Xe tăng Triều Tiên trong một cuộc diễu binh của nước này. Ảnh: Military Watch Magazine.
Cộng đồng quốc tế thường chú ý nhiều đến kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo ngày càng lớn của Triều Tiên nhưng lại ít để ý tới bộ phận vũ khí thông thường của nước này. Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) vẫn là một trong các quân đội thường trực lớn nhất trên thế giới, với quân số khoảng 1,3 triệu người, gấp hơn hai lần quân số của Hàn Quốc.
Bất chấp lợi thế về số lượng, quân đội Triều Tiên vẫn đối mặt với sự yếu kém không nhỏ về chất lượng so với quân đội của cả Hàn Quốc lẫn Mỹ. Tình trạng này thể hiện rõ nhất trong kho xe tăng thiết giáp của Triều Tiên.
Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, hiện nay Triều Tiên vận hành khoảng 4.300 xe tăng chiến đấu chủ lực, trong khi phía Hàn Quốc chỉ có 2.300 xe tăng chiến đấu chủ lực.
Tuy nhiên, lực lượng tăng thiết giáp của Triều Tiên gồm chủ yếu các xe tăng cũ kỹ từ thời Liên Xô, bao gồm xe T-34, T-54, T-55, T-62 và xe kiểu 59 của Trung Quốc.
Một số xe có từ thời sau Chiến tranh Triều Tiên và có khả năng sở hữu năng lực tác chiến giới hạn vào thời điểm hiện tại.
Ngay cả các xe tăng do Triều Tiên tự sản xuất cũng có vẻ dựa trên các mẫu thiết kế cũ của Liên Xô hoặc Trung Quốc. Thí dụ, mẫu xe Chonma-ho của Triều Tiên, được đưa vào sản xuất lần đầu vào thập niên 1980, về cơ bản là bản T-62 của Liên Xô thập niên 1960.
Xe Chonma-ho đã được nâng cấp vài lần kể từ khi ra mắt lần đầu. Các mẫu đời sau của xe này được trang bị các loại pháo lớn hơn và giáp phòng thủ thụ động kiểu nổ.
Còn Pokpung-ho – loại xe tăng mới được bổ sung gần đây vào lực lượng vũ trang Triều Tiên và lần đầu lộ diện vào các năm 2009-2010, có vẻ là một nỗ lực của Triều Tiên sản xuất ra xe tăng T-72 của Liên Xô vào thập niên 1970 nhưng sử dụng công nghệ của xe tăng T-62.
Việc Triều Tiên thiếu một lực lượng thiết giáp hiện đại phản ánh cách tiếp cận có từ lâu của nước này đối với hiện đại hóa quân sự.
Kể từ thập niên 1960, Triều Tiên đã ưu tiên phát triển và hiện đại hóa các năng lực mà họ tin là mang lại cho họ lợi ích chiến lược lớn nhất với chi phí thấp nhất, phù hợp với các hạn chế về tài chính và nguồn lực của nước này.
Triều Tiên đã theo đuổi phát triển các năng lực quân sự bất đối xứng bao gồm tên lửa đạn đạo, các công cụ tác chiến không gian mạng điện tử, và một lực lượng đặc nhiệm lớn.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đánh giá rằng Triều Tiên nhấn mạnh phát triển các mảng mà họ thấy sẽ mang lại cho họ lợi thế so sánh trước các đối thủ của mình.
Mặc dù vậy, Triều Tiên vẫn tiếp tục đầu tư các nguồn lực vào lực lượng vũ trang truyền thống của mình. Trong cuộc diễu binh vào tháng 10/2020 kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền, nước này đã cho ra mắt một mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực mới.
Xe tăng mới này chỉ giống đôi chút các loại xe tăng khác do Triều Tiên tự chế tạo và có nhiều điểm chung hơn với các mẫu xe Nga và Trung Quốc mới đây.
Trong trường hợp nổ ra xung đột lớn một lần nữa trên Bán đảo Triều Tiên, có khả năng Triều Tiên sẽ tìm ra giải pháp để chấm dứt xung đột trước khi Mỹ và Hàn Quốc có thể ra tay huy động sức mạnh quân sự khổng lồ của họ.
Cụ thể, trong tình huống này, Triều Tiên được dự báo sẽ cố gắng gây ra tổn thất đáng kể về vật chất cho lực lượng liên quân Mỹ-Hàn và lãnh thổ Hàn Quốc. Trong kịch bản này, lực lượng thiết giáp Triều Tiên sẽ đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu của xung đột.