một thông điệp tới toàn thế giới về tương lai".

KỶ LỤC GẦN 500 ĐƠN VỊ THAM GIA

Trở lại sau 4 năm, ngành xương sống Nhật lột xác khó tin, kiên trì theo đuổi đối trọng xe điện - Ảnh 1.

Mẫu xe thể thao ý tưởng chạy điện của Toyota tại triển lãm. Ảnh: Issei Kato/Reuters

Triển lãm diễn ra định kỳ 2 năm một lần, nhưng năm 2021 đã phải hoãn lại do dịch Covid-19. Trước đây, sự kiện có tên gọi là "Triển lãm Ô tô Nhật Bản", nhưng giờ đã đổi thành "Triển lãm Phương tiện Nhật Bản.

Với việc thay đổi tên gọi, đổi từ ô tô sang tương lai của các phương tiện di chuyển nói chung (bao gồm cả xe bay, xe cho một người), chương trình kỳ vọng có thể mang lại cho sự kiện quan trọng bậc nhất ngành công nghiệp xương sống của Nhật Bản sức sống mới.

Trong những năm qua, khi công chúng Nhật Bản mất dần hứng thú vào xe cộ, khi các chương trình số diễn ra hấp dẫn hơn các chương trình trực tiếp, sự kiện đã bị ảnh hưởng phần nào. Năm 1991, triển lãm thu hút 2 triệu người tới tham quan, nhưng tới năm 2017 thì chỉ còn 770.000 người; 4 năm trước, chỉ có 192 đơn vị tham gia, còn những năm 90 thì có tới khoảng 300 đơn vị.

Sự kiện năm nay có tới 475 đơn vị tham gia - một con số kỷ lục.

Trở lại sau 4 năm, ngành xương sống Nhật lột xác khó tin, kiên trì theo đuổi đối trọng xe điện - Ảnh 2.

Một góc gian trưng bày của Lexus.

Ông Jun Nagata, giám đốc truyền thông Toyota và trưởng ủy ban tổ chức sự kiện, cho biết: "Các đơn vị tham gia đều có chung cảm nhận về một cuộc khủng hoảng, rằng sức cạnh tranh toàn cầu của Nhật Bản đang tụt lùi lại so với Trung Quốc, Mỹ hay châu Á. Họ nhận thấy rằng phương tiện di chuyển có tiềm năng trở thành động cơ tăng trưởng".

Có khoảng 100 đơn vị start-up sẽ mở gian hàng hoặc tổ chức hội nghị với các công ty, đơn vị tổ chức cũng sẽ trao thưởng 12 triệu yên, tương đương khoảng 2 tỷ đồng, cho 1 trong 15 nhóm xuất sắc nhất trong cuộc thi thuyết trình.

Bên cạnh đó, 200 đơn vị từ các ngành khác như năng lượng, điện tử cũng sẽ tới và phô diễn công nghệ của mình. Có 19 đơn vị nước ngoài tham gia, ít hơn 1 đơn vị so với lần tổ chức trước.

Ban tổ chức triển lãm kỳ vọng sự kiện sẽ thu hút ít nhất 1 triệu lượt khách tham quan.

XE ĐIỆN CHIẾM SÓNG

Trở lại sau 4 năm, ngành xương sống Nhật lột xác khó tin, kiên trì theo đuổi đối trọng xe điện - Ảnh 3.

Chủ tịch và CEO Makoto Uchida của Nissan giới thiệu mẫu Hyper Force Concept. Ảnh: Issei Kato/Reuters

Triển lãm vẫn là nơi các nhà sản xuất ô tô giới thiệu những mẫu xe mới nhất và những sáng kiến cho tương lai. Với những hãng xe truyền thống đang tìm cách rũ bỏ hình ảnh kẻ chậm chân trong cuộc đua xe điện thì đây là cơ hội rất tốt để nhấn mạnh về chiến lược điện hóa của mình.

Tại triển lãm, Toyota sẽ giới thiệu mẫu Land Cruiser phiên bản chạy điện, cùng với đó là 2 mẫu xe điện ý tưởng thế hệ kế tiếp. Nissan thì giới thiệu 4 mẫu xe điện ý tưởng mà 1 trong số đó sẽ trang bị pin thể rắn - công nghệ chủ chốt mà nhiều đơn vị đang cố gắng phát triển và thương mại hóa. Gian hàng của Honda sẽ trưng bày mẫu xe điện mà hãng dự kiến sẽ bán ra tại khu vực Bắc Mỹ từ năm 2024, cùng với đó là mẫu xe điện ý tưởng làm từ vật liệu tái chế.

Những mẫu xe kể trên sẽ phải cố gắng hút sự chú ý trước đối thủ BYD Trung Quốc, đơn vị cũng tham gia triển lãm và trưng bày một mẫu SUV chuyên off-road cao cấp mang thương hiệu Yangwang. Mẫu xe này được giới thiệu từ tháng 1, trang bị công nghệ lái và an toàn tân tiến nhất của BYD. Thương hiệu này cũng trưng bày 3 mẫu xe khác nhắm tới thị trường Nhật Bản.

Trở lại sau 4 năm, ngành xương sống Nhật lột xác khó tin, kiên trì theo đuổi đối trọng xe điện - Ảnh 4.

Mẫu BYD Seal trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Issei Kato/Reuters

TIẾP TỤC THEO ĐUỔI NĂNG LƯỢNG HYDRO

Dù trên toàn thế giới, xe điện đang lên như diều gặp gió, ngành công nghiệp xe Nhật Bản vẫn nuôi hy vọng và theo đuổi hydro, coi là một phương thức cắt giảm các-bon khác của ngành vận tải.

Triển lãm Phương tiện Nhật Bản nhắm tới việc khơi dậy lòng nhiệt thành với loại năng lượng này thông qua Lễ hội Năng lượng Hydro (H2 Energy Festival). Sự kiện sẽ diễn ra trên một sân khấu sử dụng điện do các mẫu xe hydro của Toyota tạo ra; sự kiện cũng dự kiến có sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng, TikTok-er, nghệ sĩ hài và vũ công.

Ngoài sân khấu, công ty Đường sắt Phía đông Nhật Bản sẽ trưng bày một đoàn tàu thử nghiệm chạy bằng hydro, trang bị hệ thống pin nhiên liệu và bình năng lượng hydro. Một mẫu xe 4 bánh ý tưởng với động cơ hydro cũng sẽ được trưng bày với sự hỗ trợ của một tập đoàn nghiên cứu do Honda, Suzuki và các nhà sản xuất xe hai bánh lớn khác của Nhật Bản thành lập hồi tháng 5.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại