Nhiều xã, huyện lúng túng, chậm triển khai
Theo thông tin mà Tiền Phong có được, tính đến chiều 18/5, có 28 tỉnh, thành phố đã triển khai xong việc hỗ trợ các nhóm đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo, 33 tỉnh thành vẫn đang trong quá trình triển khai.
Tổng số tiền hỗ trợ cho nhóm đối tượng này ước tính khoảng 11.500 tỷ đồng. “Con số này so với báo cáo 1 tuần trước, có sụt giảm hơn một chút (khoảng 12.400 tỷ đồng).
Nguyên nhân do các địa phương báo cáo theo ước tính nhanh. Còn thực tế triển khai có một số độ trễ nhất định”, một lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho hay.
Đối với nhóm người lao động và hộ kinh doanh, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, các tỉnh, thành phố vẫn đang rà soát, lập danh sách. Trong đó, chỉ có TPHCM đã hỗ trợ cho một số đối tượng lao động.
Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, cho biết, thành phố mới triển khai hỗ trợ xong cho nhóm người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo. Dự kiến trong tuần này, Hà Nội bắt đầu hỗ trợ nhóm người lao động và hộ kinh doanh.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, TPHCM, Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác như Lạng Sơn, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Long An… là những địa phương triển khai gói hỗ trợ sớm nhất và tích cực nhất.
Tại một số địa phương khác đang xảy ra bất cập khiến việc hỗ trợ bị chậm trễ.
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, một số đơn vị cấp huyện, cấp xã còn lúng túng, chậm triển khai thực hiện việc hỗ trợ; quá trình rà soát, xác nhận và hỗ trợ lao động tự do, lao động bị mất việc, ngừng việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp chưa được quan tâm đúng mức; hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp chưa đầy đủ dẫn đến một bộ phận người dân, doanh nghiệp chưa tiếp cận được đúng chính sách hỗ trợ…
Thực hư việc hộ nghèo Thanh Hóa từ chối nhận hỗ trợ
Ngày 17/5, Phòng LĐ-TB&XH huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã phát hiện gần 2.000 nhân khẩu chưa đúng đối tượng nhận hỗ trợ do trùng lắp. Ngoài ra, có hiện tượng một số xã dồn nhân khẩu vào hộ nghèo để đạt chuẩn nông thôn mới.
Chiều 18/5, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Trịnh Ngọc Dũng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa, cho biết, toàn tỉnh có hơn 700.000 người (người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội) được phê duyệt hỗ trợ, với tổng kinh phí hơn 711 tỷ đồng. Đã có hơn 400.000 người nhận tiền hỗ trợ.
Ngoài ra, tỉnh có khoảng 4.000 người tự nguyện không nhận kinh phí hỗ trợ của Nhà nước.
Liên quan thông tin cán bộ vận động người dân không nhận tiền hỗ trợ, nhiều hộ ở nhà tiền tỷ nhưng vẫn được xét hộ cận nghèo để hưởng chính sách…, ông Dũng cho biết, Sở đã có văn bản yêu cầu các huyện kiểm tra, báo cáo những vấn đề trên, đồng thời kiên quyết xử lý nếu có vi phạm.
Sở cũng yêu cầu cán bộ cơ sở tuyệt đối không được vận động người dân từ chối nhận hỗ trợ, thực hiện việc kiểm tra, giám sát để chính sách hỗ trợ cho người dân được chính xác, công khai, minh bạch…
Sau khi phát hiện vụ việc 18 hộ nghèo ở xã Thiệu Thành (huyện Thiệu Hóa) bị sáp nhập vào các hộ nghèo khác, Sở và UBND huyện Thiệu Hóa đã yêu cầu UBND xã rà soát, thực hiện cấp sổ hộ nghèo theo đúng quy định, đưa hộ nghèo nào về hộ nghèo đó. Sau khi tách sổ hộ nghèo đúng chủ hộ xong mới chi trả tiền hỗ trợ.
Đối với đối tượng trùng lắp, ông Dũng lý giải, do một người thuộc nhiều chế độ hỗ trợ. Ví dụ, đối tượng người có công, gia đình liệt sĩ trùng với người cao tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội trùng với hộ nghèo, cận nghèo.
“Sau khi các đơn vị đưa lên, chúng tôi sẽ lọc ra một lần nữa để tránh trùng lặp”, ông Dũng nói và cho biết, vì các “lùm xùm” này nên việc hỗ trợ của Thanh Hóa có thể sẽ chậm hơn dự kiến.