Bật dậy sau "cú ngã" thảm vào tháng 3/2020, thị trường chứng khoán vẫn đang thu hút lượng lớn nhà đầu tư, thậm chí lập đỉnh lịch sử mới. Sự sôi động của thị trường này cũng vô hình trung giúp các công ty chứng khoán và môi giới được mùa bội thu.
Chúng tôi đã có cơ hội trò chuyện với Bùi Khoa Bảo - môi giới hiện làm việc tại một công ty chứng khoán chiếm thị phần hàng đầu tại Việt Nam. Dù còn khá trẻ (SN 1998) nhưng Khoa Bảo có hành trình thăng tiến khá nhanh và vừa nhận chức Trưởng phòng Tư vấn đầu tư.
* Chào Bảo, cơ duyên nào đưa bạn đến với nghề môi giới?
Mình học chuyên ngành kinh tế đầu tư tại Học viện Tài chính nên đã có chút kiến thức nền tảng và muốn thử sức với công việc trong ngành. Đầu năm thứ 3 đại học, mình thấy thông báo tuyển dụng môi giới của một công ty chứng khoán nên gửi CV và được nhận luôn.
Thời gian đầu làm thực tập sinh, Bảo làm đủ thứ, từ ký hồ sơ, xác thực tài khoản cho khách, rồi điểm tin sáng, telesale, hay đi gặp khách, chạy sổ cổ đông lưu ký đều đủ cả. Cùng lúc, mình cũng tập tành đầu tư chứng khoán.
Còn nhớ khi ấy chỉ có 10 triệu đồng tiền tự tích cóp. Mình mạnh dạn all-in vào mã TCB (Techcombank) và kết quả là… lỗ 20%, chưa kể lúc cắt lỗ xong thì giá lại tăng. Dù thua nhưng từ đây, Bảo cũng nhận ra niềm đam mê, hứng thú với việc đầu tư và quyết định nghiên cứu bài bản, nghiêm túc hơn.
Do là thực tập sinh nên khoảng 3-4 tháng đầu, Bảo chỉ nhận được trợ cấp 1 triệu đồng/tháng, không hơn không kém, cũng chưa có hoa hồng. Sau đó, mình tập trung vào đầu tư và môi giới nên thu nhập cũng tăng dần lên.
* Hiện tại room của bạn có bao nhiêu khách hàng?
Hiện khoảng 200 khách hàng. Trước kia mới làm Bảo không đặt điều kiện, cứ có khách, có người nói chuyện cùng là vui rồi. Nhưng bây giờ, do ngày càng có nhiều nhà đầu tư muốn tham gia và đồng hành cùng cộng đồng hơn nên Bảo cũng phải cô đặc lại tập khách hàng.
Hiện mình sẽ nhận tư vấn cho những khách hàng đầu tư tối thiểu 200 triệu đồng. Còn những khách hàng đầu tư ít hơn để trải nghiệm, Bảo sẽ giới thiệu cho các bạn nhân viên dưới quyền hỗ trợ.
* Một ngày làm môi giới của bạn diễn ra thế nào?
Với hầu hết các môi giới, một ngày sẽ bắt đầu bằng việc điểm tin thị trường rồi sau đó đưa ra nhận định và lọc mã cổ phiếu để đề xuất những mã nên mua/bán trong ngày cho khách. Trong phiên giao dịch, khách hàng sẽ hỏi thêm về những cổ phiếu mà họ quan tâm hay cơ cấu danh mục. Bên cạnh đó, môi giới cũng phải lo thu tục, giấy tờ cho khách nữa.
Trước kia Bảo cũng vậy, nhưng hiện tại hơi khác một chút, vì mình đầu tư tài khoản của bản thân là chủ yếu. Công việc của mình đơn giản chỉ là đầu tư như thế nào thì chia sẻ cho khách hàng như thế.
Ví dụ, mình bảo: "Em nghiên cứu cổ phiếu A rồi, em đã mua nó ở giá này, với lý do như sau", rồi show luôn lệnh mua để anh chị em tự tin, kế hoạch về điểm mua thêm/chốt lãi/cắt lỗ rõ ràng, "mọi người cùng tham khảo, nếu cảm thấy đúng và hợp gu đầu tư thì theo em".
* Môi giới như vậy, lúc thua thì sao?
Thật ra để thắng trên thị trường chứng khoán thì bắt buộc chúng ta phải thua, luôn có một tỷ lệ nhất định. Do đó, việc thua cũng nằm trong kế hoạch và mình chấp nhận nó như một chuyện đương nhiên phải có trong quá trình đầu tư.
Mình không đặt nặng thắng hay thua trong một case đầu tư, quan trọng là tổng kết sau 1 tháng, 1 quý hoặc 1 năm, mình đầu tư có lãi và hiệu quả là được.
Bên cạnh đó, mọi người thường không có tư duy đầu tư rõ ràng nên khi làm việc với mình, họ thấy hiệu quả và học theo phong cách đầu tư đó luôn. Trên thực tế không có nhiều người đầu tư hiệu quả, khi gặp đúng môi giới tốt và đem lại lợi nhuận như kỳ vọng thì mọi người cũng không ngại nghe theo.
* Vậy với bạn thế nào là đầu tư hiệu quả?
Có nhiều tiêu chí để đánh giá, quan trọng là bạn chọn cách nào. Ví dụ như so sánh với chỉ số VnIndex xem mình có vượt qua phần trăm tăng của chỉ số đó không, hoặc so sánh với lãi suất ngân hàng.
Bạn cũng hoàn toàn có thể so sánh rằng với kênh đầu tư khác, ví dụ mình có thể lời được 1 tỷ đồng khi đầu tư bất động sản, mà đầu tư chứng khoán chỉ được 900 triệu đồng thì có thể cho là không hiệu quả rồi.
Còn đối với bản thân Bảo, trong một nhịp sóng lớn hoàn toàn có thể "ăn" 35-50% tài khoản. Nhưng điều quan trọng là phải giữ được lãi.
Khi thị trường đi lên thì ai cũng có lãi, thị trường đi xuống thì bất kỳ ai cũng phải lỗ, nhưng ví dụ bạn lãi 50% thì lúc thị trường đi xuống, mình kiểm soát làm sao để chỉ lỗ 5-10% thôi. Còn nếu đâm đầu vào mua hàng trên đỉnh rồi mất tới 25-30% sẽ không hiệu quả.
* Trong hơn 2 năm vào nghề, bạn đã làm gì để đúc kết được kinh nghiệm tốt như thế?
Với mình, điều quan trọng nhất khi mới tham gia vào bất kỳ ngành nghề nào, đó là người thầy. Bảo may mắn có hai người thấy rất giỏi, đã giúp mình định hình được tư duy và phong cách đầu tư.
Tuy nhiên, ai cũng cần thời gian để trau dồi kinh nghiệm. Bảo từng thử nghiệm rất nhiều và cũng thua rất nhiều. Ví dụ, ngày xưa mình thường đầu tư theo tin tức, dựa vào các mối quan hệ mà được phím hàng.
Nhưng nhược điểm của cách này là không có được nguồn tin từ F0, chưa kể họ chỉ phím mã cổ phiếu, còn bán khi nào thì họ không bảo, nên bản thân sẽ bị lệ thuộc và bị động. Mình không thích điều ấy.
Rồi Bảo nghiên cứu biểu đồ nhiều hơn, có khoảng thời gian, mỗi ngày mình phân tích cả 1.000 biểu đồ, không làm gì khác. Khi xem đủ nhiều thì bạn sẽ nhận ra rằng những siêu phẩm luôn có một đường đi giống nhau. Đối với tư duy của mình, một cổ phiếu tăng giá là bởi quan hệ cung cầu trên thị trường và có dòng tiền vào.
Sẽ có khá nhiều cách để nhận ra có một dòng tiền lớn sắp đi vào cổ phiếu, mình chỉ cần đi theo dấu chân của họ thôi. Bảo thích mua những cổ phiếu mà trông "có vẻ đắt", những cổ phiếu đã thể hiện sức mạnh rồi nhưng mới chỉ vừa vượt qua nền, chứ không bao giờ dò đáy, Vinamilk giảm từ 120.000 xuống 80.000 đồng thì mình cũng không quan tâm.
Ngoài ra sách cũng là một tài liệu hữu ích. Cuốn sách mình thấy phù hợp nhất với phong cách đầu tư của bản thân là "Giao dịch như một phù thủy chứng khoán" (Mark Minervini). Còn những ai theo đuổi phong cách thiên về đầu tư giá trị thì có thể đọc sách của Warren Buffett hay William O'Neil. Cũng phải mất hơn một năm mình mới tìm được phong cách đầu tư phù hợp.
* Nghiên cứu là vậy nhưng hỏi thật Bảo, đã bao giờ bạn giới thiệu cho khách hàng mã cổ phiếu mà... cấp trên yêu cầu chưa?
Mình học được từ một tiền bối, rằng: Nếu làm môi giới tốt thì sẽ khó làm nhà đầu tư giỏi và ngược lại, đầu tư giỏi thì khó làm môi giới giỏi. Vì để là một môi giới giỏi, đôi khi bạn sẽ phải tìm ra mã cổ phiếu mới hằng ngày, khách hàng giao dịch nhiều hơn sẽ thu về nhiều phí hoa hồng hơn.
Tuy nhiên, tham gia với số lượng cổ phiếu càng nhiều và mua bán liên tục thì tỷ lệ thua càng cao. Còn muốn đầu tư hiệu quả thì phải tập trung vào một vài mã cổ phiếu cô đặc, đôi khi chỉ đơn giản là "không làm gì" cũng là đầu tư. Điều đó thì khá nhàm chán với số đông nhà đầu tư luôn thích trading ở Việt Nam hiện nay.
Ngay từ đầu, Bảo đã xác định rằng nguồn thu nhập chính của bản thân đến từ đầu tư, chứ không phải phí hoa hồng, nên mục tiêu của Bảo chỉ đơn giản là làm cho cả mình và nhà đầu tư có lãi. Bảo cũng tin đó sẽ là cái nhìn xa và phát triển bền vững hơn cả.
Vì tiền phí hoa hồng hằng tháng vào khoảng vài chục, thậm chí cả trăm triệu đồng cũng chẳng là gì so với việc được khách tin, khách quý và thậm chí còn cho mình những cơ hội làm ăn khác.
Ví dụ, thời điểm thị trường giảm sâu vào đợt Covid-19 vì bệnh nhân số 17, mình bảo thẳng với khách hàng rằng: "Thôi, anh chị rút tiền ra đi vì bây giờ đầu tư không hiệu quả. Nếu vẫn thích thì anh chị hãy giao dịch với một lượng tiền nhỏ để giữ được cảm nhận với thị trường thôi. Có những thời điểm làm gì cũng không hiệu quả".
Vì đưa ra những lời khuyên chân thành đến nhà đầu tư, giúp họ giảm thiểu khoản lỗ đáng kể nên mình được khách hàng rất yêu quý và gắn bó. Bảo từng thống kê, trong khoảng 100 nhà đầu tư đến với mình thì sau 1 năm, lượng người cũ còn đến hơn 90 người. Đó là điều rất may mắn cho mình trong khi đa số môi giới "thay máu" khách hàng liên tục.
Còn có nhiều khách hàng mắc chứng "nghiện mua bán", trong danh mục sở hữu đến 20-30 mã, mua bán liên tục. Nhiều khi mình không đáp ứng được điều đó nhưng khách hàng vẫn ở lại room tư vấn, vì mình đã nói ra mã nào thì mã đó sẽ có tỷ lệ thắng khá cao.
* Hiện tại thu nhập của bạn đến từ những nguồn nào?
Nghề môi giới có đặc điểm là thu nhập đến từ rất nhiều nguồn. Thu nhập chính của Bảo đến từ lương cứng, lợi nhuận đầu tư (chiếm tỷ trọng lớn nhất), hoa hồng giao dịch cũng như những phần thưởng mà khách hàng tặng khi mình giúp họ đầu tư hiệu quả.
Hiện mỗi tháng cá nhân Bảo mang về khoảng 300 triệu đồng doanh số giao dịch cho công ty, đồng thời đang đầu tư khoảng 3 tỷ đồng vào chứng khoán, hoàn toàn là tiền mình tự làm và tích cóp thời gian qua, không vay mượn ai.
Ngoài ra, có những nguồn thu nhập không đong đếm được như cơ hội đầu tư mà khách hàng dành cho mình ở lĩnh vực khác. Hiện mình cũng dành một khoản tiền để đầu tư bất động sản cùng gia đình.
* Có người cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ như trò chơi cờ bạc đỏ đen, vì nhà đầu tư chủ yếu chơi bằng cách phím hàng cho nhau là chính. Bảo nhận định thế nào?
Không có nhận định nào đúng hoặc sai nhưng tư duy của mình không như vậy, và tư duy sẽ quyết định kết quả. Nếu bạn tư duy nó như một trò đánh bạc thì cũng sẽ hành động như một kẻ cờ bạc và rồi sẽ thua thôi, vì cơ bản là cờ bạc về lâu về dài không bao giờ thắng.
Còn có những người đầu tư dị lắm. Một khách của mình chơi theo "hệ" tâm linh, bảo rằng: "Hôm nay là ngày đại cát, cứ mua cho chị mã này, còn chị đã bấm rồi, sang tuần rất xấu, phải bán cho chị". Nhưng những trường hợp này chỉ là thiểu số, vì lâu dài sẽ lỗ và bị thị trường đào thải nếu không thay đổi.
Đồng thời, khi quyết định tham gia thì phải chấp nhận luật chơi, bởi thị trường luôn đúng. Thay vì than vãn rằng thị trường không minh bạch, bị bên này bên kia kiểm soát, thì nhà đầu tư nên dành thời gian nghiên cứu và học hỏi thêm, bởi việc than vãn không giúp khả năng thắng cao hơn.
Quan trọng nhất là phải định hình được cho mình tư duy và phong cách đầu tư. Chứng khoán luôn luôn thay đổi và không có công thức chung, có thể trong hoàn cảnh khác chính Bảo cũng phải thay đổi nhưng ở thời điểm hiện tại, mình thấy phong cách đầu tư của bản thân là hiệu quả.
* Từ cuối năm 2020, số lượng nhà đầu tư F0 tham gia thị trường liên tục tăng. Là một người hoạt động trong ngành, bạn có cảm nhận gì?
Thời điểm hiện tại với thời điểm tháng 3/2020 là hai thái cực hoàn toàn trái ngược. Thị trường chứng khoán Việt Nam đi lên theo hình chữ V. Theo lý thuyết, khi một thị trường đi xuống thì sẽ cần thời gian để tích lũy, xây nền chắc rồi mới đi lên. Nhưng việc hồi phục theo hình chữ V có nghĩa rằng thị trường tăng rất nóng.
Mình nhận định hiện tại thị trường vẫn đang tốt, đang "cho tiền" nhà đầu tư, thậm chí không biết gì cũng có thể thắng. Bên cạnh đó, Chính phủ muốn bơm tiền với mục tiêu đưa vào sản xuất kinh doanh để phục hồi kinh tế nhưng sản xuất kinh doanh đang bị ảnh hưởng bởi Covid, dịch vụ, hàng hoá tiêu thụ kém nên tiền tạm thời sẽ chảy vào các kênh tài sản, có thể là bất động sản, chứng khoán, vàng,…
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chứng khoán đang là nơi hút tiền nhất. Khi có lượng tiền lớn chảy vào, các doanh nghiệp cũng "tha hồ" vẽ ra nhiều câu chuyện, tạo nên tin đồn để thu hút nhà đầu tư.
Đồng thời, mục tiêu của Chính phủ là tăng tỷ lệ dân số đầu tư chứng khoán từ 2% lên 5%. Khi đã được các yếu tố vĩ mô ủng hộ thì thị trường sẽ khởi sắc, sôi động hơn.
Theo Bảo, xu hướng tăng sẽ còn bền vững cho đến khi Covid hết hoàn toàn, tiền sẽ được rút bớt ra và chảy vào sản xuất kinh doanh. Chính phủ cũng không bao giờ muốn thị trường chứng khoán tăng quá nóng, trong khi nền kinh tế không theo kịp.
* Bạn có lời khuyên gì dành cho những nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường?
Điều đầu tiên và quan trọng nhất mà mình nhắc đi nhắc lại nhiều lần, là các bạn phải định hình được phong cách đầu tư phù hợp với bản thân và có kế hoạch tài chính rõ ràng. Đừng nhảy nhót qua lại, đã đầu tư là đầu tư, đầu cơ là đầu cơ, nếu không sẽ gây thua lỗ trong dài hạn.
Lý do chính khiến đa số các nhà đầu tư thua lỗ cũng là do không biết mình đang đầu tư cái gì, theo trường phái gì và điều đó dẫn đến tình trạng cứ cut-loss xong thì giá cổ phiếu đi lên.
Thứ hai, phải tuân thủ nguyên tắc, cut-loss đúng với phần trăm mình có thể chấp nhận, mọi khoản lỗ lớn đều bắt nguồn từ những khoản lỗ nhỏ. Để thắng thì phải có lúc thua, chỉ cần né được những cú thua lớn là mình đã thắng rồi.
Một vấn đề khác là hầu hết mọi người đầu tư rất dàn trải, vì thứ nhất là họ không rõ mình đang đầu tư cái gì, loạn danh mục, có những người đầu tư đến 20-30 mã một lúc. Điều đó sẽ dẫn đến việc chúng ta không thể kiểm soát được danh mục của mình.
Theo Bảo, nếu đầu tư dưới 1 tỷ thì chỉ đầu tư 5 mã tối đa. Nếu đầu tư 3 tỷ trở lên thì có thể mở rộng lên 10-12 mã. Còn để đầu tư đến trên 30 mã thì phải là danh mục của quỹ, nhà đầu tư cá nhân không nên làm như vậy.
Một điểm nữa là rất nhiều người hỏi muốn chơi chứng khoán mà không có thời gian thì làm thế nào? Với Bảo, ai không có thời gian, không theo dõi được bảng điện đã đành, còn không chịu tự nghiên cứu, tìm hiểu lúc rảnh rỗi, thì tốt nhất là không nên tham gia. Nếu chỉ đầu tư mù mờ và làm theo lời môi giới 100% thì vẫn thua như thường.
Ngay bản thân Bảo cũng không theo dõi bảng điện liên tục trong phiên giao dịch. Mình học hỏi điều này từ một "câu nói vui" của Warren Buffett, đó là không để ghế trong phòng làm việc, vì những biến động trong ngắn hạn sẽ gây tác động đến tâm lý và khiến bạn không có được cái nhìn tổng quan, từ đó tác động xấu đến quá trình đầu tư. Mình cũng không thích việc tâm trạng bị lên xuống liên tục theo chiều xanh – đỏ của thị trường.
Sau một ngày, Bảo sẽ ngồi review lại danh mục của mình để xem nó đang ở trạng thái như thế nào, có tín hiệu xấu không, có dấu hiệu đảo chiều chưa, đồng thời lọc ra những cổ phiếu tiềm năng. Vì thế mà mình nhàn lắm, thường dành thời gian nghiên cứu buổi tối nhiều hơn là dán mắt vào bảng điện ban ngày. (cười).
Cảm ơn Bảo đã dành thời gian chia sẻ!