Ông Imran Pambudi, Giám đốc Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống bệnh truyền nhiễm thuộc Bộ Y tế Indonesia, cho biết một số báo cáo y tế gần đây ở Indonesia đã chỉ ra những thay đổi về triệu chứng của các bệnh nhân sốt xuất huyết sau đại dịch Covid-19. Cụ thể tại thành phố Bandung ở tỉnh Tây Java – khu vực có nhiều ca sốt xuất huyết nhất cả nước, cơ quan y tế địa phương phát hiện các bệnh nhân sốt xuất huyết có dấu hiệu mới, nhưng không thể hiện các triệu chứng phổ biến thường thấy trước đây như: phát ban, chảy máu cam…
Theo ông Imran Pambudi, sự thay đổi triệu chứng sốt xuất huyết liên quan đến thay đổi trong phản ứng miễn dịch xảy ra trong cơ thể người từng mắc Covid-19. Do vậy, các triệu chứng kinh điển của sốt xuất huyết không phải lúc nào cũng xuất hiện ở bệnh nhân sốt xuất huyết trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát.
Giám đốc Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống bệnh truyền nhiễm Indonesia cho rằng với thực tế mới này, không nên đợi đến khi các triệu chứng phổ biến xuất hiện mới điều trị. Nếu người bệnh sốt cao kèm đau nhức cơ thể thì nên đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên NS1.
Hồi đầu tháng 5, Bộ Y tế Indonesia cho biết trong 04 tháng đầu năm 2024, số ca mắc sốt xuất huyết ở Indonesia đã lên tới hơn 88.500 ca, tăng gấp 03 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Có hơn 620 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. Bộ Y tế Indonesia cho rằng số ca sốt xuất huyết tăng vọt trong năm nay là do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino và nóng lên toàn cầu.
Tại tỉnh đảo du lịch Bali của Indonesia, chính quyền địa phương phối hợp với Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) bắt đầu triển khai Hệ thống cảnh báo sớm, sử dụng các dữ liệu dự báo khí hậu để phát hiện các ca bệnh sốt xuất huyết tiềm ẩn, từ đó triển khai các bước phòng ngừa. Bali là địa phương thứ hai ở Indonesia, sau Thủ đô Jakarta, triển khai Hệ thống này.
Trong khi đó, Chính phủ Indonesia tiếp tục các nỗ lực kiểm soát bệnh sốt xuất huyết như: phun sương, diệt bọ gậy; kêu gọi người dân trồng các loại cây xua đuổi muỗi, nuôi cá ăn ấu trùng muỗi; thực hiện phong trào “3M +" gồm làm sạch các thùng chứa nước, đậy nắp các thùng chứa nước và tái chế hàng hóa đã sử dụng.