Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun ngày 20/12 rời Bắc Kinh sau cuộc gặp với các quan chức Trung Quốc. Trước đó, hồi đầu tuần, ông Biegun cũng đã có các chặng dừng chân tại Seoul và Tokyo để thảo luận với các đối tác. Không rõ liệu ông Biegun có bất kỳ mối liên hệ hậu trường nào với các quan chức Triều Tiên hay không nhưng lời kêu gọi của ông về các cuộc đàm phán mới đã không được Bình Nhưỡng trả lời công khai.
Chuyến đi của ông Biegun được thực hiện sau khi Nga và Trung Quốc hôm 16/12 trình dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đề nghị chấm dứt một số biện pháp trừng phạt Triều Tiên “nhằm cải thiện sinh kế của người dân nước này” và như một cách để bắt đầu các cuộc đàm phán.
Tuần tới, lãnh đạo Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ có cuộc gặp 3 bên tại Trung Quốc và vấn đề Triều Tiên chính là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự.
Bà Jenny Town, quản lý biên tập trang web 38 NORTH của Trung tâm Stimson nói: “Sự im lặng (của Triều Tiên-ND) ngay cả sau tuyên bố của ông Biegun khiến tôi thực sự lo lắng”.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã gia hạn cho Mỹ đến cuối năm nay phải đề xuất những nhượng bộ mới trong các cuộc đàm phán về kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và giảm căng thẳng tồn tại lâu nay giữa hai nước. Bình Nhưỡng cũng nói rằng Washington có thể tự quyết định nhận “món quà Giáng Sinh” nào nhưng không nêu rõ Chủ tịch Kim có thể lựa chọn hành động ra sao nếu thời hạn chót bị bỏ qua.
Giới quan sát đa phần đều có nhận định chung cho rằng năm 2020 có thể chứng kiến sự gia tăng căng thẳng trở lại trên Bán đảo Triều Tiên với việc Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử tên lửa hoặc vũ khí lớn. Lo ngại này đã kích hoạt cuộc tranh luận lớn giữa các chính trị gia, giới ngoại giao và các nhà phân tích về cách thức cứu vãn tình thế sau các cuộc gặp Thượng đỉnh chưa từng có của một Tổng thống Mỹ với lãnh đạo Triều Tiên trong 2 năm qua. Khi thời hạn dường như đã không còn đủ cho những nỗ lực của các bên, nhiều người bi quan cho rằng năm 2019 là năm thất bại trong việc đi tìm bước đột phá cho bài toán hạt nhân Triều Tiên.
Hôm 18/12, 4 nghị sĩ hàng đầu của đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ đã viết một bức thư gửi cho Tổng thống Trump nói rằng, những nỗ lực của Mỹ nhằm thiết lập hòa bình trên bán đảo và phi hạt nhân hóa Triều Tiên dường như bị đình trệ và đang đứng bên bờ vực thất bại.
“Chúng tôi muốn nhắc lại rằng chúng tôi hy vọng ông [Donald Trump-ND] sẽ thực hiện một kế hoạch ngoại giao nghiêm túc trước khi quá muộn”, bức thư viết.
Kế hoạch tốt nhất
Bức thư của các Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ kêu gọi chính quyền cần tìm kiếm một thỏa thuận tạm thời để đóng băng và đẩy lùi một số phần trong chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, đi kèm với đó là việc giảm áp lực từ các lệnh trừng phạt.
“Mặc dù một thỏa thuận như vậy tất nhiên chỉ là bước đầu tiên trong một quá trình dài hơn nhưng dù sao nó cũng là một nỗ lực quan trọng để tạo ra một quy trình ngoại giao thực sự bền vững và cần thiết”, bức thư có đoạn viết.
Dự thảo nghị quyết chung của Nga và Trung Quốc đưa ra hôm 16/12 cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt đối với hàng xuất khẩu và lao động Triều Tiên làm việc ở nước ngoài. Theo các quan chức Trung Quốc, đây là kế hoạch tốt nhất trong tình hình hiện nay để có thể giải quyết thế bế tắc. Mỹ cho biết họ phản đối việc giảm nhẹ trừng phạt vào lúc này nhưng cũng sẵn sàng linh hoạt trong các cuộc thảo luận.
Trong khi đó, các nhà phân tích tại Tổ chức nghiên cứu Foundation for Defense of Democracies (FDD) – nhóm các chuyên gia cố vấn thường ủng hộ đường lối cứng rắn chống lại các nước như Triều Tiên và Iran đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Trump chuyển sang thực hiện chiến dịch áp lực tối đa 2.0.
Trong một báo cáo được FDD công bố hồi tháng 12, tổ chức này cho rằng chính quyền Trump nên tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm thẳng mục tiêu vào Triều Tiên, đi kèm với một chiến dịch thông tin và cả các cuộc tấn công mạng.
Hành động quân sự
Trên thực tế, nhưng tuần gần đây dư luận đã chứng kiến việc Mỹ và Triều Tiên bóng gió về việc sử dụng các biện pháp quân sự nếu con đường ngoại giao không dẫn tới đâu.
Hồi đầu tháng 12 vừa qua, Tổng thống Trump đã chọc giận các quan chức Triều Tiên bằng tuyên bố cho rằng Mỹ có thể sử dụng lực lượng quân sự nếu buộc phải làm vậy. Phía Triều Tiên ngay lập tức đáp trả bằng cảnh báo sẽ có hành động tương ứng, kịp thời ở bất kỳ cấp độ nào.
Trong năm 2019, Triều Tiên đã phóng vài chục quả tên lửa tầm ngắn và Chỉ huy Lực lượng Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương trong tuần này bày tỏ lo ngại tên lửa tầm xa có thể là “quà tặng Giáng sinh” mà Triều Tiên dành cho Mỹ.
Nói chuyện với các phóng viên ở Washington hôm 17/12, Chỉ huy của Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ, tướng Charles Brown cho biết, Mỹ có thể nhanh chóng đưa ra phản ứng và sẵn sàng sử dụng các lựa chọn mà Washington đã phát triển trong thời kỳ hai bên căng thẳng hồi năm 2017.
“Nếu những nỗ lực ngoại giao sụp đổ, chúng tôi đã sẵn sàng… chúng tôi đã có những dự liệu”, tướng Brown lưu ý./.