Triều Tiên thừa nhận thiếu lương thực trầm trọng

Phạm Nghĩa |

Triều Tiên cho biết nước này đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực tồi tệ nhất trong hơn một thập kỷ trở lại đây.

Thủ tướng Triều Tiên Kim Tok-hun kiểm tra các trang trại ở Triều Tiên. Ảnh: KCNA

Thủ tướng Triều Tiên Kim Tok-hun kiểm tra các trang trại ở Triều Tiên. Ảnh: KCNA

Theo Bloomberg hôm 14-7, trong một báo cáo gửi Liên Hợp Quốc (LHQ) tiêu đề "Đánh giá Quốc gia Tự nguyện (VNR)", Triều Tiên cho biết nước này đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực tồi tệ nhất trong hơn 1 thập kỷ trở lại đây.

Trong VNR, Triều Tiên thừa nhận sản xuất lương thực đã giảm xuống mức thấp nhất vào năm 2018 do "thảm họa tự nhiên, khả năng phục hồi yếu, không đủ vật liệu canh tác và mức độ cơ giới hóa thấp". Bình Nhưỡng cũng đổ lỗi cho những khó khăn gặp phải là do lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ liên quan tới chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của họ.

"Các chướng ngại chính ngăn cản chính phủ đạt được sự phát triển bền vững của đất nước bao gồm các biện pháp trừng phạt và phong tỏa liên tục đối với Triều Tiên" - báo cáo viết.

Thông tin trong VNR cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị cho một trong những thách thức lớn nhất kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền. Đây cũng là lần đầu tiên Bình Nhưỡng công khai thừa nhận tình trạng thiếu hụt lương thực.

Hồi tháng trước, nhà lãnh đạo Kim Jong-un xuất hiện trên truyền thông nhà nước Triều Tiên và ban hành cảnh báo hiếm hoi rằng "tình hình lương thực" đang trở nên căng thẳng. Tình trạng thiếu hụt lương thực của Triều Tăng càng tồi tệ hơn bởi các cơn bão hồi năm ngoái khiến vụ mùa thất bát và quyết định đóng cửa biên giới do dịch Covid-19 của ông Kim.

Theo Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ, khoảng 40% dân số Triều Tiên "bị thiếu lương thực", cộng thêm "thực phẩm không an toàn và suy dinh dưỡng xảy ra phổ biến".

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook hồi tháng trước nói với Quốc hội rằng ông Kim dường như đang tập trung giải quyết các vấn đề nội bộ sau khi từ chối yêu cầu nối lại đàm phán hạt nhân từ phía Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại