*Bài viết dựa trên chia sẻ của Steve Adcock và CNBC.
“Tôi sẽ nhớ ngày 23/12/2016 trong suốt phần đời còn lại của mình. Đó là ngày cuối cùng tôi làm việc toàn thời gian. Tôi và vợ đã nghỉ hưu sớm ở tuổi 33 và 35 sau khi tích lũy được 870.000 USD (hơn 20 tỷ đồng) khi làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Sau đó, giá trị tài sản ròng của chúng tôi đã tăng lên 1 triệu USD”, Steve Adcock chia sẻ.
Nói chuyện với CNBC, Steve cho biết mình không sinh ra trong gia đình giàu có, hai vợ chồng cũng không được thừa kế gia sản lớn từ cha mẹ. “Thậm chí, chúng tôi cũng không có công việc tay trái nào vào thời điểm đó mà lựa chọn phương thức tiết kiệm truyền thống. Đặc biệt, chăm chỉ và có nhiều chiến lược quản lý tài chính là chìa khóa”, anh nói.
Steve Adcock
Dưới đây là 9 điều đơn giản trong kế hoạch tích lũy tài sản giúp Steve nghỉ hưu sớm. Lộ trình này từng được nhiều người đánh giá là có những bí quyết “đi ngược” đám đông.
1. “Phớt lờ” lời khuyên “hãy theo đuổi đam mê của bạn”
Hai vợ chồng Steve chia sẻ niềm đam mê của họ khó có thể kiếm được tiền nhưng điểm mạnh thì có. Thế mạnh của Steve là khoa học máy tính. Năm 2004, anh bắt đầu công việc kỹ sư phần mềm với mức lương 55.000 USD (hơn 1,3 tỷ đồng). Đến năm 2016, anh đã kiếm được tới 100.000 USD (hơn 2,3 tỷ đồng).
“Tôi không chắc mình có thể kiếm được nhiều như vậy nếu chọn theo đuổi đam mê hay không”, anh nói. Mặc dù có thể biến sở thích thành công việc kiếm được tiền nhưng nó không phải điều dễ dàng.
2. Học hỏi các triệu phú
Trong suốt sự nghiệp của mình, Steve đã làm việc với rất nhiều người thành công và giàu có. Thay vì ghen tị với họ, anh đã học hỏi và làm theo.
“Tôi sẽ không bao giờ quên Brian, người mà tôi đã làm việc cùng sau khi tốt nghiệp đại học. Anh ấy lớn hơn tôi vài tuổi và lái chiếc xe Honda Accord đã 6 năm. Mặc dù là một triệu phú nhưng Brian vẫn dùng chiếc đồng hồ Casio giá rẻ và không mặc đồ hiệu. Brian cũng luôn là người đầu tiên lên văn phòng, không bị cuốn vào những cuộc tán gẫu và sẵn sàng làm nhiều hơn trách nhiệm của mình”, Steve nói.
3. Tránh xa những người không có ý chí hay ghét bạn
Nếu chỉ chơi với những người thích tiêu tiền, không chăm chỉ làm việc, sẽ có lúc bạn trở thành người như họ. Steve nói bản thân đã bỏ qua các cuộc đi chơi quá tốn kém như đi bar.
Anh nói rằng mình đã nâng cấp cuộc sống bằng cách làm quen và nói chuyện với những người thành công hơn trong văn phòng. Thói quen tốt của họ dần dần ảnh hưởng tích cực đến anh và ngược lại. “Chúng tôi giúp đỡ lẫn nhau”. Sự phát triển này đã giúp anh thăng chức và thu nhập tăng theo thời gian.
Ngoài ra, trong cuộc sống, có rất nhiều người không hài lòng với phong cách của bạn. Đừng bận tâm và hãy theo đuổi hành trình của riêng mình. Bạn cũng không cần thiết phải sống theo đám đông. Hàng xóm của bạn mua một chiếc ô tô hoặc một ngôi nhà mới không có nghĩa bạn cần phải làm như vậy.
4. Khai thác triệt để công việc toàn thời gian
Steve đã đầu tư vào quỹ hưu trí 401(k) và nhận được mức lãi suất 4%.
Ngoài ra, một số công ty cũng cung cấp Tài khoản tiết kiệm cho sức khỏe (HSA) để giúp nhân viên tiết kiệm tiền thuế cho các chi phí chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, sau khi người tham gia bước qua tuổi 65, số tiền không sử dụng có thể được rút ra cho bất kỳ mục đích nào.
Công việc toàn thời gian cũng có thể mang lại các cơ hội giáo dục và đào tạo để giúp nâng cao kỹ năng như lập trình máy tính, kế toán, quản lý thời gian… Những kỹ năng này có thể là “cầu nối” giúp bạn được thăng chức hay tăng lương.
5. Nhảy việc “không phải chuyện xấu”
Nhận một công việc mới thường là cách dễ nhất để được tăng lương. Bởi bạn có thể “deal lương một cách tự nhiên” trong quá trình phỏng vấn.
“Tôi đã được tăng lương 15-20% mỗi khi chuyển công ty. Con số này vượt xa mức tăng thông thường là 3% mà nhiều nhà tuyển dụng dùng để giữ chân nhân viên ở lại”, Steve chia sẻ.
Tuy nhiên, anh cũng nhấn mạnh rằng mọi người không nên nhảy việc quá thường xuyên bởi sẽ tạo ấn tượng xấu cho các nhà tuyển dụng. Hãy cố gắng làm một công việc ít nhất trong 1 năm.
6. Tự động hoá mọi thứ
Steve ưu tiên sử dụng các tài khoản khấu trừ tiền tự động cho quỹ hưu trí 401(k) và Roth IRA. “Tôi cũng sử dụng chuyển khoản ngân hàng tự động để góp tiền vào tài khoản môi giới của mình. Điều này giúp đảm bảo rằng tôi luôn để ra một khoản tiết kiệm mỗi tháng sau khi nhận lương”, anh nói.
Tương tư, anh cũng đăng ký thanh toán hoá đơn tự động cho các dịch vụ như điện, nước và một số thẻ tín dụng. Anh không bao giờ bỏ lỡ một lần thanh toán nào và tránh được tất cả các khoản phí trả chậm, trả lãi và các loại tiền phạt khác. Steve nhấn mạnh mọi người không nên nợ thẻ tín dụng nếu muốn làm giàu.
7. Giao tiếp cởi mở
Cũng như một số cặp vợ chồng khác, vợ chồng Steve cũng có nhiều khác biệt về thói quen chi tiêu, mục tiêu và ước mơ. Nếu không được kiểm soát, những sự khác biệt này có thể gây ra tranh cãi khiến bạn không đạt được những mục tiêu tài chính chung của hai người. Vì vậy sẵn sàng nói chuyện và chia sẻ với nhau là một chìa khóa quan trọng.
8. Ưu tiên sức khỏe
“Cuộc sống không chỉ có tiền bạc. Trên hết, sức khỏe là ưu tiên hàng đầu của tôi. Sức khỏe tốt giúp bạn hạnh phúc hơn và làm việc hiệu quả hơn, đồng thời cũng làm giảm một số chi phí y tế”, Steve nhấn mạnh.
9. Luôn “nói có” và sẵn sàng khi cơ hội đến
Ngay cả khi không biết làm, Steve vẫn chấp nhận thử thách và cố gắng học thêm những điều mới để đáp ứng công việc được giao. Anh luôn chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho mọi cơ hội đến với mình.
Tham khảo CNBC