Triệu chứng dễ nhầm với cảm cúm nhưng là dấu hiệu duy nhất của một loại bệnh ung thư

Ngọc Anh |

Ung thư thanh quản là một trong các bệnh lý ung thư vòm mũi họng. Ung thư thanh quản giai đoạn đầu không có những triệu chứng rõ ràng, dễ gây lầm tưởng với những bệnh lý khác.

Căn bệnh do thuốc lá

Anh Đỗ Văn Q (45 tuổi, trú tại Phúc Thọ, Hà Nội) vừa được phẫu thuật ung thư thanh quản được 5 tháng. Chị Lê Thị Hoa (vợ anh Quân) cho hay, từ khi phẫu thuật đến nay chồng chị vẫn chưa thể tập nói.

Chị Hoa kể từ đầu năm, anh Q đã có dấu hiệu hơi khàn tiếng. Nhưng anh chủ quan không đi khám vì tưởng là viêm họng nên chỉ uống thuốc. Nhưng uống thuốc cả tháng không đỡ, anh Q đến phòng khám bác sĩ lại kê thuốc viêm họng rồi đủ thứ thuốc.

Chỉ đến khi nội soi tai mũi họng, bác sĩ phát hiện có u sùi thanh quản nên chuyển anh Q tới Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương. Tại đây, các bác sĩ đã sinh thiết khối, chẩn đoán anh Q bị u thanh quản.

Anh Q được phẫu thuật bằng phương pháp laser, khi phẫu thuật vì khối u lan rộng nên đã không thể bảo tồn được dây thanh quản khiến anh Q không nói được. Đến giời, anh Q vẫn học nói giọng thực quản.

Triệu chứng dễ nhầm với cảm cúm nhưng là dấu hiệu duy nhất của một loại bệnh ung thư - Ảnh 1.

Hình ảnh nội soi ung thư thanh quản của ông Kh.

Trường hợp của bệnh nhân Bùi Văn Kh (50 tuổi, Lý Nhân, Hà Nam) vào viện do khàn giọng. Khi có dấu hiệu khàn giọng cả tháng không khỏi, ông Kh đã chủ động đi khám bệnh. Nội soi bác sĩ phát hiện có sùi loét ở thanh quản.

Lúc đó, bác sĩ chỉ nói có u thanh quản, ông lên bệnh viện tuyến trên khám bác sĩ giải thích theo dõi ung thư thanh quản, ông Kh rất lo lắng.

Cả hai trường hợp trên đều có tiền sử hút thuốc lá 20 năm nay. Anh Q mỗi ngày hút 1 bao thuốc và đến khi khàn giọng anh vẫn hút thuốc anh Q đã rất ân hận.

Theo PGS Lê Minh Kỳ - Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương, ung thư thanh quản là bệnh mà các tế bào ác tính (ung thư) hình thành trong mô thanh quản, chiếm 2% trong các căn bệnh ung thư ở nước ta.

Bệnh này chủ yếu thường gặp ở nam giới, chiếm trên 90%; ở độ tuổi 50 – 70 chiếm 72%, từ 40 – 50 tuổi chiếm 12%. Song hiện nay độ tuổi mắc bệnh ngày càng được trẻ hóa và phụ nữ cũng mắc bệnh ung thư thanh quản nhiều hơn.

Nguyên nhân gây ung thư thanh quản chủ yếu do thuốc lá. PGS Kỳ cho biết, hiện nay khoa đã theo dõi khoảng 400 trường hợp ung thư thanh quản từ Quảng Bình trở ra phía Bắc. Các bệnh nhân 90 % nam giới và đều có thời gian hút thuốc dài.

PGS Kỳ cho biết khi phát hiện ung thư thanh quản, tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị cụ thể.

Hiện nay, phẫu thuật vẫn là phương pháp phổ biến nhất. Ở giai đoạn sớm các bác sĩ có thể sử dụng phẫu thuật cắt dây thanh, vẫn có thể bảo tồn giọng nói. Khi đến giai đoạn muộn, phải cắt thanh quản bán phần, hoặc cắt thanh quản toàn phần, kèm theo phẫu thuật nạo vét hạch cổ. Ngoài ra, bệnh nhân được sử dụng thêm xạ trị bổ trợ.

Dấu hiệu cảnh báo

PGS Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt cũng cho biết số lượng bệnh nhân có dấu hiệu khàn giọng khi nội soi nghi ngờ ung thư thanh quản không phải là hiếm. Bác sĩ đã gặp nhiều trường hợp khàn tiếng cả tháng khi đi khám đã phát hiện ung thư thanh quản.

Có trường hợp phát hiện sớm, lúc ấy khối u cũng chỉ mới ở thanh quản chưa lây sang các cơ quan khác. Khối u ở vùng của thượng thanh môn, hoặc thanh môn, hạ thanh môn và dây thanh quản thường vẫn đi động bình thường.

Triệu chứng dễ nhầm với cảm cúm nhưng là dấu hiệu duy nhất của một loại bệnh ung thư - Ảnh 2.

PGS Nguyễn Thị Hoài An khám cho bệnh nhân.

Dấu hiệu của ung thư thanh quản đầu tiên bất cứ ai cũng cần nhớ đó là khàn tiếng. Bác sĩ An cho biết nếu bị khàn tiếng kéo dài trên 3 tuần, đặc biệt ở độ tuổi >40 cần được xét nghiệm, thăm khám kịp thời. Đây là triệu chứng ung thư thanh quản sớm, thường gặp và đôi khi là duy nhất ở nhiều bệnh nhân.

Ngoài ra, bệnh nhân còn có dấu hiệu ho, đây là biểu biểu hiện của nhiều bệnh về đường hô hấp như: viêm họng, viêm amidan,… nhưng cũng là dấu hiệu thường gặp khi mắc bệnh ung thư thanh quản nên cẩn trọng. Ở giai đoạn muộn bệnh nhân còn thấy nuốt khó, sặc thức ăn, xuất tiết vào đường thở thì gây nên những cơn ho sặc sụa.

Khi kích thước khối u ngày càng tăng thì khẩu kính của thanh môn ngày càng hẹp. Lúc đầu khó thở chỉ xuất hiện khi gắng sức (lên cầu thang, mang vật nặng…), nhưng về sau chúng biểu hiện rõ rệt và thường xuyên hơn.

Phòng ung thư thanh quản bằng cách tốt nhất đó là từ bỏ thuốc lá, tăng cường ăn uống khoa học, bổ sung nhiều rau xanh, trái cây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại