Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) đang tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp bệnh nhân bị có nang sán lợn làm tổ trong não do thói quen ăn tiết canh, ăn đồ sống, đồ tái…
Nhầm lẫn với nhiều bệnh khác
Bệnh nhân Đ (Bắc Giang) đang điều trị đợt 2 sán lợn trên não. Bệnh nhân Đ cho biết, anh thường xuyên bị đau phía sau đầu, mắt bị tối sầm 1-2 phút. Đặc biệt, những ngày thay đổi thời tiết, như giữa trưa nắng nóng, anh Đ thường bị đau đầu, hoa mắt hoặc vào buổi chiều cơn đau đầu, hoa mắt có thể kéo dài vài tiếng.
Bệnh nhân Đ đang điều trị sán lợn đợt 2.
Anh Đ đã mua thuốc giảm đau uống và các triệu chứng này đều hết ngay, thậm chí vài tháng sau mới bị lại. Do đó, anh Đ nghĩ rằng mình bị thiếu máu não, tiền đình hoặc tai biến: “Công việc áp lực, làm việc nhiều trên máy tính, tôi ban đầu cho rằng mình bị tiền đình nên đã mua thuốc và các loại thuốc bổ não về uống. Sau khi uống thuốc, tình trạng đau đầu, hoa mắt cải thiện nhiều, thậm chí vài tháng sau mới có triệu chứng lại”.
Đến đầu năm 2023, các triệu chứng của anh Đ tăng nặng hơn, uống các loại thuốc từng mua không thuyên giảm, đặc biệt là tình trạng hoa mắt: “Mắt tôi lúc đó nhìn thấy đủ màu xanh, đỏ… Nhiều đồng nghiệp của tôi cũng có những triệu chứng hoa mắt nên tôi nghĩ rằng, do tính chất công việc làm với máy tính nên mình bị khô mắt. Với nhiều triệu chứng như vậy, nên tôi bị nhầm lẫn các bệnh với nhau và không nghĩ đến việc mình bị sán não”.
Anh Đ đã đi khám ở bệnh viện huyện, tỉnh và Bệnh viện Mắt T.Ư vì có những triệu chứng hoa mắt, mờ mắt… Nhưng hết liệu trình điều trị bệnh cũng không hết. Đến khi chụp cộng hưởng từ, bác sĩ phát hiện có những ổ trong não và tiếp tục tiến hành chụp cộng hưởng từ phản quang mới phát hiện các ổ sán, theo đó giới thiệu về Bệnh viện Đặng Văn Ngữ để điều trị.
Sau khi điều trị đợt 1, bệnh nhân Đ đã giảm rõ rệt các cơn đau đầu, hoa mắt và hiện đang tiếp tục điều trị đợt 2. “Tôi cũng chủ quan không nghĩ rằng mình bị bệnh này. Nếu phát hiện và điều trị sớm có sẽ tốt hơn nhiều”, bệnh nhân Đ chia sẻ.
Bệnh nhân H.D.M (Lào Cai) cũng đang điều trị tại đây cho biết, anh và người thân có thói quen ăn tiết canh mỗi khi gia đình mổ lợn. Trong nhiều năm qua, anh M có triệu chứng đau đầu kèm hoa mắt, chóng mặt, không co giật. Mỗi khi có cơn đau anh thường mua thuốc giảm đau uống.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, anh M bị đau đầu nhiều hơn sau đó đã đi khám tại bệnh viện tỉnh và có kết quả chụp CT nghi sán não và được chuyển xuống bệnh viên. Tại đây, bệnh nhân được chụp MRI sọ não phát hiện tổn thương ấu trùng sán lợn giai đoạn hoạt động, chẩn đoán bệnh ấu trùng sán lợn ở hệ thần kinh trung ương và được nhập viện điều trị.
“Người thân, bạn bè tôi cũng có người bị sán lợn. Sau khi đợt điều trị, tôi sẽ khuyên người thân không nên ăn tiết canh hay đồ sống như vậy nữa”, anh M nói.
Hình ảnh nan sán lợn làm tổ trong não bệnh nhân M
Điều trị sán lợn trên não như thế nào?
Hiện các bệnh nhân có nang sán lợn làm tổ trong não kể trên đang được điều trị nội khoa. Trường hợp bệnh nhân có triệu chứng chèn ép sẽ điều trị ngoại khoa và có thể phải thực hiện phẫu thuật ở bệnh viện khác.
Theo các bác sĩ, trường hợp nghi ngờ ban đầu là sán não thường sẽ không tiến hành phẫu thuật và bệnh nhân sẽ được giới thiệu sang Bệnh viện Đặng Văn Ngữ. Có trường hợp nghi ngờ là u não, bệnh nhân đã được phẫu thuật và đến khi giải phẫu bệnh thì mới phát hiện tổ chức nang sán và được chuyển viện điều trị.
Nhiễm sán não có những triệu chứng lâm sàng như đau đầu, co giật, bất tỉnh… có thể bị nhầm với một số bệnh lý khác như u não, tai biến mạch máu não, viêm màng não và đột quỵ… Với những triệu chứng này khi chụp cộng hưởng từ hay CT sọ não nếu phát hiện những hình ảnh tổn thương nghi ngờ u não, nhưng nếu không loại trừ là sán não thì người bệnh sẽ được chuyển viện để làm những xét nghiệm xác định sán não hoặc hội chẩn liên khoa để xác định bệnh và biện pháp điều trị.
Cũng theo các bác sĩ, khi có những triệu chứng tổn thương não, người bệnh rất hoang mang và thường nghĩ đến bệnh lý nặng như u não thay vì nhiễm sán não. Do vậy, ngoài triệu chứng lâm sàng, khi thăm khám ban đầu, các bác sĩ sẽ tìm hiểu yếu tố nguy cơ khiến bệnh nhân có thể nhiễm nang sán như ăn tiết canh, thịt sống, tái… Cùng với đó là chẩn đoán hình ảnh từ phim chụp não để xác định và điều trị, tránh việc can thiệp ngoại khoa.
Trong quá trình sử dụng phác đồ điều trị nang sán, các bác sĩ sẽ đánh giá kết quả và tiếp tục chẩn đoán. Nếu các nang sán giảm, người bệnh tiếp tục phác đồ điều trị nội khoa. Một liệu trình điều trị gồm 3 đợt uống thuốc, mỗi đợt khoảng 30 ngày theo phác đồ mới của Bộ Y tế. Người bệnh sẽ nằm viện theo dõi trong hơn 10 ngày đầu. Nếu ổn định sẽ được cấp thuốc về nhà và tái khám sau một tháng. Với bệnh nhân có BHYT, mỗi đợt điều trị người bệnh sẽ không chịu quá nhiều chi phí.
Theo BS Nguyễn Thị Duyên, có trường bệnh nhân sau khi điều trị sẽ khỏi hoàn toàn, phim chụp não không còn những hình ảnh tổn thương. Với khả năng tái lại, thì có thể do bệnh nhân tái nhiễm sán nếu không thay đổi thói quen ăn uống, vẫn tiếp tục ăn tiết canh hay đồ sống, tái.
BS Nguyễn Thị Duyên, Khoa Điều trị, BV Đặng Văn Ngữ
“Người dân cần thực hiện ăn chính uống sôi để hạn chế nhiễm các loại ký sinh. Với các loại rau sống, cần rửa trực tiếp dưới vòi nước để trôi trứng giun sán bám trên lá rau có thể gây sán lá gan”, bác sĩ Duyên khuyến cáo.
Nhiều người cho rằng, khi ăn tiết canh chỉ cần uống rượu hay ăn thịt tái thì vắt chanh để diệt giun sán ký sinh. Song theo BS Duyên quan niệm này hoàn toàn không đúng, vì ấu trùng khi vào ruột vẫn có thể phát triển được, sau đó xuyên thành, đi vào trong máu và gây tổn thương ở các cơ quan khác. Trong trường hợp vắt chanh lên thịt tái, nước chanh sẽ chỉ bao phủ bề mặt trên miếng thịt và không giúp diệt ấu trùng sán bên trong thịt. Do vậy, khi ăn thì vẫn có thể nhiễm bệnh.