Phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc dẫn tin từ hãng thông tấn Yonhap cho biết bài bình luận của trang mạng trên nêu rõ: "Hoạt động của phi đội máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer của Mỹ phía trên vùng biển phía Đông Triều Tiên là một hành động cực kỳ nguy hiểm, được hoạch định để đẩy tình hình Bán đảo Triều Tiên lên đỉnh điểm và là một hành động khiêu khích Bình Nhưỡng không thể bỏ qua."
Theo trang mạng trên, riêng trong năm nay Mỹ đã cho máy bay ném bom B-1B bay 19 lần trên vùng trời Bán đảo Triều Tiên, nhưng lần này Mỹ đã cho thực hiện hoạt động bay một cách độc lập mà không tham vấn trước với Hàn Quốc.
Bài bình luận cũng cho rằng cuộc thao diễn này được tiến hành như một trận chiến thực sự trong một âm mưu gây sức ép mạnh với Triều Tiên, song khẳng định hành động này sẽ chỉ làm gia tăng quyết tâm giáng trả của Bình Nhưỡng.
Đây được xem là phản ứng đầu tiên của Triều Tiên đối với động thái của Mỹ ngày 23/9 vừa qua, trong đó các máy bay ném bom B-1B Lancer của Không quân Mỹ được các máy bay kiêm tích hộ tống bay vào khu vực trên trong một động thái phô trương sức mạnh mà Lầu Năm Góc tuyên bố là nhằm thể hiện "phạm vi rộng các lựa chọn quân sự khả thi" đối với Triều Tiên, trong bối cảnh Bình Nhưỡng liên tiếp tiến hành thử tên lửa và hạt nhân.
Cùng ngày 29/9, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano nhận định vụ thử hạt nhân của Triều Tiên hôm 3/9 cho thấy nước này đã "tiến bộ rất nhanh" trong chương trình hạt nhân, và điều này khiến mối đe dọa đối với cộng đồng quốc tế đã tăng lên một mức mới.
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha trong khuôn khổ chuyến thăm Seoul, ông Amano cho rằng vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên nói trên mạnh hơn nhiều so với các vụ thử trước đây, nhưng không thể xác định được đây có phải là bom nhiệt hạch (bom H) hay không.
Theo Tổng Giám đốc IAEA, vụ thử này cho thấy Triều Tiên đã tiến bộ rất nhanh, và điều này, cùng với nhiều yếu tố khác, đang là một mối đe dọa mới đối với toàn cầu.
Ông Amano nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần đoàn kết tìm ra giải pháp cuối cùng cho vấn đề này, và "IAEA sẵn sàng đóng một vai trò trong việc này khi các diễn biến chính trị cho phép."
Ông cho biết hiện tại IAEA đang giám sát chương trình hạt nhân của Triều Tiên và cung cấp thông tin cho cộng đồng quốc tế nhưng không tiếp cận trực tiếp với nước này./.