Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là một quốc gia nhỏ nằm giữa nhiều nước lớn. Và nước này về mặt kỹ thuật hiện vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Trong bối cảnh đó, người ta có thể hiểu được phần nào việc Triều Tiên cố gắng sở hữu vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Mô hình thống nhất bán đảo Triều Tiên/Hàn Quốc
Các nỗ lực hòa hoãn vừa qua do Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ DonaldTrump thực hiện đã làm dấy lên nhiều hy vọng về khả năng thống nhất bán đảo Triều Tiên/Hàn Quốc, hay chí ít là một dạng liên bang chính trị giữa 2 miền của bán đảo này.
Hình thức liên bang đó đã ít nhiều được thảo luận. Thể chế chung bao trùm lên bán đảo Triều Tiên có thể sẽ mô phỏng theo cách tiếp cận của Trung Quốc đối với Hong Kong và Macau – một nước hai chế độ. Trong một "Đại Liên bang Cao Ly" như thế, Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ giữ lại hệ thống chính trị nội bộ của riêng mình nhưng lại đồng thời tiếp cận các vấn đề quốc tế và chia sẻ nguồn tài nguyên chung. Theo thời gian, quá trình hội nhập lẫn nhau giữa 2 miền của bán đảo Triều Tiên/Hàn Quốc sẽ gia tăng, dẫn tới sự thống nhất đầy đủ và thực chất, khi mối nghi ngờ giữa đôi bên tan dần đi.
Cách tiếp cận này chính là tư duy của phái tả Hàn Quốc, trong đó có đương kim Tổng thống Moon Jae-in. Phái hữu Hàn Quốc thì vẫn bám lấy "mô hình Đức", theo đó Triều Tiên đơn giản là bị sáp nhập vào một Đại Hàn Dân quốc có quy mô lớn hơn.
Phe hữu Hàn Quốc thích quan hệ đồng minh với Mỹ. Họ lo ngại về Trung Quốc (nhất là các động thái của hải quân Trung Quốc ở vùng Hoàng Hải) và mong muốn có quan hệ tốt hơn với Nhật Bản. Kịch bản ưa thích của nhóm này là Triều Tiên sẽ được sáp nhập vào Hàn Quốc như Đông Đức từng nhập vào Tây Đức thành Cộng hòa Liên bang Đức lớn hơn.
Tuy nhiên, với phái tả Hàn Quốc, địa chính trị khu vực là một chiếc túi mang tính thập cẩm hơn nhiều. Triều Tiên được xem không phải như một kẻ thù mà là một quốc gia Triều/Hàn láng giềng. Câu trả lời cho căng thẳng Triều-Hàn do vậy không phải là các mối đe dọa chiến tranh, lệnh trừng phạt và sự đối đầu mà là sự kết nối và sự hỗ trợ anh em. Về vấn đề Nhật Bản, họ lại có cái nhìn ngược lại. Do các lý do lịch sử và dân tộc, phái tả Hàn Quốc có thái độ không thân thiện với Nhật Bản.
Phái tả Hàn Quốc cũng hoài nghi nhiều hơn về liên minh Mỹ-Hàn Quốc. Hai tổng thống Hàn Quốc thuộc phe tả trước nhiệm kỳ của Tổng thống Moon hiện nay đã móc nối với Mỹ trong vấn đề Triều Tiên theo những cách thức mà những người tiền nhiệm bảo thủ của họ chưa bao giờ có.
Ngày nay phái tả Hàn Quốc thường chỉ trích chế độ trừng phạt, coi đó là nguyên nhân cản trở việc hòa hoãn liên Triều. Tư tưởng chống Mỹ ở Hàn Quốc thi thoảng trở thành một lực lượng chính trị.
Phái tả Hàn Quốc cảm thấy thoải mái với Trung Quốc hơn so với phái hữu. Trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung ở châu Á, phái hữu sẽ tìm kiếm một quan điểm mang tính trung lập hơn.
Có vẻ như người Hàn Quốc ít quan tâm đến quá trình phi hạt nhân hơn Mỹ trong bối cảnh Hàn Quốc không muốn xem Triều Tiên như một kẻ thù. Do đó, họ dè chừng sự can thiệp của Mỹ và Nhật Bản vào đời sống Hàn Quốc.
Xử trí vũ khí hạt nhân sau thống nhất như thế nào?
Nhưng cả 2 mô hình thống nhất trên vẫn có một điểm "lăn tăn" chung, đó là tương lai của kho vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Một điều khá rõ hiện nay là Triều Tiên sẽ không từ bỏ ngay phần lớn kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của mình. Họ có thể từ bỏ một số ít vũ khí chiến lược nhưng là để đổi lại nhiều nhượng bộ từ phía Mỹ. Thế nhưng việc giải giáp hạt nhân hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược là điều rất khó khả thi vào lúc này. Dù phương Tây có chấp nhận hay không thì trên thực tế Triều Tiên vẫn là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Vậy nếu quá trình thống nhất hoặc một giải pháp liên bang nhẹ nhàng hơn diễn ra thì điều gì sẽ xảy đến với số vũ khí hạt nhân của Triều Tiên?
Phương Tây dường như có cảm nhận rằng một bán đảo Triều Tiên/Hàn Quốc thống nhất sẽ không cần đến vũ khí hạt nhân nữa, và số vũ khí này khi đó sẽ bị đem tiêu hủy hoặc nộp lại cho nước khác, có thể là Trung Quốc, Mỹ hoặc một nước thứ 3.
Một câu tục ngữ cổ của người Triều/Hàn mô tả đất nước Triều/Hàn là một "chú tôm giữa bầy cá voi". Triều/Hàn thống nhất có thể lựa chọn con đường của Thụy Sĩ – trung lập nhưng được vũ trang mạnh. Chiến lược không liên kết sẽ giúp Triều Tiên/Hàn Quốc tránh lặp lại số phận của họ vào cuối thế kỷ 19 khi họ đánh mất dần nền độc lập trước Đế chế Nhật Bản và rồi bị chia tách về lãnh thổ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Cũng có thể Triều/Hàn sẽ lựa chọn duy trì vũ khí hạt nhân giống như Pháp, phát triển vũ khí hạt nhân để không bao giờ bị Đức xâm lược nữa.
Nhưng vị trí địa lý của Triều Tiên/Hàn Quốc sẽ khiến cho đất nước này khó tránh khỏi nguy cơ lại bị lôi cuốn vào một cuộc xung đột 4 bên gồm Trung Quốc, Mỹ, Nga và Nhật Bản. Khi đó vũ khí hạt nhân giúp Triều Tiên hành xử "dễ dàng" hơn.
Trong bối cảnh ấy, có khả năng cao quốc gia Triều Tiên/Hàn Quốc sau thống nhất sẽ khó cưỡng lại sức hấp dẫn của việc duy trì kho vũ khí hạt nhân để đẩy lùi các khó khăn địa chính trị./.