Cuộc chiến thương mại giữa hai nước Mỹ-Trung tưởng chừng đã sắp đến hồi kết, nhưng tình hình lại bất ngờ chuyển biến xấu hơn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ lên Twitter tuyên bố sẽ tăng thuế đối với 200 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc bắt đầu từ ngày 10/5 tới.
Trung Quốc cũng lập tức đáp trả lại bằng tuyên bố "đang cân nhắc" hủy cuộc đàm phán thương mại được ấn định diễn ra trong tuần này.
Sau đó, phía Bắc Kinh đã lên tiếng phủ nhận chuyện hủy đàm phán, nhưng phía Mỹ lại càng cứng rắn hơn: Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, người tham gia các vòng đàm phán thương mại song phương, đã trực tiếp xác nhận rằng Mỹ vẫn sẽ áp mức thuế 25% đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc kể từ ngày 10/5, dù các cuộc đàm phán vẫn sẽ diễn ra theo kế hoạch.
Ông Trump đang "giận cá chém thớt"?
Một điều đáng lưu ý là tuyên bố trên của ông Trump được đưa ra không lâu sau khi Triều Tiên bất ngờ phóng loạt tên lửa tầm ngắn về phía biển Hoa Đông sau 1 năm rưỡi "im ắng".
Là một trong những nước láng giềng của Triều Tiên, Trung Quốc được đánh giá có vai trò "cực kỳ quan trọng" trong vấn đề phi hạt nhân hóa và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Một số chuyên gia từng nhận định rằng vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có mối liên hệ mật thiết và đều nằm trong toan tính chiến lược của hai cường quốc hàng đầu thế giới.
Ông Trump từng nhiều lần nhắc tới sự "đánh đổi" trong hai vấn đề trên, và từng có động thái cứng rắn đối với Bắc Kinh vì vấn đề liên quan đến Bình Nhưỡng (trừng phạt công ty Trung Quốc buôn bán với Triều Tiên).
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã nhiều lần nhắc nhở Mỹ về tầm quan trọng của họ trong tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên khi các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước lâm vào bế tắc.
Bình luận viên Cary Huang của báo SCMP đã phát hiện ra sự trùng hợp "thú vị" rằng trong năm ngoái, cứ mỗi lần ông Trump ra đòn mạnh tay hơn với Trung Quốc trong vấn đề thương mại, thì phía Bắc Kinh lại mời lãnh đạo Triều Tiên tới thăm, như lời nhắc nhở thâm thúy về tầm ảnh hưởng của mình đối với Triều Tiên.
Ông Harry Kazianis, Giám đốc phụ trách nghiên cứu về tình hình bán đảo Triều Tiên tại Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia (Center for National Interest) của Mỹ, nhận định rằng những chuyển biến xấu đi gần đây trong mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh có thể sẽ khiến công sức của Mỹ trong tiến trình đàm phán về phi hạt nhân hóa với Triều Tiên "đổ sông đổ bể".
"Ông Trump đã đăng tweet về chuyện tăng thuế nhập khẩu [đối với Trung Quốc], ông ấy cần phải cẩn trọng bởi nó có thể khiến ông ấy 'vỡ trận' trong chính sách Triều Tiên", ông Kazianis nói.
Ảnh minh họa
Triều Tiên "lấy Mỹ làm gương"
Hôm Chủ nhật (5/5) vừa qua, truyền thông Triều Tiên đã đăng tải những hình ảnh xác nhận Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trực tiếp thị sát cuộc phóng thử tên lửa tầm ngắn về phía biển Hoa Đông hôm 4/5.
Động thái này được tiến hành chỉ 2 tháng sau khi cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nước Mỹ-Triều kết thúc không thỏa thuận tại Hà Nội. Kể từ đó, tiến trình đàm phán hạt nhân của hai nước đã lại rơi vào thế bế tắc.
Ông Jacob Heilbrunn, biên tập viên của tạp chí the National Interest, đã bình luận trong một bài viết rằng ông Kim Jong-un đang "đối xử" với ông Trump hệt như cách ông Trump "đối xử" với Trung Quốc.
"Trong khi [ông Trump đe dọa Trung Quốc], thì các cuộc đàm phán của Mỹ và Triều Tiên cũng gặp rắc rối. Bình Nhưỡng vừa qua đã phóng một loạt tên lửa về phía biển Hoa Đông.
Đối với ông Kim thì đây là bước đi thận trọng, nhưng thông điệp ở đây rất rõ ràng: Ông ấy đang dùng chính chiêu bài của ông Trump ở Trung Quốc để đấu với ông Trump: Bắt nạt cho đến khi đối phương chịu quy phục."
Trung Quốc có thể dùng Triều Tiên làm "đòn bẩy" chống Mỹ
Chính quyền Tổng thống Trump thường áp dụng chiến lược "gây áp lực tối đa" đối với Bình Nhưỡng, trong đó bao gồm cả những hành động ngoại giao, đe dọa sử dụng chiêu bài quân sự và các đòn giáng thuế quan hà khắc.
Tuy nhiên, theo ông Kazianis, thực tế Mỹ không thể thành công với chính sách này nếu thiếu sự hợp tác của Trung Quốc, bởi Bắc Kinh mới là bên trực tiếp có ảnh hưởng đến Bình Nhưỡng: "90% các mặt hàng xuất khẩu của Triều Tiên được bán sang Trung Quốc".
Điều đó có nghĩa là Trung Quốc hoàn toàn có thể sử dụng mối quan hệ với Triều Tiên để làm "đòn bẩy" trong đàm phán với Mỹ.
Thậm chí, nếu hai bên không thể đạt được thỏa thuận thương mại, thì Bắc Kinh còn có thể biến Bình Nhưỡng "thành vũ khí chống lại Mỹ", ông Kazianis nói. "Trung Quốc có thể chấm dứt việc gây áp lực tối đa [của Mỹ] chỉ trong vài ngày, bằng cách mở cửa biên giới".
Như vậy, cuộc thử nghiệm tên lửa tầm ngắn vào cuối tuần trước của Bình Nhưỡng chính là thông điệp của ông Kim Jong-un gửi tới Mỹ, rằng năng lực quân sự của họ "sẽ tiếp tục phát triển thêm nữa", không phải theo từng tháng, hay từng ngày, mà là "theo từng giờ", ông Kazianis nhận định.
Mối đe dọa về tên lửa đạn đạo Triều Tiên vẫn tiếp tục hiện hữu khi Mỹ duy trì chính sách đe dọa đối với nước này. "Họ [Triều Tiên] không thử nghiệm [tên lửa đạn đạo] ở bên ngoài, không có nghĩa là các nhà khoa học của họ ngừng nghiên cứu và ngừng thử nghiệm trong các phòng thí nghiệm".