Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA cho biết, Cơ quan Phát triển Hàng không Vũ trụ quốc gia (NADA) của nước này đã phóng vệ tinh dã quân sự Malligyong-1, gắn trên tên lửa đẩy kiểu mới Chollima-1, tại Bãi phóng Vệ tinh Sohae của tỉnh Bắc Pyongan lúc 6h27 sáng nay theo đúng kế hoạch đã định.
Tên lửa Triều Tiên. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, tên lửa đẩy Chollima-1 đã rơi xuống vùng biển phía Tây Bán đảo Triều Tiên sau khi bị mất động lực do sự cố khởi động bất thường của động cơ 2 tầng trong lúc đang bay một cách bình thường. Nguyên nhân thất bại ban đầu được xác định là do độ ổn định thấp của hệ thống động cơ mới được áp dụng cho tên lửa đẩy Chollima-1 và đặc tính không ổn định của nhiên liệu được sử dụng. Các chuyên gia và kỹ sư đang tìm hiểu kỹ nguyên nhân dẫn tới vấn đề này, tìm cách thực hiện các biện pháp khoa học và công nghệ khắc phục khẩn cấp, để tiến hành vụ phóng thứ hai sớm nhất có thể.
Ngay khi Triều Tiên tiến hành vụ phóng, còi báo động phòng không và cảnh báo trên điện thoại đã vang lên tại nhiều khu vực của Hàn Quốc và Nhật Bản, kêu gọi người dân trú ẩn. Tuy nhiên, sau đó, các cảnh báo lần lượt được gỡ bỏ và không có bất kỳ báo cáo thiệt hại nào được đưa ra.
Cả Nhật Bản và Hàn Quốc cũng xác nhận các vật thể phóng của Triều Tiên xuống biển Hoàng Hải. Nhật Bản xác định vụ phóng diễn ra vào 6h28 phút và bị rơi lúc 6h35 phút, tức 7 phút sau khi phóng. Trong khi, Hàn Quốc xác nhận, vật thể của Triều Tiên đã “hạ cánh một cách bất thường” ngoài bờ biển phía tây nước này.
Hiện quân đội Hàn Quốc đang tiến hành trục vớt các mảnh vỡ để tiến hành phân tích. Quan chức Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc Lee Kwangsub cho biết: “Vào lúc 8h05 sáng, chúng tôi đã trục vớt được một số bộ phận nghi ngờ từ vụ phóng của Triều Tiên tại vùng biển cách đảo Eocheong khoảng 200 km về phía Tây. Quân đội của chúng tôi hoàn toàn cảnh giác trước bất kỳ hành động khiêu khích nào nữa của Triều Tiên, chẳng hạn như một vụ phóng vệ tinh khác”.
Cả Mỹ - Nhật – Hàn đều đã lên án vụ phóng mới nhất của Triều Tiên. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Matsuno Hirokazu cho biết: “Các vụ phóng tên lửa lặp đi lặp lại của Triều Tiên đe dọa đến sự an toàn và an ninh của đất nước chúng tôi, khu vực và cộng đồng quốc tế. Kiểu phóng tên lửa đạn đạo này vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nhật Bản đã gửi đơn khiếu nại chống lại Triều Tiên thông qua các kênh ngoại giao ở Bắc Kinh, Trung Quốc”.
Hiện Mỹ - Nhật - Hàn đang phối hợp với nhau để có thêm thông tin về vụ việc, đồng thời cảnh giác trước một vụ phóng từ Triều Tiên. Truyền thông Hàn Quốc dẫn lời các chuyên gia cảnh báo, Triều Tiên có khả năng sẽ tiến hành một vụ phóng mới trước ngày 11/6, tức trong khoảng thời gian Triều Tiên cảnh báo trước đó.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng đã lên án vụ phóng vệ tinh quân sự của Triều Tiên, cho rằng bất kỳ vụ phóng nào của nước này sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo đều đi ngược lại với các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an.
Được biết, đây là nỗ lực phóng vệ tinh thứ 6 của Triều Tiên và là lần đầu tiên kể từ năm 2016. Đây cũng là lần phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên của Triều Tiên./.