Triều Tiên đã xuất sắc ở Olympics, nhưng còn thiếu gì để đưa ông Moon tới Bình Nhưỡng?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Thế vận hội Mùa Đông năm nay đã tạo thời cơ và điều kiện thuận lợi để Triều Tiên và Hàn Quốc có được hoà dịu và xích lại gần nhau một cách ngoạn mục.

Nhưng Thế vận hội này rồi cũng sẽ qua đi và câu hỏi không thể không đặt ra là bán đảo Triều Tiên sau đấy thì sẽ như thế nào?

Kết quả nổi bật nhất và cũng quan trọng nhất của chiến dịch "Ngoại giao Thế vận hội" mà Hàn-Triều vừa thực thi là những cuộc tiếp xúc giữa phái bộ cấp cao Triều Tiên với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chuyển lời mời ông Moon sang thăm chính thức Triều Tiên.

Vậy là cuộc thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3, sau hai lần vào các năm 2000 và 2007, sẽ cho thấy thành công của chiến dịch ngoại giao kia có thực chất hay không.

Hai lần thượng đỉnh trước đều là sự kiện "kinh thiên động địa" trên bán đảo. Kỳ vọng rất lớn nên thất vọng cũng rất nhiều, khi sau các hội nghị cấp cao, căng thẳng và đối địch không thuyên giảm trên bán đảo.

Chính sách Ánh dương là một chính sách ngoại giao mà Hàn Quốc áp dụng với Triều Tiên từ năm 1998 cho đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2008.

Hồi năm 2007, ông Moon Jae In đã trực tiếp tham gia cuộc thượng đỉnh liên Triều trong tư cách cố vấn cho tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun, nên chắc chắn ông ý thức được rằng cuộc thượng đỉnh sắp tới không chỉ đơn thuần là một cuộc thượng đỉnh nữa và phải khác hai lần trước, tức là phải có kết quả và kết quả phải cụ thể, thực chất và có tác động lâu bền. Chính sách Ánh dương của tổng thống Kim Dae Jung giữ được cái danh, nhưng giờ đây phải thực chất hơn.

Triều Tiên đã xuất sắc ở Olympics, nhưng còn thiếu gì để đưa ông Moon tới Bình Nhưỡng? - Ảnh 2.

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tươi cười khi xem một trận thi đấu trong khuôn khổ Olympics PyeongChang (Ảnh: AP)

Hai điều kiện để tiến tới hội nghị thượng đỉnh Hàn-Triều

Trên thực tế, ông Moon chưa chính thức nhận lời mời tới Triều Tiên mà mới chỉ đáp lại rằng "Hai bên cần phải tạo dựng những điều kiện cần thiết để cuộc thượng đỉnh được tổ chức". Tức là nhận lời mời có điều kiện.

Tổng thống Hàn Quốc phải thận trọng để hội nghị thượng đỉnh tới không phải là một cái bẫy về chính trị của Triều Tiên, trong khi Mỹ và Nhật Bản tuy không thể công khai phản đối và chống phá nhưng trong thâm tâm rất nghi ngại và chẳng thích thú gì.

Đối với Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản, mấu chốt của vấn đề Triều Tiên là chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Bởi thế, ông Moon sẽ chỉ đi Bình Nhưỡng và thượng đỉnh liên Triều thứ 3 sẽ chỉ diễn ra nếu phía Triều Tiên tỏ thái độ thuận đối với hai nội dung, và cũng có thể coi là điều kiện.

Thứ nhất, Triều Tiên không tiếp tục thử hạt nhân và phóng tên lửa, hoặc chịu chấp nhận vấn đề hạt nhân và tên lửa được đưa vào nội dung trao đổi trong chương trình nghị sự của cuộc thượng đỉnh. Thứ hai, Triều Tiên chấp nhận tiếp xúc và đối thoại cả với Mỹ nữa.

Tổng thống Hàn Quốc tiếp phái đoàn Triều Tiên

Hàn-Triều ấm lên, Mỹ thay đổi chính sách

Cái khó đối với ông Moon Jae In là vừa cần duy trì hòa dịu và cải thiện quan hệ với Triều Tiên, vừa phải củng cố mối quan hệ đồng minh quân sự chiến lược với Mỹ. Bởi thế, không có gì là khó hiểu khi ông vừa thúc đẩy cải thiện quan hệ liên Triều vừa khích lệ và thuyết phục Mỹ và Triều Tiên đối thoại trực tiếp với nhau.

Theo lời phó tổng thống Mỹ Mike Pence thì Mỹ hiện đã sẵn sàng đối thoại vô điều kiện với Triều Tiên. Sự thay đổi quan điểm chính sách này của Mỹ có nguyên nhân ở tác động của ông Moon, nhưng chủ yếu bởi lo ngại tiến trình cải thiện liên Triều tiến triển nhanh và ngày càng thêm trái ngược với mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên.

Triều Tiên đã xuất sắc ở Olympics, nhưng còn thiếu gì để đưa ông Moon tới Bình Nhưỡng? - Ảnh 4.

Mỹ lo ngại sẽ bị chậm chân và mất thế chủ động dẫn dắt, chi phối cũng như suy giảm vai trò quyết định. Triều Tiên chắc chắn sẽ có những động tác để tạo bầu không khí thuận lợi cho cuộc thượng đỉnh với Hàn Quốc, trong đó nhiều khả năng bao gồm tỏ ý sẵn sàng đối thoại với Mỹ.

Vì các lý do trên, thượng đỉnh liên Triều thứ 3 không dễ dàng diễn ra như hai lần trước, nhưng nó sẽ diễn ra bởi hiện tại cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều hướng về cái đích ấy.

Một khi được tiến hành, nó sẽ đưa lại kết quả với khả năng tác động làm thay đổi cơ bản cục diện tình hình trên bán đảo và mối quan hệ giữa các bên liên quan. Nó là cuộc thượng đỉnh liên Triều, nhưng có Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản hiện hữu ở đó. Đấy cũng là một điều khác với hai lần thượng đỉnh trước.

*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại