LTS: Chúng ta đã cùng tìm hiểu về một loài cá được không ít người gọi là “chúa tể” đại dương: cá mập trắng khổng lồ. Nhưng nhiều người khác lại cho rằng, cá voi sát thủ mới là chúa tể đích thực của biển cả. Vậy ai mới là “vua thực” sự? Loạt bài này sẽ cho bạn một câu trả lời.
Bài 1: Trò chơi vương quyền trên biển (P1): “Sát thủ” có gương mặt hiền khô như gấu trúc
Bài 2: Cơn ác mộng của 100 con cá mập trắng khổng lồ
Những chiến thuật săn mồi đa dạng của cá voi sát thủ
Cá trích chỉ là một trong số những con mồi của cá voi sát thủ. Với sức mạnh của mình, chúng có thể xem bất cứ thứ gì trong đại dương là thức ăn, từ những loài cá nhỏ, mực cho đến hải cẩu, sư tử biển, cá mập và thậm chí cả một số loài cá voi cỡ lớn.
Là loài phân bố rộng rãi nhất trong số các động vật biển, cá voi sát thủ có thể bắt gặp ở hầu khắp các đại dương, từ Bắc Cực đến Nam Cực.
Mặc dù biệt hiệu là cá voi sát thủ, nhưng thực chất chúng không phải là cá voi mà là loài lớn nhất trong họ cá heo. Sở dĩ được gọi là cá voi sát thủ là vì chúng nằm trong số rất ít loài có khả năng săn cá voi. Biệt danh đầy đủ của chúng là “Killers of Whales” - nghĩa là “Sát thủ của cá voi”.
Xem video:
Một bầy cá voi sát thủ đang bao vây và tấn công một con cá voi xanh. Nguồn: NatGeo
Cá voi sát thủ là loài vật cực kỳ thông minh. Đối với mỗi con mồi khác nhau, chúng sẽ sử dụng một kỹ thuật săn mồi đặc trưng. Cụ thể, ở Nam Cực, những con cá voi sát thủ hợp sức với nhau để tạo thành một cơn sóng, quét lũ hải cẩu trượt ra khỏi một tảng băng.
Khi bầy cá voi sát thủ bơi xung quanh một đàn cá trích, chúng vẫn luôn giữ liên lạc với nhau bằng cách phát ra những tiếng kêu. “Mỗi con sẽ có một vai trò cụ thể” - Tiu Similä, một nhà sinh vật học người Phần Lan, chuyên nghiên cứu về loài cá voi sát thủ Na Uy, cho biết.
Trong khi đó, tại Argentina, cá voi sát thủ sẵn sàng lao lên bờ để bắt sư tử biển. Đây là một kỹ thuật săn mồi khá mạo hiểm bởi chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể khiến chúng mắc cạn. Bởi vậy, trước khi hành động, chúng phải tính toán rất kỹ thời điểm có sóng và thủy triều để tránh mắc cạn.
Có vẻ như cá voi sát thủ luôn tìm ra cách tốt nhất để giải quyết những con mồi của mình. Vậy nếu con mồi của chúng là một con cá mập trắng khổng lồ thì sao? Điều bất ngờ liệu có xảy ra?
Ác mộng của cá mập trắng khổng lồ
Trên thực tế, cá voi sát thủ rất ít khi tấn công cá mập trắng lớn. Tính đến trước năm 1997, trên thế giới chưa từng ghi nhận một cuộc chạm trán nào giữa hai sát thủ đại dương này.
Các nhà nghiên cứu cho rằng cả cá voi sát thủ và cá mập trắng khổng lồ đều là những kẻ săn mồi nguy hiểm nhất đại dương, và đứng đầu của chuỗi thức ăn. Do đó, chúng không bao giờ đối đầu hoặc thách thức lẫn nhau. Hoặc ít nhất là nhóm nghiên cứu chưa từng được chứng kiến.
Tuy nhiên, một sự kiện chấn động xảy ra vào ngày 4/10/1997 tại vùng biển ngoài khơi quần đảo Farallon, California (Mỹ) đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận của các nhà khoa học về mối quan hệ giữa hai loài sát thủ hàng đầu đại dương này.
Buổi sáng hôm đó, các du khách trên tàu quan sát cá voi Superfish đã chứng kiến một cảnh tượng chưa từng có. Đó là một con cá mập trắng khổng lồ đối đầu với một con cá voi sát thủ. Đây hứa hẹn là một trận chiến ác liệt chưa từng có giữa hai gã khổng lồ của đại dương.
Tuy nhiên, trái với suy nghĩ của nhiều người, trận chiến đã kết thúc vô cùng chóng vánh. Chỉ một lúc sau, con cá voi sát thủ nổi lên mặt nước, miệng nó ngậm chặt con cá mập trắng đang nằm lộn ngửa và hoàn toàn bất động.
Cảnh tượng vô cùng hiếm gặp này đã được một du khách có mặt trên tàu khi đó ghi hình lại. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, người ta ghi nhận việc một con cá mập trắng khổng lồ lại trở thành miếng mồi cho một loài khác.
Các nhà nghiên cứu sau đó nhanh chóng vào cuộc. Tuy nhiên, khi họ đến hiện trường, xác con cá mập trắng đã bị xé tan tành. Điều kỳ lạ là con cá voi sát thủ chỉ ăn mỗi lá gan của cá mập trắng, sau đó nhanh chóng rời đi, để phần xác béo bở cho lũ mòng biển.
Sau khi cuộc tấn công xảy ra, quần thể hơn 100 con cá mập trắng khổng lồ đã biến mất hoàn toàn khỏi quần đảo Farallon, mặc cho lúc đó đang là mùa đi săn hải cẩu. Có vẻ như chúng đã đánh hơi được dấu hiệu nguy hiểm nên đã bỏ trốn.
Một con cá voi sát thủ đang chơi đùa trên mặt biển ở Alaska.
Hai mẹ con cá voi sát thủ đang hít thở giữa những khối băng ở McMurdo Sound (Nam Cực).
Điều khiến các nhà nghiên cứu đau đầu là tương quan kích thước giữa con cá voi sát thủ và con cá mập trắng. Theo tính toán, con cá mập trắng dài khoảng 3,35 m, trong khi con cá voi sát thủ dài hơn 4 m một chút.
Vậy, bằng cách nào con cá voi sát thủ có thể hạ gục được một đối thủ lớn gần bằng mình chỉ trong nháy mắt, mà không vấp phải bất cứ một sự kháng cự nào?
Theo lời các nhân chứng có mặt khi đó, không hề có dấu hiệu giao tranh giữa hai con vật khổng lồ. Mặt biển lúc đó không hề có một giọt máu.
Phải chăng con cá voi sát thủ đã nắm được điểm yếu nào đó của con cá mập trắng?
Cá mập trắng khổng lồ, loài săn mồi đỉnh cao dưới đại dương, cũng khiếp sợ cá voi sát thủ (Ảnh: Great White Adventures)
Thật vậy, hầu hết các loài cá mập đều có một điểm yếu chết người. Đó là khi bị lật ngửa, chúng sẽ rơi vào trạng thái hôn mê tạm thời. Bởi khi đó, não của chúng sản sinh ra quá nhiều chất serotonin, một chất truyền dẫn thần kinh, làm cho chúng bị bất tỉnh.
Các nhà khoa học gọi đây là tình trạng tê liệt tự nhiên. Hầu hết các loài cá mập đều gặp phải tình trạng này, kể cả cá mập trắng khổng lồ.
Vậy, liệu con cá voi sát thủ có biết được điều này?
Theo các nhà khoa học, nhiều khả năng cá voi sát thủ nắm được điểm yếu chí mạng này của cá mập.
Trên thực tế, cá voi sát thủ thông minh tới mức, khi một con phát hiện ra cách làm tê liệt một con cá mập trắng, bằng cách nào đó, nó sẽ nhanh chóng truyền dạy kinh nghiệm này cho những thành viên khác trong đàn.
Một con cá voi sát thủ đang bơi dưới mặt nước để chuẩn bị đi săn cá trích ở Na Uy.
Rất có thể con cá voi sát thủ này đã học được điều đó. Tuy nhiên, việc để hoàn thiện một kỹ thuật săn mồi mới thì không phải là chuyện “một sớm một chiều”.
* Còn tiếp…
Nguồn: National Geographic
PV: Virginia Morell/Ảnh: Paul Nicklen