Nga triển khai hệ thống EW mới nhất tại Kaliningrad
Theo tổ chức tư vấn Jamestown Foundation, các lực lượng vũ trang Nga đang tiếp tục được hưởng lợi từ tiến trình hiện đại hóa quân đội – một khía cạnh khiến các nhà hoạch định của NATO gia tăng lo ngại về các bước tiến tiếp theo của Nga nhằm tăng cường năng lực chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD) gần các vùng biên giới của họ.
Một phần quan trọng của tiến trình này là hiện đại hóa và nâng cao hơn nữa năng lực tác chiến điện tử (EW) của Nga.
Trong tháng 11 vừa qua, ban lãnh đạo của nhóm các công ty quốc phòng chịu trách nhiệm sản xuất các hệ thống EW đã tuyên bố về một chương trình mới nhằm phát triển và nâng cao khả năng bảo vệ các loại tên lửa hành trình của Nga bằng tác chiến điện tử.
Hiện Moscow đang tích cực bổ sung các tiểu đoàn tác chiến điện tử vào trong các lữ đoàn vũ trang kết hợp. Các hệ thống EW đang dần trở thành ưu tiên hàng đầu tại các khu vực giáp ranh với biên giới NATO.
Hôm 28/10, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận phiên bản mới nhất của hệ thống EW Samarkand đã được triển khai tới Kaliningrad và một số khu vực chiến lược khác.
Ít nhất 16 hệ thống mới này đã được triển khai trong 13 đơn vị quân đội – đây là một phần trong chương trình hiện đại hóa mở rộng có chi phí 61 triệu ruble (920.000 USD), dự kiến hoàn tất vào tháng 11/2019.
Mối lo ngại lớn với NATO
Các chuyên gia quân sự Nga tại Moscow cho rằng hệ thống Samarkand được thiết kế để gây nhiễu các hệ thống liên lạc của đối phương; nó sẽ nhằm vào các tổ hợp chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, máy tính, các phương tiện tình báo-giám sát-trinh sát (C4ISR) và gây nhiễu tín hiệu GPS, làm rối loạn hệ thống của đối phương.
Chuyên gia quân sự Vladislav Shurygin lưu ý rằng, Samarkand là hệ thống áp chế, tức là khi lực lượng đối phương tìm cách tiến hành các chiến dịch trong vùng hoạt động của nó thì họ sẽ gặp phải nhiều vấn đề với hệ thống liên lạc và tất cả các thiết bị điện tử, từ thiết bị ngắm cho tới các hệ thống dẫn đường.
Ngoài Kaliningrad, một số nguồn tin cho biết Samarkand còn được triển khai tới Belarus, mặc dù Bộ Quốc phòng Belarus đã phủ nhận điều này.
Hiện vẫn còn nhiều nghi ngờ về mức độ chính xác của các thông số kỹ thuật được công bố, cũng như những băn khoăn về phiên bản Samarkand mà Nga triển khai ở Kaliningrad và Belarus bởi trước đó, hệ thống này thường được trang bị cho Hạm đội hải quân của Nga.
Trong năm 2017, Hạm đội phương Bắc của Nga đã tiếp nhận các hệ thống EW Svet và Samarkand. Có thể phiên bản trên bộ của Samarkand đã được sử dụng trong các đợt triển khai gần đây.
Về Svet thì đây là hệ thống được thiết kế để tiếp cận môi trường điện từ, tìm kiếm và phát hiện các phát xạ sóng vô tuyến, cũng như xác định các nguồn giải phóng chúng trong lúc kết hợp với các tổ hợp tình báo sóng vô tuyến cố định và di động.
Năng lực tác chiến điện tử của Nga khiến NATO rất lo ngại. Ảnh: Izvestia
Khó có thể xác nhận thông tin nào đáng tin cậy về thông số kỹ thuật của Samarkand. Một số chuyên gia tin rằng hệ thống này nhằm áp chế các phương tiện liên lạc chiến thuật của đối phương, trong khi đó, một số chuyên gia khác cho rằng nó còn có thể làm được nhiều hơn thế.
Maxim Shepovalenko – chuyên gia tại Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (CAST) ở Moscow cho rằng Samarkand có khả năng tấn công cả năng lực tác chiến điện tử của đối phương.
"Tất cả các hệ thống EW hoạt động theo cách này hay cách khác để áp chế toàn bộ các phương tiện điện tử của đối phương, bao gồm hệ thống liên lạc, dẫn đường, định vị vô tuyến… Mọi thứ phát xạ sóng vô tuyến đều sẽ bị áp chế" – ông Shepovalenko nói.
Nếu điều này đúng thì hệ thống Samarkand có tầm quan trọng chiến dịch và chiến thuật.
Trong khi đó, theo Trung úy Aleksandr Viktorov – chuyên gia tình báo tín hiệu – không phải ngẫu nhiên mà các tổ hợp EW như Samarkand được triển khai tới Kaliningrad và (có thể cả) Belarus.
"Tại sao lại nhằm về hướng phương Tây? Đó là do gần đây, các máy bay trinh sát [không người lái và có người lái] của họ thường bay rất gần tới biên giới của chúng tôi và chúng có thể truyền đi nhiều thông tin từ xa.
Chẳng hạn, về tần số của các hệ thống phòng không, các sân bay quân sự - bất cứ thông tin nào có thể ảnh hưởng tới kết quả của cuộc xung đột" – ông Viktorov nói.
Vi chuyên gia đánh giá các đợt triển khai Samarkand là một phần nỗ lực của Moscow nhằm giảm nguy cơ xung đột tại các vùng gần biên giới Nga và trong trường hợp xung đột nổ ra, các hệ thống này sẽ nhằm vào tổ hợp C4ISR của NATO, tăng cường năng lực A2/AD của Nga.
Mặc dù có rất ít thông tin có thể kiểm chứng về các tổ hợp EW hiện đại của Nga nhưng các chuyên gia EW tin rằng phiên bản trên bộ của Samarkand đã được sử dụng trong các đợt triển khai gần đây.
Hiện không rõ phiên bản hải quân của Samarkand có được thiết kế chuyên biệt để phối hợp với Svet hay không. Tuy nhiên, tầm quan trọng của việc bố trí các hệ thống EW hiện đại ở những khu vực giáp biên giới NATO đã làm nổi bật nỗ lực tăng cường và củng cố năng lực A2/AD của Nga tại những vùng quan trọng chiến lược.
Theo Jamestown Foundation, có vẻ như quân đội Nga đang đầu tư nguồn lực đáng kể vào các hệ thống EW để bổ sung và tăng cường năng lực A2/AD. Ngoài ra, Moscow đang tìm cách nâng cao năng lực tác chiến cho các lực lượng vũ trang bằng mỗi loạt các phương thức dựa trên công nghệ hiện đại, nhằm đối phó với đối thủ có tiềm năng công nghệ cao.
Tiến trình này đang thay đổi cách các nhà hoạch định của Bộ Tổng tham mưu Nga định hướng về tác chiến hiện đại: đó là tăng cường năng lực tác chiến điện tử, phát triển năng lực phi đối xứng như kế hoạch dự phòng cho các cuộc xung đột có thể nổ ra.
Nhiều hệ thống trong số này đã được thử nghiệm và kiểm tra trong các cuộc xung đột tại Ukraine và Syria, từ đó làm tăng nhu cầu trang bị các tổ hợp EW hiện đại hơn.
Theo Jamestown Foundation, việc triển khai hệ thống Samarkand tới Kaliningrad là một ví dụ cho thấy quyết tâm của Moscow trong mục tiêu mở rộng quân sự hóa khu vực Baltic.