Triết lý sống đơn giản của người Nhật giúp bạn nhận ra: Sự hoàn hảo vốn không tồn tại, đừng tự làm khó mình khó người!

Lê Anh |

Tự cổ chí kim, con người đều phấn đấu cho một cuộc sống hoàn hảo. Thế nhưng bạn có hiểu được rằng, hoàn hảo vốn không phải là đích đến, nó là một hành trình. Đừng đi tìm những điều không có, hãy bình tâm lại và khám phá những điều hiện hữu quanh ta.

Thomas Oppong là nhà sáng lập, biên tập viên của Alltopstartups.com - một cộng đồng trực tuyến dành cho các doanh nhân trẻ. 

Anh còn là cây bút nổi tiếng trên các trang Inc. Magazine, Business Insider, Forbes, Entrepreneur. Dưới đây là bài viết thể hiện một góc nhìn của anh về triết lý Wabi-Sabi đã được chia sẻ trên trang Medium:

Cuộc sống này vốn phức tạp. 

Con người vẫn ngày ngày chạy theo guồng quay không ngừng của xã hội để theo đuổi sự hoàn hảo - về vật chất, các mối quan hệ, thành tích - điều mà họ vẫn biết rằng sẽ khiến họ thêm căng thẳng, lo lắng, buồn phiền và có những sự phán xét vội vàng. 

Tuy nhiên, ở Nhật Bản có một triết lý về việc chấp nhận sự không hoàn hảo ở con người và cuộc sống, gọi là Wabi-Sabi.

Triết lý Wabi-Sabi của người Nhật khuyến khích con người tập trung vào những vẻ đẹp ẩn dấu bên trong bản chất mọi thứ, trong cuộc sống hàng ngày và tôn vinh tính tích cực của chúng thay vì phán xét.

Theo tiếng Nhật, Wabi được định nghĩa là sự mộc mạc, khiêm tốn, giản dị. Sabi có nghĩa vẻ đẹp của tạo hóa, thời gian. 

Khái niệm về Wabi-Sabi rộng và hầu như không thể gói gọn trong một bài viết, nhưng có thể dễ dàng áp dụng môt cách đơn giản vào những khoảnh khắc đời thường của cuộc sống.

Wabi-Sabi không chỉ là một cách nhìn, mà còn là "một lối sống biết trân trọng và chấp nhận sự phức tạp đồng thời đề cao sự đơn giản", tác giả Richard Powell đã viết trong cuốn Wabi-Sabi Simple. 

Ông cho rằng triết lý này thừa nhận ba thực tế đơn giản: Không có gì là mãi mãi, không có gì là hoàn toàn và không có gì là hoàn hảo.

Thậm chí nhiều khi Wabi Sabi còn được gọi là "Zen of things", như một minh họa cho rất nhiều giáo lý minh triết của nhà Thiền.

Theo học thuyết Zen của Phật giáo Nhật Bản, có bảy nguyên tắc thẩm mỹ của Wabi-Sabi:

- Kanso - sự đơn giản

- Fukinsei – sự thăng bằng

- Shibumi - vẻ đẹp trong sự tinh tế

- Shizen – sự tự nhiên

- Yugen – sự tinh tế sâu sắc

- Datsuzoku – sự thanh tao

- Seijaku - sự yên tĩnh

Triết lý vượt thời gian này có liên hệ trực tiếp đối với cuộc sống hiện đại, khi mà chúng ta đang đi tìm ý nghĩa và sự thỏa mãn bên ngoài chủ nghĩa duy vật, Wabi-sabi giống như chủ nghĩa tối giản với sự lựa chọn có ý thức. 

Khái niệm này có nguồn gốc từ nghi thức trà đạo truyền thống của Nhật Bản. Một lời giải thích phổ biến cho nó là ví dụ về một tách trà được làm bởi bàn tay của một nghệ nhân, bị nứt hoặc sứt mẻ do sử dụng liên tục. 

Những dấu vết của sự không hoàn hảo như vậy nhắc nhở chúng ta rằng không có gì là vĩnh viễn – điều gì cũng có thể thay đổi.

Nghệ thuật Kintsugi là một ví dụ tuyệt vời của Wabi-Sabi trong sáng tạo nghệ thuật, nơi những mẫu gốm rạn vỡ được "vá" lại bằng chất liệu sơn mài có phủ bột vàng lên như một cách để thể hiện vẻ đẹp của thời gian trên mẫu vật thay vì che giấu các "khiếm khuyết" của chúng. 

Các lỗi trên sản phẩm không được ẩn đi mà được tô sáng lên. Điểm nhấn của nghệ thuật Kintsugi nói riêng và Wabi-sabi nói chung chính là thu hút sự chú ý vào các vết nứt trên tách trà như một phần vẻ đẹp của vật thể.

Triết lý sống đơn giản của người Nhật giúp bạn nhận ra: Sự hoàn hảo vốn không tồn tại, đừng tự làm khó mình khó người! - Ảnh 1.

Ảnh tham khảo avisteam.com

Trong cuốn sách The Unknown Craftsman, tác giả Soetsu Yanagi cho rằng sự không hoàn hảo là cần thiết cho sự đánh giá đầy đủ về các đối tượng và thế giới. 

"Chúng ta bị đẩy lùi bởi sự hoàn hảo, vì mọi thứ đều rõ ràng ngay từ đầu và không có gợi ý nào về những điều vô hạn".

Wabi-Sabi có ở khắp mọi nơi, bạn chỉ cần biết cách nhìn và nắm bắt khái niệm triết lý này trong cuộc sống của bạn. 

Về cơ bản, triết lý này dạy con người chấp nhận việc tìm kiếm vẻ đẹp trong mọi thứ dù chúng không hoàn hảo. Đó là lí do những vết nứt trên tách trà cũ được nhìn nhận là tài sản thay vì là khiếm khuyết.

Theo lời tác giả Robyn Griggs Lawrence của cuốn: "Bất toàn đơn giản: xem xét lại ngôi nhà Wabisabi" (Simply Imperfect: Revisiting the Wabi-Sabi House): "Wabi-Sabi là một cách nhìn khác, một tư duy khác. Đó là thật sự chấp nhận rằng ta có thể tìm thấy cái đẹp trong bản chất của mọi thứ."

Tinh thần Wabi-Sabi trong cuộc sống hằng ngày

Triết lý sống đơn giản của người Nhật giúp bạn nhận ra: Sự hoàn hảo vốn không tồn tại, đừng tự làm khó mình khó người! - Ảnh 2.

Tác giả Mike Sturm cho rằng Wabi-sabi là triết lý về việc chấp nhận bản thân và xây dựng những gì bạn đã có trong cuộc sống. 

Ông viết: "Hiểu được Wabi-Sabi là dễ (hoặc khó) cũng như việc thấu hiểu và chấp nhận bản thân không hoàn hảo. 

Từ bi với chính mình, đừng sốt sắng cố gắng thay đổi chính mình rồi trở thành một ai đó hoàn toàn không phải bạn".

Ngày nay, khi mà việc đánh giá cao những thứ chúng ta có, những người chúng ta yêu quý và những trải nghiệm thực tế của cuộc sống đang mất dần giá trị thì Wabi-Sabi đại diện cho sự quý giá của trí tuệ con người, coi trọng sự yên tĩnh, hài hòa, những vẻ đẹp giản đơn và sự không hoàn hảo.

Triết lý này vận động nhẹ nhàng giúp bạn thư giãn giữa thế giới hiện đại ồn ào và bận rộn. 

Thay vì vội vã đi tìm những thứ "không hề tồn tại", tại sao chúng ta không tiếp nhận triết lý đơn giản này, trân trọng những điều đẹp đẽ đơn thuần ở xung quanh mình.

Có lẽ mọi thứ trong cuộc sống này vốn dĩ đã đẹp rồi, chỉ là chúng ta có nhận ra vẻ đẹp ấy không thôi.

Nói một cách đơn giản, Wabi-Sabi cho phép bạn nắm bắt sự hoàn hảo trong sự không hoàn hảo của bạn. Wabi-Sabi cho phép bạn là chính mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại