Triển vọng vắc xin ngừa ung thư ra sao?

Tiến sĩ, bác sĩ LÊ NGỌC HÒA NHÃ (Hungary) |

Công ty dược phẩm Đức BioNTech sẽ hợp tác với Chính phủ Anh tiến hành thử nghiệm vắc xin trị ung thư theo công nghệ mRNA từ tháng 9 năm nay, mang lại những tín hiệu vui trong cuộc chiến chống ung thư của nhân loại trong gần ba thập niên qua.

Triển vọng vắc xin ngừa ung thư ra sao? - Ảnh 1.

BioNTech tin rằng sắp đạt được mục tiêu tạo ra vắc xin ngừa ung thư - Ảnh: iStock

Trước tiên cần giải thích vì sao mRNA có thể giúp con người sáng chế ra vắc xin.

Thế hệ vắc xin tương lai

mRNA, hay còn gọi là RNA thông tin, là một trong những phân tử sinh học chứa dữ liệu di truyền được sao chép từ ADN trong nhân bào, sau đó được dùng như một phương tiện chuyên chở gene để sản xuất ra các thụ thể phục vụ những hoạt động bảo tồn sự sống, sinh sôi của tế bào đó.

mRNA nhỏ gọn và chỉ mang trên mình những mật mã tối cần thiết cho việc sản xuất protein ở không bào, nên bất cứ thực thể sống nào cũng cần đến chúng, kể cả vi rút.

Vì mRNA có thể tồn tại ở không bào một cách dễ dàng và thụ thể có thể được mã hóa trực tiếp, nên nhiều vi rút đã chọn dạng phân tử sinh học này để chứa đựng bộ gene của chúng. Vi rút SARS-CoV-2, tác nhân gây đại dịch toàn cầu COVID-19, cũng không là ngoại lệ.

Thông thường cách bảo vệ cơ thể những người chưa nhiễm trước một dịch bệnh là tiêm chủng vắc xin. Chúng ta đã quá quen với việc này, vì từ khi lọt lòng mẹ được 2 tháng tuổi, cơ thể chúng ta đã được trang bị, huấn luyện với một đội ngũ "nhà binh" miễn dịch trước nhiều thể loại bệnh phổ biến.

Giải thích một cách ngắn gọn là hễ thực thể gây bệnh có bất cứ thành phần nào tạo được phản ứng nhớ ở hệ miễn dịch thì sẽ được trưng dụng làm công cụ tạo nên vắc xin cho loại bệnh đó.

Những thành phần này bao gồm những phần nhỏ của thực thể gây bệnh hoặc bất hoạt (không gây bệnh).

Chúng ta đã dùng nhiều thành phần khác nhau của các thực thể gây bệnh để bào chế ra những vắc xin hữu hiệu. Trong những năm 1980, giáo sư Katalin Kariko đã sớm bị những phân tử RNA mê hoặc.

Những nghiên cứu của bà đã là nền tảng tuyệt vời cho sự ra đời của vắc xin COVID-19 sử dụng mRNA. Cách làm này cho phép chúng ta "đánh cắp" các mật mã di truyền của vi rút, dùng chất béo bảo bọc đưa mảnh mRNA vào tế bào của chúng ta và huấn luyện hệ miễn dịch của chúng ta sẵn sàng khi tiếp xúc trực tiếp với vi rút phiên bản thật.

Công nghệ nano này đã giảm thiểu thời gian bào chế vắc xin từ gần một năm xuống còn vài tuần, đáp ứng được nhu cầu bách thiết ngăn chặn sự lây lan quá độ của đại dịch COVID-19, cứu sống sinh mạng của hàng trăm triệu người trên toàn thế giới.

Tiến gần mục tiêu vắc xin ngừa ung thư

Tuy công trình nghiên cứu của giáo sư Kariko nói riêng và BioNTech nói chung là cứu tinh tuyệt vời trong đại dịch COVID-19, mục tiêu chính của các nghiên cứu này thực chất không nhắm vào bào chế vắc xin.

Bà Kariko đã chia sẻ trong một bài phỏng vấn rằng tiềm năng đặc biệt của mRNA còn nằm ở việc điều trị các loại ung thư nguy hiểm khác nhau.

Thay vì dùng đủ mọi cách để tiêu diệt tế bào ung thư từ bên ngoài như cắt bỏ hệ thống tuần hoàn nuôi khối u, tiêu hủy nhân bằng các phương pháp hóa xạ trị, tác động tiêu cực vào môi trường sống xung quanh các tế bào ung thư…, chúng ta có thể tìm ra một phương cách với lượng tác dụng phụ ít nhất.

Vậy thì tại sao chúng ta không "dạy" chính cơ thể mình phát hiện để tiêu diệt những mầm mống ung thư như việc chúng ta đã huấn luyện cơ thể trước các tác nhân gây bệnh ngoại cảnh khác?

Sau hàng chục năm nghiên cứu, mới đây qua tuyên bố mới nhất của BioNTech cho thấy chúng ta đã gần lắm với mục tiêu này.

Là người làm trong nghề, tôi cũng đôi lần ước ao có thể cho các bệnh nhân của mình những liệu trình hóa trị có ít tác dụng phụ nhất.

Bệnh nhân ung thư mỏng manh cả về thể chất lẫn tinh thần, họ cần lắm một liệu pháp nào đó mà chất lượng cuộc sống của họ không thay đổi tiêu cực một cách nhanh chóng hoặc thậm chí mang lại phép màu chữa lành triệt để.

Trải qua gần ba thế kỷ từ khi loài người biết về ung thư và chứng kiến những bước tiến vượt bậc trong việc giành giật sự sống cho từng bệnh nhân ung thư, căn bệnh này vẫn là án tử cho phần lớn người bệnh.

Những liệu pháp điều trị có được đầu tư tới đâu thì biến chứng vẫn nặng nề, khiến cho chất lượng sống của các bệnh nhân giảm sút trong thời gian ngắn, thậm chí kéo dài sự sống trong đớn đau.

Đương nhiên bất cứ liệu pháp chữa trị mới mẻ nào cũng phải trải qua những giai đoạn nghiên cứu và kiểm định cận lâm sàng, lâm sàng gắt gao. Cũng còn quá sớm để có thể kết luận rằng hướng đi của BioNTech sẽ là biện pháp chống ung thư tối ưu.

Tuy nhiên, việc thành công trong bào chế vắc xin ngừa COVID-19 dựa trên mRNA đã mở ra một kỷ nguyên dược lâm sàng cũng như điều trị mới.

Tin và hy vọng đây sẽ là bàn đạp để tiến tới những đợt điều trị và phòng ngừa ung thư mới, nơi mà cả người bệnh, đội ngũ điều trị lẫn thân nhân sẽ bớt đi những gánh nặng biến chứng, nâng cao chất lượng sống trong giai đoạn chiến đấu với bệnh tình hơn.

BioNtech hợp tác với Chính phủ Anh ra sao?

Theo thông báo của BioNTech, bệnh nhân ung thư ở nước Anh sẽ tiếp cận các cuộc thử nghiệm lâm sàng với liệu pháp mRNA cá nhân hóa. Loại vắc xin này dự kiến được dùng cho các bệnh nhân ở giai đoạn đầu và giai đoạn cuối. Mục tiêu của phương pháp này là nhắm vào cả tế bào ung thư đang hoạt động lẫn ngăn việc tái phát.

Ông Ugur Sahin, giám đốc điều hành BioNTech, cho biết mục tiêu của hợp tác lần này với Chính phủ Anh là đẩy nhanh quá trình phát triển các phương pháp trị liệu miễn dịch và các vắc xin bằng cách sử dụng những công nghệ mà BioNTech đã nghiên cứu phát triển trong 20 năm qua.

Ông Ugur Sahin cũng cho biết lần hợp tác này với Chính phủ Anh sẽ bao gồm việc phát triển những loại vắc xin ung thư và cả những bệnh truyền nhiễm vốn gây ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới.

NHẬT ĐĂNG

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại