Về vụ thử hạt nhân thứ 6 của Bình Nhưỡng diễn ra hôm 3/9, ông Koizumi cho rằng sức công phá từ vụ nổ tương đương với một quả bom nhiệt hạch.
Ông giải thích: "Ban đầu, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo sức công phá của vụ nổ vào khoảng 70 kiloton, trong khi Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đưa ra con số 60 kiloton, nên tôi đã nghĩ chưa đủ mạnh (cho một quả bom nhiệt hạch). Tuy nhiên, sức công phá của vụ nổ ước tính lên tới 160 kiloton nên có khả năng đây là một quả bom nhiệt hạch".
Đồng thời, chuyên gia người Nhật cũng cho rằng "đây không phải một đầu đạn" hạt nhân, vì để phát triển một đầu đạn cần phải thử một quả bom nhiệt hạch lớn.
Theo ông Koizumi, câu hỏi đặt ra là "liệu Triều Tiên có khả năng sản xuất một đầu đạn hạt nhân hay không, dựa vào thông tin thu được từ vụ thử lần thứ 6 này". Tuy nhiên, ông khẳng định rằng việc chỉ sử dụng thông tin từ một vụ thử khó có thể phát triển được đầu đạn nhiệt hạch.
Cũng theo chuyên gia Koizumi, khó biết được địa điểm Triều Tiên tiến hành vụ thử, song cần xem xét cách thức nước nay đưa một quả bom hạt nhân tới Thái Bình Dương.
Theo ông, "nếu được gắn trên tên lửa thì quả bom hạt nhân sẽ bay giữa Hokkaido và tỉnh Aomori về hướng khu vực phía Bắc Thái Bình Dương, như các vụ phóng tên lửa trước đó của Bình Nhưỡng". Tuy vậy, ông nhấn mạnh rằng "bom nhiệt hạch của Triều Tiên không đủ nhỏ để gắn trên tên lửa" nên Bình Nhưỡng có thể đưa bom tới ví trị thử bằng tàu biển.