Bước tiến mới về hạt nhân của Triều Tiên
Truyền hình Trung ương Triều Tiên ngày 3/9 tuyên bố nước này đã thử thành công bom nhiệt hạch (bom H), đánh dấu lần thử hạt nhân thứ 6 của nước này từ trước đến nay. Loại bom vừa thử nghiệm cũng được tuyên bố là phiên bản có thể gắn vào tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Bom H là loại bom tạo ra vụ nổ hủy diệt lớn hơn nhiều, thậm chí cả trăm lần so với loại bom hạt nhân thông thường. Sở dĩ như vậy vì nó giải phóng năng lượng từ quá trình tổng hợp hai hạt nhân nhẹ (hydro) thành một hạt nhân nặng hơn (heli).
Giới chuyên gia nhận định, bom nhiệt hạch giống như một quả bom kép, để kích nổ, tạo điều kiện cho phản ứng nhiệt hạch xảy ra, người ta thường dùng đến bom nguyên tử hoặc loại bom có sức công phá lớn.
Điều này cũng phù hợp với thông tin cho rằng, có hai cơn địa chấn xảy ra gần nhau vào thời điểm Triều Tiên thử bom nhiệt hạch. Cơn địa chấn ban đầu mạnh cấp 6.3 và rung chấn thứ hai yếu hơn, chỉ mạnh 4.6 độ.
Ông Kim Young-woo, quan chức quân sự Hàn Quốc nhận định, vụ thử bom nhiệt hạch vừa qua của Triều Tiên lớn hơn 10 lần so với quả bom hạt nhân 10 kiloton mà Bình Nhưỡng thử nghiệm hồi năm ngoái.
Trong năm 2016, Triều Tiên tuyên bố đã hai lần thử bom nhiệt hạch thành công. Các chuyên gia khi đó nhận định, Bình Nhưỡng dường như mới chỉ thử bom phân hạch tăng cường, không phải bom nhiệt hạch thực sự, do sức công phá ở mức thấp.
Tuy nhiên, với việc liên tục đạt những bước tiến trong các đợt phóng tên lửa trong năm nay, Triều Tiên đang tiến đến khả năng làm chủ công nghệ tên lửa tầm xa, đủ sức bắn đến nhiều thành phố lớn ở nước Mỹ.
Theo KCNA, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tỏ ra hết sức hài lòng vì các chuyên gia Triều Tiên có thể làm được mọi thứ một cách thành công, dựa trên yêu cầu thực tế của đất nước.
Ông Trump tuyên bố Triều Tiên "sẽ có một ngày rất buồn" nếu Mỹ tấn công quân sự, tiếp nối các phát ngôn cứng rắn của ông nhằm vào Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)
Chính sách của Mỹ phản tác dụng
Cách tiếp cận cứng rắn của Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump đã không ngăn được chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, mà minh chứng là vụ thử hạt nhân có sức công phá mạnh nhất từ trước đến nay.
Sau khi lên nhậm chức, ông Trump đã ký thông qua chính sách toàn diện đối với vấn đề Triều Tiên. Chính sách này gồm 4 điểm chính: Không công nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân; gây mọi sức ép, áp đặt mọi lệnh trừng phạt có thể với Triều Tiên; không thay đổi chế độ ở Triều Tiên; giải quyết vấn đề thông qua đối thoại.
Chính sách này cho thấy chính quyền Trump có thể loại trừ giải pháp quân sự trong vấn đề Triều Tiên và nhìn chung, chính sách này phù hợp với chiến lược của chính quyền tiền nhiệm Barack Obama.
Thực hiện chính sách trên, tổng thống Trump đã có những biện pháp mạnh mẽ về kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự, bao gồm gia tăng các hoạt động tập trận quân sự quy mô lớn với Hàn Quốc, đe dọa sử dụng vũ lực…, nhưng vẫn không làm thay đổi quyết tâm của Triều Tiên về phát triển chương trình hạt nhân, mà trái lại đã thúc đẩy Triều Tiên xúc tiến mạnh hơn lộ trình phát triển hạt nhân.
Theo ông John Delury, chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Yonsei (Hàn Quốc), thì lần thử hạt nhân thứ 6 không còn là một điều quá bất ngờ với bất kỳ ai đã dõi theo chương trình hạt nhân của nước này.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn cho thế giới thấy rằng, đây là lần thử vũ khí cho ICBM và khẳng định rằng, Triều Tiên có đủ sức mạnh quân sự để đối phó với bất kỳ sự đe dọa nào.
Ngay sau khi hãng thông tấn Tiều Tiên KCNA ra thông báo thử thành công hạt nhân lần thứ 6, tổng thống Trump đã chỉ trích vụ thử là hành động “hết sức nguy hiểm và thù địch” với Mỹ. Ông còn nói với chính phủ Hàn Quốc rằng, vụ thử hạt nhân là lời khẳng định những nỗ lực “hòa giải của Seoul đối với Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ đem lại kết quả”.
Lãnh đạo Kim Jong-un cùng phu nhân Ri Sol-ju tại buổi lễ vinh danh các nhà khoa học đóng góp cho vụ thử bom H mới nhất của Triều Tiên (Ảnh: KCNA/Reuters)
Giải pháp cuối cho ông Trump?
Những gì diễn ra trên bán đảo Triều Tiên, nhất là sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân, giống như “cái tát” rất mạnh vào chính sách của ông Trump, sau những nỗ lực trừng phạt và cô lập Triều Tiên không đem lại hiệu quả.
Các chuyên gia nhận định, đã quá muộn để Washington tạo ra đủ sức ép buộc Bình Nhưỡng phải nhượng bộ về vấn đề hạt nhân. Ưu tiên hàng đầu hiện nay của Mỹ có lẽ chỉ là tăng cường duy trì sự ổn định, tránh khả năng chiến tranh nổ ra, điều mà không ai mong muốn.
Ông Delury cho rằng, chính quyền Donald Trump nên tận dụng thời điểm này để đàm phán trực tiếp với Triều Tiên, hoặc có thể tăng cường trừng phạt, cô lập Tiều Tiên hơn nữa để giữ thể diện.
Đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ khi lên nắm quyền, tổng thống Trump đang rơi vào thế khó. Đàm phán, hoặc gây sức ép để tiến tới đàm phán với Triều Tiên về vấn đề hạt nhân là chiến lược mà các đời tổng thống Mỹ đã theo đuổi trong 8 năm qua nhưng đều không đem lại kết quả.
Đây quả là bài toán khiến ông Trump đau đầu để có thể tìm ra giải pháp hữu hiệu, bởi chỉ một sai lầm hoặc thiếu kiềm chế của các bên có thể gây ra hậu quả khôn lường cho cả nước Mỹ và đồng minh của Mỹ, cũng như thảm họa đối với Triều Tiên.
Nhưng suy cho cùng, đàm phán, giải quyết căng thẳng thông qua ngoại giao, vẫn là giải pháp tốt nhất để giảm căng thẳng và tránh một cuộc chiến tranh hủy diệt có thể nổ ra.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả