TP.HCM vừa ban hành kế hoạch Chương trình giảm ùn tắc giao thông , giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2018-2020. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, TP phải đưa vào sử dụng 68 dự án đường bộ nhằm giải tỏa nhiều điểm ùn tắc giao thông.
Tổng nguồn lực tập trung thực hiện gần 96.160 tỉ đồng , trong đó hơn 11.500 tỉ đồng đầu tư phương tiện phục vụ hành khách công cộng.
Mở rộng 45 đường huyết mạch
Theo đó, 68 dự án giao thông đường bộ có 45 dự án làm đường gồm: năm dự án đường vành đai, một dự án quốc lộ, một dự án cao tốc, ba nút giao, 35 trục đường hướng tâm cũng như kết nối các địa phương lân cận và 23 dự án xây cầu.
Cụ thể, từ nay đến năm 2020 sẽ mở rộng đoạn quốc lộ 1 từ nút giao Tân Kiên (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) đến nút giao Bình Thuận (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh) dài 2,5 km, mở rộng lên 35 m; làm đường cao tốc liên vùng phía Nam TP là Bến Lức - Nhơn Trạch - Long Thành dài 59 km, quy mô 10 làn xe.
Ba nút giao được xây dựng trong thời gian này là nút giao Ngã tư Bốn Xã (quận Bình Tân, sẽ xây cầu vượt hai chiều hướng Thoại Ngọc Hầu - Hương lộ 2); nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7, giai đoạn 1 sẽ xây nút giao ba tầng khác mức gồm hầm, cầu vượt, đảo trung tâm và cầu Rạch Đỉa); nút giao An Phú (quận 2, xây hầm chui hướng cao tốc Mai Chí Thọ, cầu vượt hướng Lương Định Của).
Đồng thời gấp rút triển khai 35 dự án đường giao thông nâng cấp, mở rộng các con đường huyết mạch của TP như mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý đoạn Cộng Hòa - Lê Trọng Tấn (quận Tân Bình); mở rộng Trường Chinh đoạn từ Cộng Hòa đến Âu Cơ (quận Tân Bình); mở rộng đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) đoạn từ Trần Xuân Soạn đến cầu Phú Xuân; mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) đoạn từ cầu Kênh Tẻ đến Nguyễn Văn Linh lên 40 m; nâng cấp Tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân); cải tạo, hoàn thiện tuyến đường Vành đai phía Đông; nâng cấp đường Lương Định Của (quận 2)…
Bên cạnh đó, TP cũng sẽ xây dựng các tuyến đường quan trọng khác như xây dựng đường song hành với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; xây đường nối từ đại lộ Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương…
Mỗi tháng xây một cầu
Cũng theo kế hoạch, TP sẽ nâng cấp, mở rộng, xây mới 23 cây cầu và dự kiến đưa vào sử dụng trong vòng hơn 26 tháng tới (tức hơn một tháng phải xây một cây cầu).
Trong đó, quận 9 được ưu tiên với sáu công trình cầu mới: cầu Chùm Chụp, cầu Lấp, cầu Làng, cầu Ông Bồn, cầu Vàm Xuồng, cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới.
Trong kế hoạch, sắp tới TP.HCM sẽ xây dựng 12 dự án bến xe, bãi xe trung chuyển. Các bến xe dự kiến xây mới quan trọng có thể kể đến như Bến xe buýt huyện Củ Chi (1 ha), Nhà Bè (1,6 ha), Hóc Môn (4 ha), quận 8 (1 ha), bãi xe buýt kỹ thuật gần Tỉnh lộ 10 (4 ha), bãi xe buýt huyện Bình Chánh (4 ha), bãi xe buýt gần Bến xe Đa Phước (3 ha)… Hầu hết các dự án trên đều chưa khởi công; chỉ duy nhất bãi trung chuyển xe buýt đường Điện Biên Phủ đã được khởi công hồi tháng 8-2018. |
Huyện Nhà Bè có ba công trình cầu mới: cầu Rạch Dơi, cầu Rạch Tôm, cầu Phước Long nối quận 7 - Nhà Bè. Quận Bình Tân với ba cây cầu: cầu Bò Hom, cầu Tân Kỳ Tân Quý, cầu Bưng. Quận Gò Vấp xây mới cầu Hang Ngoài.
Quận 4 xây cầu Nguyễn Khoái. Quận 12 sẽ cho tháo dỡ cầu Phú Long cũ và xây cầu mới.
Ngoài ra, hiện có hàng loạt cầu đang thi công cũng sẽ đưa vào sử dụng lần lượt đến năm 2020 như cầu Nam Lý (quận 9) đang thi công đạt 35% khối lượng, cầu Tăng Long (quận 9) đã khởi công năm 2017, cầu Phước Lộc (Nhà Bè) hiện đạt 50% khối lượng, cầu Rạch Lăng (quận Bình Thạnh) trên đường Phan Chu Trinh đang thi công, cầu Bà Cua (quận 2) đang làm.
Ngoài ra, mở rộng cầu Kênh Tẻ nối quận 4 với quận 7, mở rộng cầu chữ Y nối quận 5 với quận 8, cầu Nguyễn Tri Phương (quận 5) kết nối vào đường Võ Văn Kiệt...
Được biết kế hoạch cũng đặt ra mục tiêu hoàn thành các dự án từng năm.
Cụ thể, năm 2018 phấn đấu làm mới đưa vào sử dụng 33,5 km đường bộ và 14 cây cầu; năm 2019 làm mới đưa vào sử dụng 75 km đường bộ, 17 cây cầu và năm 2020, làm mới đưa vào sử dụng 81 km đường bộ và 18 cây cầu.
với khối lượng công việc rất lớn trong khi thời gian không dài, liệu kế hoạch có kịp hoàn thành? Với câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết: “Kế hoạch đưa ra là vậy nhưng cần cân đối nguồn lực, cân đối thời gian. Còn hiện nay vấn đề khó khăn nhất vẫn là khâu giải phóng mặt bằng”.
Cần một "nhạc trưởng" Đánh giá về kế hoạch xây dựng cầu đường quy mô này, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn lưu ý những điểm cần ưu tiên trong kế hoạch là hoàn thiện các đường vành đai, đường hướng tâm, phát triển giao thông công cộng. “Vấn đề quan trọng là với số tiền như vậy thì người làm kế hoạch phải đảm bảo và cam kết về các hiệu quả và mục tiêu mà nó đạt được. Tất nhiên, khi thực hiện tốt kế hoạch, bộ mặt giao thông TP sẽ thay đổi đáng kể và hoàn thiện hơn” - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói. Còn TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam, cho rằng: “Vấn đề bài toán giao thông rất phức tạp, cần gắn với quy hoạch đô thị thì mới có thể kéo giảm ùn tắc giao thông. Chúng ta cần một nhạc trưởng kết nối quy hoạch giao thông và quy hoạch đô thị để giải quyết triệt để vấn đề”. |