Triều Tiên đập bỏ 5 tòa nhà ở bãi thử hạt nhân Punggye-ri

Thiên Ân |

Hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều tòa nhà ở cổng phía bắc và phía nam bãi thử Punggye-ri đã bị đập bỏ trong 2 tuần qua.

Hình ảnh vệ tinh thương mại từ công ty Planet Labs (Mỹ) vừa công bố cho thấy Triều Tiên đã đập bỏ 5 tòa nhà quanh bãi thử hạt nhân Punggye-ri dưới núi Mantap ở phía bắc nước này.

“Trong 2 tuần qua, khoảng 5-6 tòa nhà đã được hạ xuống. Rõ ràng có điều gì đang xảy ra ở đó”- nhà nghiên cứu Jeffrey Lewis, Giám đốc chương trình Đông Á tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến hạt nhân (Mỹ) dẫn hình ảnh vệ tinh của Planet Labs.

Ông Lewis nhận định đây là diễn biến đáng hoan nghênh, rằng Triều Tiên đang dần thực hiện các bước đóng cửa bãi thử này như đã hứa tháng trước.

Triều Tiên tháng trước tuyên bố sẽ đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri, nơi đã thực hiện tất cả 6 vụ thử hạt nhân trước nay của nước này. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nói sẽ mời chuyên gia an ninh hạt nhân và nhà báo phương Tây đến quan sát quá trình đóng cửa.

Bãi thử Punggye-ri có ba cổng vào, ở phía bắc, phía tây và phía nam. Xung quanh các cổng vào này có nhiều tòa nhà lớn nhỏ được thiết kế cho công việc hành chính và trung tâm điều khiển.

Triều Tiên đập bỏ 5 tòa nhà ở bãi thử hạt nhân Punggye-ri - Ảnh 1.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy từ 19-4 đến 7-5 Triều Tiên đã có dấu hiệu đập bỏ nhiều tòa nhà ở bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Ảnh: WP

Trang web 38 North chuyên theo dõi thông tin về Triều Tiên ghi nhận vẫn diễn ra hoạt động ở cổng vào phía tây vào thời điểm 20-4, một tuần trước cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều.

Chuyên gia Lewis dẫn hình ảnh vệ tinh của Planet Labs cho biết hiện các tòa nhà lớn vẫn còn nhưng nhiều tòa nhà nhỏ ở cổng phía bắc và phía nam đã bị đập bỏ. Theo ông Lewis thì đây có thể là bước chuẩn bị để mời các nhà báo và chuyên gia đến quan sát quá trình đóng cửa bãi thử. Tuy nhiên ông cũng cho rằng không thể dựa vào động thái này để đánh giá ý định thật sự của Triều Tiên, vì việc phá bỏ các tòa nhà và phong tỏa các cổng vào hoàn toàn có thể đảo ngược được về sau.

“Đóng cửa điểm thử là điều đơn giản. Đó chỉ là các đường hầm và họ có thể phong tỏa cổng vào, nhưng họ cũng có thể mở lại” – theo ông Lewis, rằng các đường hầm sẽ luôn ở đó trừ khi Triều Tiên phá hủy bãi thử này.

Trong khi đó nhiều nhà phân tích đặt câu hỏi về sự chân thành của Triều Tiên trong tuyên bố sẽ đóng cửa bãi thử Punggye-ri tiến đến giải trừ hạt nhân.

Cả 6 vụ thử hạt nhân đều được thực hiện ở đường hầm cổng vào phía bắc. Vụ thử thứ 6 diễn ra tháng 9-2017 quy mô lớn gấp cả 10 lần vụ thử thứ 5, và theo nhiều chuyên gia thì núi Mantap đã bị rúng động và không còn khai thác cho mục đích thử hạt nhân nữa. Tuy nhiên cũng có ý kiến chuyên gia rằng nếu giả thuyết này đúng, dù đường hầm dẫn đến cổng phía bắc không còn sử dụng được thì bãi thử Punggye-ri vẫn còn khai thác được hai cổng phía nam và phía tây.

Một nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học Trung Quốc tháng trước cho rằng bãi thử bị hư hại sau vụ thử hạt nhân quy mô lớn tháng 9-2017, một phần đáng kể núi Mantap đã bị đổ sập sau vụ nổ này. Vệ tinh còn ghi được hình ảnh có thay đổi, dịch chuyển ở núi Mantap sau vụ thử này.

Triều Tiên đập bỏ 5 tòa nhà ở bãi thử hạt nhân Punggye-ri - Ảnh 3.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng nói sẽ mời chuyên gia và nhà báo phương Tây đến quan sát quá trình đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Ảnh: AP

Các nhà khoa học Trạm Quan sát Trái đất Singapore tại đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) ngày 10-5 công bố nghiên cứu rằng thông qua hình ảnh radar vệ tinh và dữ liệu địa chấn họ có chứng cứ cho thấy núi Mantap hư hại nặng hơn nhiều các nghiên cứu trước đã kết luận.

Theo nhà khoa học Sylvain Barbot tại Trạm Quan sát Trái đất Singapore, tần số rung lắc quá mạnh và các hệ thống đo lường radar truyền thống không thể đo lường chính xác và nhóm nghiên cứu phải dùng đến các kỹ thuật khác để đo lường. Kết quả, vụ nổ được thực hiện ở độ sâu 450m dưới đỉnh núi Mantap. Cùng với dữ liệu địa chấn, các nhà nghiên cứu ước tính quả bom hạt nhân này nặng từ 120-304 kilotons, lớn hơn nhiều ước tính trước đó của các quan chức Mỹ và Hàn Quốc. Theo ông Barbot, “một phần rất lớn” của bãi thử Punggye-ri đã sập, chứ không chỉ “một hay hai đường hầm”.

Dù có ý kiến bi quan nhưng bên cạnh cũng có nhiều nhà phân tích lạc quan về tiến trình ngoại giao sẽ dẫn tới giải trừ hạt nhân thật sự, qua các bước đi tích cực gần đây của Triều Tiên, đặc biệt việc thả 3 công dân Mỹ mới đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại