Những thông tin trên đã được người thân của họ chuyển tới CAHP và Bưu điện thành phố Hải Phòng.
Xâu chuỗi lại các sự kiện, hai đơn vị đều đi tới nhận định: phải chăng các cuộc đàm thoại quốc tế về Việt Nam đã bị kẻ gian chuyển tiếp trái phép để trộm cắp cước điện thoại quốc tế?
Để nhanh chóng làm rõ điều không bình thường, từ những thông tin, tài liệu thu thập ban đầu của các đơn vị, cũng như công tác nắm tình hình địa bàn, Giám đốc CATP quyết định xác lập chuyên án để đấu tranh.
Những trinh sát Phòng Bảo vệ an ninh kinh tế, An ninh điều tra – CATP được tin tưởng giao đảm nhận trọng trách này.
Ngay sau khi nhận thông báo, các thành viên Ban chuyên án khẩn trương nhập cuộc, phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ CATP triển khai nhiệm vụ.
Song song với đó, Ban chuyên án đã kết hợp chặt chẽ cùng Bưu điện thành phố. Thông qua nhiều biện pháp nghiệp vụ, nhất là được quần chúng giúp đỡ, trinh sát Phòng Bảo vệ an ninh kinh tế - CATP đã xác định được một người có nhiều biểu hiện bất minh.
Đó là Mai Cửu Long, sinh 1976, trú ở tố 47, khu 5, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân.
Tuy chỉ làm nghề xe ôm nhưng ngày 8-3-2005, Long lại đến Công ty Điện thoại Hải Phòng ký 2 hợp đồng lắp đặt điện thoại và đường truyền internet với số lượng lớn.
Khi được nhiều người thắc mắc, Long vờ tặc lưỡi, trả lời: mình có thời gian, hàng xóm mở nhà nghỉ, nhưng bận, nể tình, giúp đỡ chút.
Nhưng số lượng phòng của nhà nghỉ cũng như tính hết công suất thì gia chủ không thể dùng hết 15 máy điện thoại cố định chứ đừng nói đến con số 24 như Long đã đăng ký.
Điều lạ hơn nữa, chỉ vài ngày sau khi nhân viên bưu điện vừa lắp đặt xong, Long thuê người chuyển 24 máy điện thoại cố định và kéo toàn bộ 3 đường truyền internet tốc độ cao ADSL, toàn bộ đường dây cáp về nhà mình... để sử dụng?!
Theo thống kê cước gọi hàng tháng của Long, chỉ tính từ ngày 16-3 đến 30-3-2005, các máy điện thoại của Long thuê bao đã tiếp nhận hàng trăm cuộc gọi liên lạc với nhiều tỉnh, thành trong cả nước với mức cước là 37.000.000 đồng.
Một người có công việc như Long làm sao phải trao đổi liên lạc lớn như vậy?. Và hơn hết, sau khi Long chuyển số máy trên về nhà thì thường xuyên tiếp một vị khách người nước ngoài. Ai hỏi, Long đều giới thiệu là... đối tác làm ăn.
Những điều bất thường đó, càng thôi thúc các trinh sát Ban chuyên án đẩy nhanh tiến độ để tìm câu trả lời.
Kết quả xác minh cho thấy: 24 máy điện thoại và 3 đường truyền internet ADSL do Long thuê bao đã được một người nước ngoài đến đấu nối với những thiết bị kỹ thuật đặc dụng, hệ thống máy tính chuyển tiếp trái phép các cuộc liên lạc viễn thông quốc tế về Việt Nam.
Đây là một thủ đoạn trộm cắp cước điện thoại quốc tế rất tinh vi.
Để tổng hợp tài liệu, chứng cứ đủ cơ sở phục vụ công tác điều tra và xử lý hành vi phạm pháp của các đối tượng liên quan, Ban chuyên án quyết định triển khai kế hoạch phá án.
Sau nhiều ngày bám sát hành tung của chúng, sáng ngày 21-3-2005, như thường lệ, Long ở trong nhà điều hành “trung tâm”.
Ảnh minh hoạ
Bỗng nhiên, Long đi ra ngoài, ngó nghiêng các đường truyền internet với thái độ bực tức. Sau đó, đi gọi điện, rồi sốt ruột chờ đợi. Ít phút, “đối tác làm ăn” của Long vội vã phóng xe máy tới.
Vừa dừng xe, người này xách hộp đồ, lao ngay vào nhà, không chào hỏi ai...
Thời điểm “ra đòn” đã đến, các mũi trinh sát mật phục xung quanh nhà Long quyết định xuất quân, phối hợp cùng Bưu điện Hải Phòng và Công an địa phương bắt ngờ, xuất hiện, tiến hành kiểm tra hành chính.
Vì số lượng máy móc lớn, các đối tượng không tài nào có thể che giấu. Tại đây, Cơ quan Công an đã bắt quả tang Mai Cửu Long và Lý Ngọc Quang, sinh 1980, quốc tịch Đài Loan, đang vận hành trái phép các thiết bị viễn thông.
Qua khai thác bước đầu, Cơ quan Công an đã làm rõ: Long có hai người chị lấy chồng ở Trung Quốc. Ngày 15-3-2005, theo sự giới thiệu của chị Long, Lý Ngọc Quang đã nhập cảnh trái phép vào Hải Phòng và lưu trú trái phép tại ngõ 33, Chợ Hàng, phường Đông Hải, quận Lê Chân.
Quang nhờ Long đứng ra ký hợp đồng lắp đặt điện thoại, intrenet với Bưu điện thành phố, cho thuê địa điểm và trông coi thiết bị với tiền công 3.000.000 đồng/tháng.
Sau khi có “cơ sở hạ tầng”, Quang đấu nối các đầu dây điện thoại và internet vào hệ thống máy tính và những thiết bị kỹ thuật chuyên dụng do chuyển tiếp trái phép từ nước ngoài vào đẻ chuyển tiếp và trộm cắp.
Từ ngày 16-3-2005 đến 24-4-2005, hắn đã thu về trái phép trên 300.000.000 đồng cước điện thoại quốc tế.