Triều Tiên sắp có tàu ngầm hạt nhân: Vươn tầm ngắm đến nơi xa không tưởng?

Quang Hưng |

Nếu việc phát triển thuận lợi, dự kiến khoảng năm 2030, Triều Tiên sẽ sở hữu chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên nhằm đối phó với các mối đe dọa từ bên ngoài.

Theo các nguồn tin quân sự từ Hàn Quốc, Triều Tiên đã bắt đầu quá trình chế tạo chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của mình. Thông tin này được tiết lộ bởi các quan chức trong lực lượng vũ trang Hàn Quốc và các thành viên Quốc hội nước này. Việc chế tạo vũ khí hạt nhân của Triều Tiên không chỉ là một bước tiến kỹ thuật lớn, mà còn thể hiện sự quyết tâm của Bình Nhưỡng trong việc phát triển năng lực quân sự hạt nhân, nhằm đối phó với các mối đe dọa từ bên ngoài, đặc biệt là Mỹ và các đồng minh.

Lục địa Mỹ sẽ trong tầm ngắm của tàu ngầm hạt nhân Triều Tiên - Ảnh 1.

 

Nỗ lực phát triển tàu ngầm

Triều Tiên từ lâu đã nổi tiếng là một trong những quốc gia sở hữu số lượng tàu ngầm nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, về mặt công nghệ, phần lớn các tàu này là tàu diesel, chạy bằng năng lượng thông thường.

Từ năm 2010, Triều Tiên đã liên tục có những bước tiến vượt bậc trong việc phát triển các tàu ngầm mới có khả năng hiện đại hơn. Đáng chú ý là việc giới thiệu tàu ngầm tên lửa đạn đạo đầu tiên vào giữa những năm 2010, đánh dấu bước tiến lớn trong công nghệ tàu ngầm của nước này.

Đến năm 2023, Triều Tiên tiếp tục gây bất ngờ với việc hạ thủy tàu ngầm mang tên lửa hành trình và thử nghiệm tàu ngầm không người lái được trang bị vũ khí hạt nhân vào tháng 4 cùng năm.

Mặc dù giới lãnh đạo Triều Tiên thường xuyên đề cập đến mục tiêu phát triển một loại tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhưng chi tiết về loại tàu ngầm này vẫn chưa được tiết lộ. Hiện vẫn chưa biết liệu chiếc tàu ngầm này sẽ là phiên bản tên lửa đạn đạo, mang theo vũ khí hạt nhân chiến lược hay là tàu ngầm tấn công thông thường có thể mang theo tên lửa hành trình và ngư lôi được trang bị vũ khí hạt nhân.

Lục địa Mỹ sẽ trong tầm ngắm của tàu ngầm hạt nhân Triều Tiên - Ảnh 2.

 

Tầm quan trọng của tàu ngầm hạt nhân

Tàu ngầm hạt nhân luôn được coi là một trong những vũ khí an toàn nhất trong chiến lược quân sự của bất kỳ quốc gia nào, bởi vì chúng có thể hoạt động dưới nước trong nhiều tháng liền mà không cần nổi lên để tiếp tục liệu. Khả năng này mang lại cho tàu ngầm phạm vi hoạt động gần như không giới hạn và giúp chúng ẩn náu tốt hơn, tránh bị kẻ thù phát hiện.

Đối với Triều Tiên, tàu ngầm hạt nhân sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh chiến lược của quốc gia này, đặc biệt trong việc duy trì khả năng răn đe hạt nhân trước các đối thủ mạnh như Mỹ. Với diện tích lãnh thổ nhỏ và chiều sâu chiến lược hạn chế, Triều Tiên dễ dàng bị tổn thương trước các cuộc tấn công từ xa. Vì vậy, một tàu ngầm hạt nhân sẽ giúp nước này thực hiện các cuộc tấn công bất ngờ, từ các hướng mà hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương không được bố trí kỹ lưỡng.

Lục địa Mỹ sẽ trong tầm ngắm của tàu ngầm hạt nhân Triều Tiên - Ảnh 3.

 

Nếu Triều Tiên phát triển thành công một tàu ngầm tấn công hạt nhân, con tàu này sẽ trở thành công cụ quan trọng để phóng tên lửa vào các mục tiêu quân sự quan trọng trên đất liền Mỹ hoặc các cơ sở quân sự trên toàn khu vực Thái Bình Dương. Khả năng này sẽ mở rộng phạm vi ảnh hưởng và sức mạnh quân sự của Triều Tiên ra ngoài bán đảo, một chiến lược mà Bình Nhưỡng đã theo đuổi trong nhiều thập kỷ.

Đến năm 2017, lần đầu tiên Triều Tiên có khả năng tấn công lục địa Mỹ với loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14 và Hwasong-15, đánh dấu một bước quan trọng trong lịch sử quân sự của quốc gia này.

Sau năm 2017, Triều Tiên không dừng lại mà tiếp tục phát triển các hệ thống vũ khí hiện đại hơn, trong đó việc chế tạo tàu ngầm hạt nhân được xem là một phần quan trọng trong chiến lược mở rộng khả năng bảo vệ của họ. Nếu thành công, Triều Tiên sẽ trở thành quốc gia thứ bảy trên thế giới sở hữu tàu hạt nhân, sau Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Ấn Độ.

Có nhiều người tin rằng chương trình phát triển tàu ngầm hạt nhân của Triều Tiên đã nhận được sự hỗ trợ từ Nga. Từ năm 2022, đã xuất hiện thông tin rằng Triều Tiên có thể cung cấp vũ khí cho Nga để trao đổi kỹ thuật hỗ trợ hỗ trợ trong việc phát triển tàu ngầm hạt nhân. Theo các chuyên gia, nếu mọi thứ diễn ra thuận lợi thì rất có thể Triều Tiên sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của mình vào khoảng năm 2030.

Quang Hưng

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại