Triết lý cho vay của shark Việt: Khi mình đã đưa tiền giúp cho ai rồi thì coi như đi không trở về!

Thảo Nguyên |

Quan điểm của shark Việt về mặt tâm lý sẽ giúp người cho vay không còn khó chịu hay bực bội, bởi đã chấp nhận tình huống xấu nhất.

Xuất hiện tại chương trình Shark Tank Việt Nam, Shark Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Hạ tầng và Giao thông (Intracom) gây ấn tượng bởi khả năng hoạt ngôn cũng như những phát biểu đầy triết lý.

Trong một buổi Tọa đàm tại một thiền viện, doanh nhân này có chia sẻ khá thú vị về việc giúp đỡ hay cho người khác vay.

Ông nói: "Con đã thường định đầu tư vào ai hay giúp đỡ ai thì mình cũng phải suy nghĩ rất kỹ vì mình từ bi phải kèm theo trí tuệ. Không cẩn thận thì mình lại đi vào đường lạc đạo. Nhưng khi mình đã đưa tiền cho ai rồi, đã giúp ai rồi thì coi như là đi không trở về. Bởi vì nếu mình nợ người ta nhất định mình sẽ phải trả còn nếu người ta nợ mình thì chắc chắn người ta sẽ trả mình nay mai. Nay mai mà không trả được thì kiếp sau người ta trả. Kiếp sau người ta không trả thì nhiều kiếp sau người ta trả. Việc đấy mình tin tưởng chắc chắn là như vậy không bao giờ có chuyện suy suyển nhưng suy nghĩ tính toán hợp lý là việc mình phải tính. Vì mình từ bi đi với trí tuệ, có trí tuệ thì mình mới bảo vệ được những thứ không phải của mình mà của nhiều người nữa.

Ta là người Phật tử thì người cho vay và người vay đều phải xác định trả và người cho vay cũng phải xác định tiền đi không về và họ sẽ phải trả mình kiếp sau. Như thế tâm cho nhàn. Chứ vay mà cứ nghĩ người ta phải trả là rất mệt. Cách thu đòi nợ thì có nhiều cách. Có nhiều người cho vay mà người ta không trả sẽ cho vay tiếp một lần nữa và quản lý rất chặt để người ta làm ra lãi trả cho mình. Đấy cũng là một cách."

Triết lý cho vay của shark Việt: Khi mình đã đưa tiền giúp cho ai rồi thì coi như đi không trở về! - Ảnh 1.

Quan điểm của shark Việt về mặt tâm lý sẽ giúp người cho vay không còn khó chịu hay bực bội bởi đã chấp nhận tình huống xấu nhất.

Ông Nguyễn Thanh Việt là chủ công ty Đầu tư hạ tầng và Giao thông (Intracom), kinh doanh theo hướng đa ngành, từ xây dựng, thủy điện, bất động sản đến y tế,… Điểm đặc biệt trong phương thức hoạt động của Intracom chính là văn hóa "Từ bi - Trí tuệ" xây dựng trên nền tảng Phật giáo và shark Việt cũng là một Phật tử.

Shark Việt thường có những buổi gặp gỡ trao đổi cùng các doanh nhân khác về ứng dụng Phật pháp trong kinh doanh.

VẬY TRÊN THỰC TẾ, LÀM SAO ĐỂ CHO VAY MÀ KHÔNG BỊ QUỴT NỢ?

Quan điểm của Shark Việt là vậy nhưng trên thực tế, có lẽ chẳng ai muốn cho vay rồi bị mất trắng. Để hạn chế việc bị quỵt nợ, bạn có thể tham khảo gợi ý một số nội dung như sau:

1. Hiểu đúng bản chất "VAY"

Có thể hiểu "Vay" là việc nhận tài sản từ người sở hữu tài sản để dùng trước với điều kiện sẽ trả tài sản khác tương đương hoặc có thêm phần lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định

Nếu có thỏa thuận về lãi suất cần chú ý mức lãi suất phải nằm trong khuôn khổ quy định của pháp luật.

2. Người vay tiền

Là yếu tố ảnh hưởng đến mối quan hệ sau này của bạn đặc biết là người thân, bạn bè vì đây là một vấn đề khá nhạy cảm. Phải chắc chắn mọi thứ luôn sòng phẳng trước khi cho vay.

3. Cân nhắc lý do vay tiền

Những lý do vay tiền thể hiện hoàn cảnh của người vay nên bạn phải cân nhắc mục đích đồng thời tìm hiểu thông tin đáng tin cậy

Một người vay vì mục đích mất việc khác với tình hình một người vay để xây sửa nhà cửa,....

4. Viết giấy cho vay nợ

Nếu số tiền với bạn đủ lớn thì việc viết giấy cho vay nợ là điều cần thiết nhằm ràng buộc trách nhiệm giữa hai bên đồng thời phòng các rủi ro có thế xảy ra với người cho vay.

Trường hợp không thể tự soạn bạn có thể lên mạng tham khảo những nội dung được hướng dẫn hoặc nếu số tiền đó lớn để đảm bảo bạn nên nhờ Luật sư hoặc những người có kiến thức pháp luật soạn.

Pháp luật không quy định hợp đồng cho vay phải công chứng nhưng để đảm bảo tốt nhất cho những rủi ro có thể xảy ra trường hợp khởi kiện ra tòa thì việc công chứng, chứng thực là công cụ hữu hiệu nếu bên vay không chịu trả tiền

5. Nắm được các quy định về quyền khởi kiện dân sự

- Xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp

- Thu thập chứng cứ, tài liệu chuẩn bị khởi kiện

- Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện (gồm Đơn khởi kiện (theo mẫu), các tài liệu liên quan đến vụ việc, CMND, hộ khẩu (bản sao có sao y) và bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn khởi kiện)

- Nộp hồ sơ tại Tòa án

- Thực hiện các thủ tục cần thiết sau khi Tòa án ra thông báo thụ lý vụ án.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại