Triều Tiên muốn sớm sở hữu các UAV tàng hình lợi hại, có thể với trợ giúp của Iran

Trung Hiếu |

Đảng cầm quyền tại Triều Tiên muốn nước này có được các máy bay không người lái (UAV) quân sự phục vụ mục đích tấn công và trinh sát. Một đối tác quốc phòng thân cận có thể giúp Triều Tiên đạt được mục tiêu này.

Một chiếc UAV của Triều Tiên (đặt trên xe tải) trong một cuộc diễu binh. Ảnh: Defence Talk.

Một chiếc UAV của Triều Tiên (đặt trên xe tải) trong một cuộc diễu binh. Ảnh: Defence Talk.

Triều Tiên đặc biệt coi trọng sự lợi hại của UAV chiến đấu

Trong Đại hội VIII Đảng Lao động Triều Tiên vào tháng 1/2021, đảng này đã hé lộ các kế hoạch hiện đại hóa quốc phòng trong tương lai tập trung vào các phi cơ không người lái (UAV) mới dành cho Quân đội nhân dân Triều Tiên (KPA) bên cạnh các chương trình ưu tiên khác.

Quốc gia Bắc Á này từng trình diễn các UAV tự chế trong các cuộc diễu binh trước đây và là một trong nhiều nước có sự quan tâm cao độ đến các công nghệ này sau khi hiệu quả của chúng đã được kiểm nghiệm trên chiến trường Trung Đông và Trung Á trong năm 2020.

Hàng không là một điểm yếu đáng chú ý của ngành quốc phòng Triều Tiên trong nhiều thập kỷ qua.

Dù các ngành công nghiệp quốc phòng đã cung cấp gần như mọi thứ đáp ứng yêu cầu của quân đội Triều Tiên (từ tên lửa đạn đạo đến hệ thống liên lạc, phòng không tầm xa, và tàu ngầm), các ngành này vẫn chưa chế được bất cứ máy bay chiến đấu cao cấp nào ngoại trừ trong khuôn khổ thỏa thuận sản xuất theo bằng sáng chế sử dụng các thành phần có nguồn gốc từ Nga.

Tuy nhiên, sản xuất UAV thì rẻ hơn và dễ dàng hơn so với sản xuất các tiêm kích cơ và oanh tạc cơ. UAV nhìn chung cũng ít phải bảo dưỡng hơn, và có chi phí vận hành thấp hơn nhiều. Do vậy, trong tương lai gần Triều Tiên có thể dựa nhiều hơn vào các phi cơ không người lái.

Ngoài giá trị làm phương tiện tấn công (như đã được thể hiện trong các cuộc xung đột ở Idlib (Syria) và ở vùng Nagorno-Karabakh (Azerbaijan)), UAV còn tác dụng nhân lên sức mạnh cho pháo mặt đất và tên lửa đạn đạo, thông qua việc cung cấp dữ liệu về vị trí mục tiêu.

Bản chất bất đối xứng của tác chiến UAV có lẽ là nguyên nhân chính hấp dẫn quân đội Triều Tiên. Cụ thể, UAV cho phép chỉ với một khoản đầu tư nhỏ cũng có thể gây hại nghiêm trọng cho các lực lượng quân sự lớn hơn và gây cho đối phương tổn thất lớn về người và trang thiết bị.

Một ví dụ sinh động là việc tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan IS trong các năm 2017-2018 đã sử dụng UAV rất hiệu quả để chống lại lực lượng Syria và Iraq, tấn công các mục tiêu như kho tàng và các cây cầu. Trong bối cảnh nguồn lực IS bị thu hẹp dần, phương pháp UAV này đã giúp chúng giảm đà tiến của quân đội 2 nước Arab nói trên.

Một thí dụ khác là các UAV tấn công nhanh và tương đối rẻ đã gây thiệt hại nặng cho các đơn vị thiết giáp chậm chạp nhưng đắt đỏ của người Armenia . Chiến tranh Nagorno-Karabakh lần 2 đã chứng minh UAV với tư cách là vũ khí tấn công bất đối xứng có thể giảm thiểu các tổn thất về nhân sự và làm nghiêng lợi thế trên chiến trường về phía mình.

Triều Tiên đã từ lâu ưa thích các công cụ tác chiến bất đối xứng, từ các tàu ngầm loại nhỏ và yên tĩnh (có khả năng đe dọa các chiến hạm lớn hơn và trị giá gấp hàng chục lần), cho tới các hệ thống tên lửa chống hạm và phòng không tầm xa.

Trên thực tế việc Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo KN-23 vào năm 2019 được nhiều người xem là phản ứng với việc Hàn Quốc triển khai thêm các máy bay tàng hình F-35. Giới phân tích nhấn mạnh khả năng tiềm tàng của các tên lửa này thực hiện tấn công các máy bay chiến đấu đắt tiền ngay trên đường băng và do vậy đã vô hiệu hóa được chúng theo cách tương đối rẻ tiền.

Đối tác chiến lược của Triều Tiên trong lĩnh vực UAV quân sự

Đã quá rõ các ích lợi cho Triều Tiên nếu họ được sử dụng các UAV như vậy. Nhưng người ta vẫn chưa biết nhiều về cách thức Triều Tiên đạt được các công nghệ UAV và thu hẹp khoảng cách giữa các UAV tương đối thủ công do họ chế tạo với UAV tác chiến tối tân.

Triều Tiên có một đối tác có khả năng giúp Triều Tiên đạt được điều này, đó là Cộng hòa Iran – quốc gia đã được Triều Tiên cung cấp tên lửa đạn đạo từ đầu thập niên 1980. Đa phần các quả tên lửa được Iran sử dụng hiện nay là có gốc Triều Tiên hoăc tích hợp các công nghệ và linh kiện của Triều Tiên.

Việc bán tên lửa khi đó đi kèm với cả chuyển giao tên lửa, xe tăng, pháo, súng bộ binh, phần mềm hạt nhân, và thậm chí cả kiến thức về đào hầm và xây công sự. Các hoạt động buôn bán này vẫn tiếp diễn bất chấp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp các nghị quyết hạn chế buôn bán vũ khí tới và từ cả hai nước này.

Mặc dù Triều Tiên vẫn đi trước Iran về năng lực tổng thể trong ngành công nghiệp quốc phòng, UAV lại là một ngoại lệ, nơi Iran nổi lên với tư cách là nhà sản xuất UAV hàng đầu.

Triều Tiên hướng tới Trung Đông để tìm công nghệ UAV, nhưng điều họ thực sư nhắm tới là các thiết kế của nước ngoài được bán cho mục đích nghiên cứu đảo ngược, hơn là bản thân các máy bay có nguồn gốc từ khu vực này.

Các UAV Iran đã được kiểm nghiệm rộng rãi trong tác chiến ở Syria và Iraq, nơi các phi cơ này đã thực hiện trên 1.000 chiến dịch không kích và thêm vài chiến dịch trinh sát.

Bên cạnh các thiết kế không tàng hình cổ hơn như Shahed 129 (khá giống Predator của Mỹ và Wing Loong II của Trung Quốc) thì các phi cơ không người lái tàng hình cao cấp của Iran có năng lực đáng chú ý nhất.

Iran có khả năng sử dụng các thiết bị tác chiến điện tử để hạ cả UAV trinh sát Lockheed Martin RQ-170 do CIA điều khiển trên vùng trời Iran vào năm 2011 và thu giữ nguyên vẹn. Chiếc phi cơ của CIA này sau đó được Iran sử dụng làm nền tảng cho một loạt UAV tàng hình mà các nguồn tin Iran tuyên bố đã vượt qua cả nguyên bản của Mỹ.

Chiếc RQ-170 có lẽ cho tới nay là chiếc phi cơ quân sự tàng hình nhất trên thế giới, được đưa vào sử dụng sau chiến đấu cơ F-22 Raptor và sử dụng định dạng cánh bay tương tự oanh tạc cơ B-2 Spirit.

Còn hoạt động của các phiên bản Iran phái sinh từ chiếc RQ-170 đã gây ngạc nhiên cho nhiều nhà phân tích nhờ vào độ tinh tế của nó. Điều này dẫn tới đồn đoán rộng khắp là Iran đã nhận hỗ trợ từ nước ngoài để chế tạo ngược từ thiết kế này.

Hai lớp UAV tàng hình Iran trước đó dựa trên mẫu RQ-170 bao gồm nền tảng trinh sát Saegheh và nền tảng tấn công Shahed 171.

Một UAV trinh sát của Iran có khả năng tránh radar, được cho là chiếc Saegheh, đã tiến hành hoạt động trinh sát bên trong không phận Israel vào tháng 2/2018 và chứng tỏ được khả năng sống sót cao, lẩn tránh được nhiều nỗ lực của hệ thống tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất và được Israel sử dụng để bắn hạ UAV Iran.

Cuối cùng chiếc UAV này bị bắn rơi bởi hỏa lực tầm gần, khi khả năng tàng hình của máy bay không còn tác dụng bảo vệ nó nữa.

Cựu giám đốc cơ quan tình báo Israel Mossad, Danny Yatom, phát biểu về vụ việc trên như sau: “Hoạt động của nó rất tinh vi. UAV này gần như là bản sao chính xác của UAV Mỹ rơi trên lãnh thổ của họ. Nếu như UAV này nổ tung thì có lẽ đã không thể xác định được đây là một UAV do Iran sản xuất”.

Iran sau đó đưa vào sử dụng các loại UAV tàng hình hiện đại hơn, bao gồm chiếc Shahed 181 và Shahed 191 – cả hai đều có khả năng sử dụng vũ khí dẫn đường chính xác ngoài việc tiến hành hoạt động tầm xa.

Ngoài Mỹ và Trung Quốc, chưa có nước nào khác được biết là đã tự phát triển được các UAV có năng lực tương tự, trừ Iran là nước duy nhất được biết là đã thử nghiệm máy bay không người lái tàng hình cánh bay trong thực chiến cường kích.

Ảnh hưởng từ năng lực UAV mới của Triều Tiên

Nếu Triều Tiên sở hữu được UAV với khả năng tàng hình tương tự như UAV ở Iran (nhiều khả năng là thông qua chuyển giao công nghệ hơn là mua hàng có sẵn) thì điều này có tiềm năng là nhân tố thay đổi cuộc chơi lớn đối với quân đội Triều Tiên, bổ sung cho các vũ khí đã có của họ như tên lửa đạn đạo mới và hệ thống pháo phản lực cũ với khả năng thách thức nghiêm trọng lực lượng Mỹ và Hàn Quốc trên chiến trường.

UAV với tầm bay sánh được với những chiếc UAV của Iran cũng sẽ giúp quân đội Triều Tiên đe dọa các mục tiêu Mỹ trên nhiều lãnh thổ của Nhật Bản. Đội UAV mới này sẽ có khả năng đóng vai trò đáng kể hơn so với đội phi cơ truyền thông đã cũ kỹ của Triều Tiên trong xung đột tương lai. Tính năng lẩn tránh radar sẽ giúp các UAV này tác chiến tiến công chủ động bất chấp ưu thế trên không của đối phương.

Có lẽ Triều Tiên sẽ quan tâm đến không chỉ UAV tấn công của Iran như là chiếc Shahed 191 mà còn cả UAV trinh sát, loại phương tiện cung cấp dữ liệu mục tiêu để tăng độ chính xác cho hệ thống pháo mặt đất và pháo phản lực bắn loạt của Triều Tiên.

Triều Tiên có thể đủ tài chính để sử dụng UAV này với số lượng lớn nhờ vào các chuyển giao công nghệ của họ cho Iran. Về phần mình, Iran cũng được cho là sẵn lòng xuất khẩu các vũ khí khí tài cao cấp, bao gồm cả UAV. Iran cũng là một trong số ít nước sẵn sàng buôn bán vũ khí với Triều Tiên bất chấp các lệnh cấm của Liên Hợp Quốc. Hợp tác quốc phòng giữa Iran và Triều Tiên là rất gần gũi trong suốt 4 thập kỷ qua./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại