Trong kho tàng cổ tích không mấy đồ sộ của hòn đảo tí hon nằm ở phía tây Thái Bình Dương, những câu chuyện về người khổng lồ chiếm số lượng áp đảo. Rất nhiều địa danh tại Guam được cho là dấu tích mà người khổng lồ để lại.
Về tổng thể, Guam có hình dạng thon dài, hai đầu phình ra còn "cái eo" thắt lại. Tất nhiên là phải có một điển tích "khổng lồ" để giải thích cho "cái eo" kỳ lạ ấy. Theo truyền thuyết, một con cá rất to đã cắn những miếng lớn vào hai bên sườn của Guam.
Người dân trên đảo rất lo lắng, bởi nếu không ngăn được con cá thì chẳng mấy chốc Guam sẽ bị đứt đôi thành hai hòn đảo nhỏ, rồi cuối cùng tất cả đều vào bụng cá. Toàn bộ đàn ông đều được điều động đi bắt con quái vật. Tuy nhiên con cá quá khỏe, quá khôn nên mọi cố gắng đều trở nên vô ích.
Hình dáng kì lạ của đảo Guam là do một con khổng lồ liên tục cắn vào 2 bên mà thành?
Chứng kiến sự bất lực của đám nam nhi đại trượng phu, các nàng trinh nữ trên đảo quyết định ra tay. Họ cắt bỏ mái tóc dài của mình và bện thành một tấm lưới rộng. Bằng tiếng hát du dương, họ khéo léo dụ con cá lớn vào tròng.
Không phải những cánh tay oai phong, vạm vỡ nào. Chính lực lượng "dự bị" có vóc dáng nhỏ nhắn, khiêm nhường đã cứu được Guam khỏi nguy cơ diệt vong.
Sự tích về các nàng trinh nữ đảo Guam cũng là câu chuyện thường được kể trên sân bóng đá. Tại SEA Games 29, đội U22 Việt Nam càng phải ghi nhớ bài học này nếu muốn bắt được con cá lớn là tấm HCV.
Cho đến thời điểm hiện tại, HLV Hữu Thắng đã hoạch định gần như xong xuôi bộ khung chính thức. Những cái tên như Tiến Dũng, Văn Thanh, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn hay Công Phượng liên tục xuất hiện trong đội hình xuất phát thời gian qua.
Nhưng tại một giải đấu có mật độ thi đấu dày đặc và danh sách đăng ký chỉ bao gồm 20 cầu thủ, U22 Việt Nam chắc chắn không tránh khỏi việc phải liên tục xoay vòng lực lượng.
Thuyền trưởng Hữu Thắng đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng các phương án dự phòng cho một cuộc "hành xác" kéo dài. Ông thậm chí đi trước các đối thủ một bước khi đặc biệt ưu tiên sự đa năng của dàn thủy thủ dưới quyền.
Rất nhiều thành viên của U22 Việt Nam có thể đảm đương nhiều hơn một vị trí. Chỉ có điều, đa năng cũng có nhiều mức. Đứng cho "đủ mâm" hay vào sân để hoàn thành trọng trách "chữa cháy", đó là câu hỏi nhức nhối đối với bóng đá Việt Nam suốt bao nhiêu năm ròng.
Hồ Tuấn Tài (trái) đang là tiền đạo dự bị của U22 Việt Nam và tạo ra khá nhiều lo lắng về khả năng dứt điểm.
Chung kết SEA Games 1995, do thiếu vắng hàng loạt trụ cột như Huỳnh Đức và Minh Chiến, Việt Nam nhanh chóng bị Thái Lan nhấn chìm với tỷ số 0-4. Lứa U22 hiện nay cũng tồn tại mối lo tương tự.
Hiệp 1 trận giao hữu với Mokpo cách đây vài ngày đã khắc họa rõ nét khoảng cách về trình độ cũng như kinh nghiệm giữa các nhân tố chủ lực và phần còn lại. Trong 45 phút có mặt trên sân, những Tuấn Tài, Tuấn Anh hay Lâm Ti Phông đã phung phí tất cả mọi cơ hội ghi bàn.
Hiệp 2, các "trinh nam" của Hữu Thắng trở lại băng ghế dự bị để chứng kiến mành lưới Mokpo rung lên tới 4 lần.
Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại cho công bằng: giao hữu không phản ánh chính xác điều gì. Màn trình diễn tại SEA Games sắp tới mới là thước đo thực sự cho giá trị của từng cầu thủ U22 Việt Nam, bất kể là chính thức hay dự bị.
Các trinh nữ đã cứu được đảo Guam, thế thì tại sao những học trò ít được nhắc đến của HLV Hữu Thắng lại không thể viết nên một truyền thuyết mới tại SEA Games 29?