Lần Hàn Quốc tổ chức một kỳ Thế vận hội trước đây, Triều Tiên đã cố chuyển hướng sự quan tâm khỏi Seoul nhưng lại làm hao mòn nền kinh tế của chính mình. Tuy nhiên lần này, Triều Tiên lại có được một sự quảng bá rộng rãi mà bao nhiêu tiền của cũng không thể mua được.
Ngày 10/2, bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã thu hút sự chú ý của dư luận và truyền thông khi bà có cuộc gặp với Tổng thống Moon Jae-in tại Nhà Xanh (dinh Tổng thống Hàn Quốc), đặc biệt là khi bà chuyển lời của lãnh đạo Triều Tiên mời ông Moon Jae-in tới thăm Bình Nhưỡng.
Không còn ấn tượng về một Festival “thảm họa”
Chuyến thăm lịch sử của bà Kim Yo-jong tới Hàn Quốc tạo nên sức hút chưa từng có đối với truyền thông khi thông tin thành viên đầu tiên trong gia đình lãnh đạo Triều Tiên tới thăm Hàn Quốc xuất hiện trên đài báo và chiếm một vị trí trên trang nhất của nhiều tờ báo trên khắp thế giới.
Mọi thứ bây giờ đã khác với gần 30 năm trước, khi Triều Tiên chi rất nhiều tiền để tổ chức Festival Tuổi trẻ thế giới tháng 7/1989, chỉ một năm sau khi Hàn Quốc đăng cai Thế vận hội mùa Hè.
Bình Nhưỡng từ chối tham dự Thế vận hội mùa Hè 1988 và kêu gọi Thế giới tẩy chay sự kiện này, nhưng khi đó, cả Bắc Kinh và Moscow đều “phớt lờ” lời kêu gọi này.
Sử dụng Festival Tuổi trẻ thế giới 1989 như một cơ hội để chứng tỏ mình, Triều Tiên khi đó đã tiếp các đoàn đại biểu từ hơn 170 nước trong 1 tuần với các triển lãm, hội thảo, các cuộc thi tài và biểu diễn.
Bình Nhưỡng cho xây dựng khách sạn 105 tầng, nhà ga tàu điện ngầm lát cẩm thạch, một sân vận động có sức chứa 150 nghìn người và nhập hơn 1.000 chiếc Mercedes Benzes để phục vụ các đoàn khách nước ngoài.
Trong khi Thế vận hội mùa Hè - một quyết định vội vàng của Hàn Quốc khi đó lại tạo được dấu ấn và đánh dấu một kỷ nguyên mới về thành công của Seoul, thì Festival 1989 lại khiến Triều Tiên “phá sản”.
Việc rút viện trợ lương thực vào đầu những năm 1990 từ Trung Quốc và Liên Xô, hậu quả của nông nghiệp tập thể cùng với những trận lũ lụt lớn sau các đợt hạn hán đã dẫn tới tình trạng khan hiếm lương thực và khiến 2-3 triệu người chết vì nạn đói ở Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc dùng bữa trưa với em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên VOV.VN - Olympic PyeongChang đang góp phần xoa dịu bầu không khí nóng trên Bán đảo Triều Tiên. Cơ hội cho cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều đang được kỳ vọng.
Trước khi Thế vận hội PyeongChang bắt đầu, người ta vẫn nhớ tới câu chuyện này khi nói về Triều Tiên.
“Vô cùng xuất sắc và nếu không phải là Kim Jong-un và một Triều Tiên mà bạn khâm phục những gì họ làm, thì thực sự là rất đáng ngạc nhiên”, ông David Maxwell, Phó Giám đốc ở Trung tâm nghiên cứu an ninh tại trường Walsh, thuộc Đại học Georgetown đánh giá.
“Triều Tiên rất giỏi trong việc đạt được điều gì đó mà không phải đánh đổi bằng cái khác. Họ sẽ nhận được sự thừa nhận, tính hợp pháp và các nguồn lực mà không cần phải từ bỏ điều gì”, ông Maxwell nói.
Mỹ “khó chịu” ra mặt
Bên có vẻ không hài lòng nhất lúc này chính là nước mà Bình Nhưỡng đang tìm cách chia rẽ khỏi Hàn Quốc: Mỹ. Trước khi đến Hàn Quốc dự Thế vận hội, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã cảnh báo “chiêu bài” của Bình Nhưỡng không lừa được bất cứ ai.
“Chúng tôi sẽ không cho phép Bình Nhưỡng “bắt cóc” thông điệp và hình ảnh của Thế vận hội”, ông Pence nói sau cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở Tokyo ngày 7/2.
Ngày 8/2, ông Pence cũng đã tới thăm căn cứ Không quân Yokota của Nhật Bản – nước sẽ ở “tiền tuyến” trong trong cuộc đối đầu quân sự với Triều Tiên.
“Như một cuốn sách cũ nói, người lính không tạo ra thanh gươm một cách vô ích và chúng tôi sẽ chống lại bất cứ cuộc tấn công nào cũng như đáp trả bất cứ hành động sử dụng vũ khí hạt nhân nào bằng một phản ứng nhanh chóng, hiệu quả và lấn át”, ông Pence nói.
Ông cũng tuyên bố Mỹ sẽ có thêm các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng, dù không đưa ra chi tiết cụ thể.
Hàn Quốc tiến thoái lưỡng nan
Hàn Quốc đã trải thảm đỏ cho Triều Tiên, muốn tránh bất leo thang đối đầu. Sự nhiệt tình của Hàn Quộc thể hiện ở quyết định diễu hành chung với Bình Nhưỡng dưới một lá cờ thống nhất tại Thế vận hội, cũng như việc tạm dừng các cuộc tập trận với Mỹ trong thời gian diễn ra Thế vận hội.
Tổng thống Moon Jae-in, người tuyên bố rằng ông muốn trở thành nhà lãnh đạo “xây dựng mối quan hệ hòa bình” giữa hai miền Triều Tiên, sẽ phải đối mặt với tình huống tiến thoái lưỡng nan, nhất là khi có một người Triều Tiên nào đó bỏ trốn sang Hàn Quốc.
“Khi đó ông Moon Jae-in sẽ rơi vào tình huống: Tôi có nên trả người này về Triều Tiên hay không? Đó là điều mà Trung Quốc làm. Hay tôi sẽ cho phép họ ở lại và chuốc lấy sự giận giữ của Triều Tiên?”, nhà phân tích Maxwell thuộc đại học Georgetown đặt ra giải thuyết.
Ông cũng nói thêm rằng, khi đó, “Triều Tiên sẽ có lý do để phá bỏ bất cứ thỏa thuận nào”.
Từ “đứng bên bờ vực” đến “người giành lợi thế”
Không quá lời khi nói rằng, Triều Tiên mới chính là người giành chiến thắng tại Thế vận hội mùa Đông này.
Triều Tiên Tiên tổ chức diễu binh quân đội vào ngày 8/2, chỉ 1 ngày trước khi Thế vận hôi mùa Đông khai mạc ở PyeongChang, Hàn Quốc, một cách để thu hút sự chú ý của quốc tế, dù rằng cuộc diễu binh đã được giảm quy mô so với kế hoạch trước đó.
Bình Nhưỡng thường tổ chức diễu binh vào tháng 4 như nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Triều Tiên 25/4 hay kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) 15/4.
Tuy nhiên, hồi tháng 1/2018, Bình Nhưỡng tuyên bố chọn ngày 8/2 để kỷ niệm thành lập quân đội, thay vì 25/4 như các năm trước. Trên thực tế, quân đội Triều Tiên thành lập ngày 8/2/1948, ngày kỷ niệm sau đó được chuyển sang tháng 4 kể từ năm 1978.
“Tôi nghĩ diễu binh là một hoạt động thứ yếu, họ đã tính toán những ý định của các nước phương Tây và bất cứ cơ hội nào chia rẽ người Hàn Quốc đều đáng giá”, Giáo sư Joseph Siracusa, chuyên nghiên cứu về an ninh nhân loại và ngoại giao quốc tế tại Đại học RMIT ở Melbourne, Australia cho biết.
Ông Siracusa cũng nói rằng, Triều Tiên không có gì để mất với canh bạc Thế vận hội. Nhiệm vụ duy nhất là “trông có vẻ bình thường”. “Nếu họ tới dự sự kiện thể thao này như những người bình thường và trông cũng chẳng có vẻ gì là đặc biệt, phía Hàn Quốc cũng đối đãi với họ không khác thông lệ, thì đó là chiến thắng ngoại giao lớn”.
Việc Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đem theo tới Thế vận hội cha của Otto Warmbier, một sinh viên người Mỹ từng bị bắt giữ ở Triều Tiên và qua đời vài ngày sau khi trở về Mỹ, với những tổn thương nặng nề về não bộ, hay việc ông gặp gỡ những người “đào tẩu” khỏi Triều Tiên được xem là chiêu bài chính trị của Washington đối với Bình Nhưỡng.
Còn Bình Nhưỡng đã đáp trả một cách lặng lẽ. Bên cạnh những hình ảnh ngập tràn về đội cổ động và đoàn nghệ thuật trong trang phục đỏ rực rỡ và nổi bật của Bình Nhưỡng, báo chí không bỏ sót bất cứ thông tin nào về chuyến thăm Hàn Quốc của bà Kim Yo-jong, 30 tuổi, một trong những người quyền lực nhất ở Triều Tiên và lại nằm trong danh sách đen của Mỹ./.