Đối với nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, việc các trung tâm mua sắm thương mại, chuỗi cửa hàng quy mô lớn sử dụng phương thức thanh toán qua điện thoại di động đã trở nên quá quen thuộc. Ngay cả các nhà hàng, cửa hàng bán sách, tiệm cà phê và cả những phố cổ buôn bán tấp nập, hình thức thanh toán trực tuyến cũng đang được áp dụng rộng rãi.
Nhưng đối với Triều Tiên, một quốc gia bị vây quanh bởi các lệnh cấm vận của cộng đồng quốc tế thì việc áp dụng hình thức thanh toán qua điện thoại dường như là điều kỳ lạ.
Song theo Daily NK, không ít người dân Triều Tiên đang sử dụng hình thức giao dịch qua số tiền được lưu trữ trong điện thoại di động để mua bán hàng hóa.
Một nguồn tin giấu tên ở tỉnh Nam Pyongan cho hay, những khách hàng Triều Tiên sử dụng mạng không dây của nhà cung cấp viễn thông Koryolink có thể được hưởng 200 phút gọi mỗi tháng mà chỉ phải trả 2.850 won Triều Tiên cho mỗi quý.
Tại Triều Tiên, để chuyển tiền cho người khác, người dùng điện thoại di động chỉ cần gõ 3 số đầu tiên là con số cá nhân đã được mã hóa và số điện thoại của người nhận. Sau đó người dùng có thể chuyển tiền thông qua tin nhắn SMS.
Nhiều người Triều Tiên sử dụng phương thức thanh toán này để chuyển tiền cho những người thân hoặc đối tác sinh sống ở những vùng xa xôi hẻo lánh. Song có những khu vực như tỉnh Bắc Hamgyong, người dân địa phương lại sử dụng hình thức thanh toán qua điện thoại để mua bán hàng hóa ngay trên các chợ cóc hay còn gọi là Jangmadang.
Cũng theo Daily NK, chỉ một vài tỉnh ở Triều Tiên áp dụng hình thức thanh toán kiểu mới nên không rõ phương thức này đã được áp dụng trên cả nước hay chưa. Nhưng chắc chắn một điều đây là xu hướng ngày càng được sử dụng rộng rãi.
Tại một buổi hội thảo được Viện Tài chính Hàn Quốc tổ chức hồi tháng 12/2018, Phó Chủ tịch Viện Kinh tế IBK ông Cho Bong-hyun nhận định, Triều Tiên có thể áp dụng mô hình thanh toán M-Pesa của Kenya để thay đổi phương thức giao dịch.
Cụ thể, một ngân hàng ở Kenya đã cho áp dụng hình thức thanh toán qua thẻ SIM mang tên M-Pesa vào năm 2007. M-Pesa nhanh chóng được ứng dụng ở quốc gia vốn người dân không biết tới khái niệm ngân hàng đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua bán cũng như chuyển tiền.
Quan trọng hơn, khi người dân Kenya không còn sử dụng tiền mặt, vấn nạn trộm cắp, gian lận cũng giảm dần. Ngoài ra, người dân không còn phải chứng kiến cảnh xếp hàng dài để đi rút tiền hay thực hiện nhiều giao dịch khác ở ngân hàng. Từ đó, chất lượng cuộc sống của người dân Kenya không ngừng được cải thiện.
“Số lượng người dùng điện thoại di động ở Triều Tiên đã đạt khoảng 6 triệu người. Điện thoại thông minh xuất hiện ở Triều Tiên vào năm 2013 và đến nay có khoảng 20 sản phẩm điện thoại thông minh được Triều Tiên tự sản xuất”, ông Cho nói.
Cũng theo ông Cho, để áp dụng hình thức thanh toán qua điện thoại một cách rộng rãi, Triều Tiên cần nâng cấp cơ sở hạ tầng như đặt hàng loạt ATM ở sân bay, nhà ga, cửa hàng, tòa nhà để người dân dễ dàng tiếp cận hình thức thanh toán mới.
Theo ước tính, ban đầu Triều Tiên sẽ cần lắp đặt khoảng 20.000 ATM. Ngoài ra, việc xây dựng mạng lưới liên kết giữa các ngân hàng Triều Tiên cũng vô cùng quan trọng để hoạt động giao dịch dễ dàng hơn.