"Từng là người giàu nhất Trùng Khánh, Trung Quốc, ở tuổi 85, dù có con gái nhưng vẫn sống một mình trong viện dưỡng lão."
Suy nghĩ đầu tiên của nhiều người khi đọc được tin tức này có lẽ là: "Tại sao lại phải làm như vậy? Ở cùng con cái không phải sẽ tốt hơn ư?"
Nhưng khi đọc kỹ toàn bộ câu chuyện, tôi nhận ra một điều rằng, suy nghĩ của vị triệu phú này thậm chí đã đi trước tôi 20 năm.
Ông Doãn thành lập Tập đoàn chuyên về xe mô tô Lifan vào năm 1992. Ông mất 30 năm để xây dựng Lifan thành một đế chế kinh doanh cấp hàng chục tỷ nhân dân tệ. Và trong suốt những năm qua, ông Doãn cũng đã lên kế hoạch nghỉ hưu khi ông già đi. Thay vì để con cái chăm sóc cho mình, ông đã tự tìm cho mình một viện dưỡng lão.
Ông tự mình thu thập thông tin, truy cập trang web và thậm chí còn đến viện dưỡng lão cùng với hai người bạn học cũ để trải nghiệm. Sau khi ở đây 1 tuần và cảm thấy rất hài lòng, ông đã lập tức đặt trước cho mình một chỗ. Cuối tháng trước ông chính thức tới ở.
Viện dưỡng lão nơi ông ở
Trên thực tế, ông có một con trai và một con gái, hiện cả hai đều nắm giữ những chức vụ quan trọng trong tập đoàn Lifan. Ông hoàn toàn có thể nhờ hai người con phụng dưỡng mình khi về già.
Trong phần bình luận, nhiều người tỏ ra ngạc nhiên và tiếc nuối, họ cảm thấy về già mà không để con cái chăm sóc vậy thì chẳng phải sẽ là nuôi con một cách vô ích? Hay có lẽ vì con cái không đáng tin cậy nên mới có "hành động ngốc nghếch" như vậy.Tuy nhiên, ông Doãn cũng có những suy nghĩ của bản thân.
Ông là một người có tư duy khá mở khi nói tới chuyện dưỡng lão những năm tháng tuổi già.
Vài tháng trước, ông bị bệnh phải nhập viện, con trai đề nghị tới chăm sóc ông nhưng ông từ chối, thậm chí còn viết một bài thơ bày tỏ suy nghĩ của mình với con trai với tiêu đề: "Con trai, con không nợ ba điều gì cả". Quyết định tới viện dưỡng lão cũng là vì ông không muốn dựa vào con cái trong chuyện dưỡng già của mình.
"Tôi có hai con, nhà cửa rộng rãi, không có gì phải lo lắng. Nhưng sau khi đã 80 tuổi, tôi dần thay đổi quan niệm về việc chăm sóc người già. Trước hết, tôi không cho rằng "nuôi con là để có người chăm sóc bản thân khi về già", sinh con, nuôi con là vì chúng ta muốn và vì chúng ta yêu thương chúng. Tôi không muốn dựa dẫm vào con cái khi về già. Dù có bao nhiêu tuổi đi chăng nữa, tôi cũng muốn yêu thương con thay vì làm phiền chúng".
Vì luôn có suy nghĩ "không nhờ cậy con cái" nên kế hoạch nghỉ hưu của ông đều dựa trên sở thích và cảm giác thoải mái của bản thân.
Lúc đầu, ông nghĩ đến việc thuê một bảo mẫu để chăm sóc ông tại nhà. Nhưng xét thấy các bảo mẫu không chỉ phải tự chăm sóc bản thân mà còn phải làm việc nhà nên họ có thể khó làm được mọi việc một cách chu đáo, tuy nhiên các viện dưỡng lão có sự phân công lao động chi tiết và chăm sóc chuyên nghiệp hơn, còn có thể sống ở đó với những người bạn cũ, đi dạo, đọc sách, v.v. trong công viên xinh đẹp. Những điều đó khiến ông cảm thấy rất thoải mái và đưa ra quyết định đó.
Cá nhân người viết thực sự ngưỡng mộ quan điểm rõ ràng và tự do của ông về việc dưỡng lão.
Nếu không đặt hết hy vọng vào con cái, bạn đương nhiên sẽ không thất vọng, càng không cần nhìn sắc mặt của chúng để sống mỗi ngày.
Không chỉ bản thân người già sẽ thoải mái hơn, chính các con tôi cũng sẽ cảm thấy thoải mái hơn, mâu thuẫn gia đình có lẽ cũng sẽ ít xảy ra hơn. Nghe có vẻ đi ngược lại với truyền thống nhưng có quá nhiều câu chuyện đời thực từ lâu đã khẳng định sự khôn ngoan của ông Doãn.
Cách đây không lâu tôi đã xem một đoạn video, trong đó một người đàn ông 72 tuổi đã khóc lóc nói rằng: "Ở nhà con gái sau khi nghỉ hưu là quyết định tồi tệ nhất trong cuộc đời ông."
Nhũng người già trước đó từng làm việc ở các cơ quan công quyền, nhận lương hưu hàng tháng hoàn toàn có thể sống một cuộc sống thoải mái. Nhưng ông luôn cho rằng các con phải trả ơn mình nên đã chuyển đến sống ở nhà con gái. Đôi vợ chồng trẻ vừa phải vừa làm việc vừa chăm con, họ bận rộn và không còn sức lực để chăm sóc bố.
Và người cha cũng dần chuyển từ người cần được chăm sóc sang người giúp việc: nấu ăn, trông cháu, sống một cuộc sống mệt mỏi hơn ở nhà. Và mọi thứ nhanh chóng thay đổi.
Khi đi mua đồ ăn và nấu ăn, con rể của ông ban đầu sẽ đưa cho ông tiền mỗi tháng, nhưng sau đó bắt đầu giả vờ như quên mất chuyện này. Ông không tiện mở miệng nên thường tự mình trả tiền, dần dần, chuyện này trở thành điều hiển nhiên.
Đầu tiên, khi con gái cần phải đóng học phí và tiền học thêm, hai vợ chồng đã xin tiền ông. Là ông ngoại, lại thương cháu, nên ông đồng ý.
Sau đó con dâu và con rể muốn đổi xe, ông lão cũng đành phải "giúp" vài trăm triệu.
Sau này, con gái và con rể còn muốn đổi nhà, dù sao cũng ở cùng, nên ông cũng đành bỏ ra một số tiền.
Sau khi mua nhà còn tiền trang trí…
Dần dần, ông lão quyết định trở về quê. Vốn dĩ mong đợi các con sẽ chu cấp cho mình khi về già, nhưng cuối cùng, ông gần như cho các con gần hết số tiền dưỡng già của mình.
Nhiều người cho rằng con cái là sự đảm bảo cho cuộc sống những năm sau này, nuôi dạy con cái để sau này có nơi nương tựa và chu cấp cho bản thân khi về già. Dường như có con là một sự đầu tư, cha mẹ nuôi con chỉ để con nuôi lại cha mẹ khi về già. Nhưng một vấn đề rất thực tế là nhiều người trẻ không phải không muốn hiếu thảo mà là không đủ khả năng. Nói là nuôi con để được chúng che chở khi về già nhưng cuối cùng hóa ra lại là nuôi con để chúng ăn bám lấy bản thân ngay cả khi đã về già, chua xót nhưng thực tế.
Tất nhiên, bạn cũng có thể lựa chọn để con cái chu cấp cho bạn khi về già, nhưng nếu bạn đã đặt hy vọng thì bạn phải sẵn sàng đối mặt với sự thất vọng.
Một số chuyên gia đã từng chỉ ra:
Trước đây, khi nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, người cha sở hữu đất đai, công cụ và kinh nghiệm, con cái phải nghe theo cha. Vì vậy, chỉ cần nhiều thế hệ tiếp tục dựa vào đất đai để kiếm ăn thì việc nuôi con cái và để chúng chăm sóc cho bản thân khi về già là điều dễ dàng.
Nhưng con người hiện đại đã được giải phóng khỏi xiềng xích của đất đai, những điều mới mẻ không ngừng xuất hiện, người già không có gì để dạy cho con cái, hai thế hệ ngày càng ít ràng buộc về mặt vật chất, và thứ duy trì sự kết nối ngày càng thiên về mặt tình cảm nhiều hơn.
Nhưng chúng ta vẫn có xu hướng coi việc sinh con ra giống như một món quà dành cho chúng và cho rằng việc con cái biết ơn và đáp lại là điều đương nhiên.
Giữa cha mẹ và con cái có mối quan hệ sâu sắc thì không sao, nhưng nếu mối quan hệ giữa hai thế hệ là tương đối thờ ơ thì sao?
Nếu không muốn trông cậy vào con cái, hoặc không thể trông cậy vào con cái, vậy thì hãy xem xem hiện nay người già tự nuôi sống mình khi về già ra sao. Ngoài các viện dưỡng lão, nhiều người còn khám phá nhiều cách mới để dưỡng lão những năm cuối đời.
Bà Vương, 73 tuổi, người Đông Bắc, Trung Quốc, vì thích ngắm cảnh đẹp nên đã mua một ngôi nhà dưỡng lão ở Tây Song Bản Nạp. Cảm thấy quá cô đơn khi ở một mình, trong khi là một người thích sự náo nhiệt, bà biến ngôi nhà của mình thành nhà nghỉ chỉ phục vụ bữa sáng để đón thêm nhiều người lớn tuổi đến cùng nhau "nghỉ hưu".
Ở đây có khá nhiều người, có người mới về hưu, có người đã ngoài 80 tuổi. Dù không quen biết nhau nhưng hàng ngày họ vẫn ăn uống, nói chuyện với nhau. Có người sẽ chủ động giúp đỡ dọn dẹp, có người sẽ làm bánh bao và hoành thánh. Ba bữa ăn một ngày, bao gồm thức ăn và chỗ ở, cũng như tiền nước, điện, Internet, v.v. Phí hàng tháng rơi vào khoảng 7 triệu.
Nhiều người ở đó hơn một năm.
Ngoài ra còn có bà Chu, 86 tuổi ở Thượng Hải, Trung Quốc, bà chọn cách tự chăm sóc bản thân tại nhà. Sau khi chồng qua đời nhiều năm trước, bà đã kiên quyết từ chối lời đề nghị sống chung của các con. Hàng ngày bà chăm sóc hoa cỏ và tự nấu ăn ba bữa một ngày. Sợ não thoái hóa, bà chơi Sudoku hàng ngày và tìm hiểu các sản phẩm điện tử của giới trẻ.
Sợ thể chất suy giảm, bà tập thể dục mỗi ngày, đi bộ, tập đánh cầu tại nhà.
Về những vấn đề xa hơn, bà suy nghĩ rất cởi mở: "Nếu thực sự không trụ được nữa, tôi sẽ lặng lẽ mà đi, đơn giản, nhẹ nhàng, không làm phiền tới ai".
Thay vì phải đến bệnh viện hay viện dưỡng lão, bà muốn thoải mái dành phần cuối đời của mình ở nơi quen thuộc nhất.
Trên thực tế, không khó để nhận ra những người sống thoải mái, tự tại những năm cuối đời đều là những người già độc lập.
Ngược lại, đối với những người có suy nghĩ con cái phải chăm lo cho bản thân khi về già, có một thực tế là dù con cái có hiếu thảo tới mấy, cũng khó đảm bảo được chất lượng cuộc sống cho họ những năm cuối đời.
Lý do rất đơn giản, nếu một người không có suy nghĩ dựa dẫm vào con cái, vậy thì họ sẽ sớm nghiêm túc lên kế hoạch cho cuộc sống sau này của mình, tranh thủ tiết kiệm nhiều sức khỏe, tiền bạc, giao tiếp xã hội lành mạnh và duy trì những thói quen sinh hoạt tốt cho bản thân.
Khi đã đạt tới trạng thái đầy đủ cả về thế giới vật chất và thế giới tinh thần, liệu bạn có còn cần phải lo lắng về việc con cái đáng tin cậy hay không?
Tất nhiên, điều này không có nghĩa là con cái không cần phải hiếu thảo, nó chỉ đơn giản muốn nhắc nhở mọi người đừng đặt cuộc sống của mình vào bất kỳ ai, bất kể người đó là ai.
Tiết kiệm tiền khi nghỉ hưu và chăm sóc sức khỏe khi nghỉ hưu mới là những chỗ dựa đáng tin cậy nhất.
Mong rằng mỗi chúng ta đều có thể tận hưởng một tuổi già trọn vẹn nhất, dù lựa chọn của mỗi người có ra sao!