Seoul, những ngày cuối Xuân 2016.
Hơn 70.000 người hâm mộ cờ vây từ khắp thế giới đổ về khách sạn Bốn Mùa (Four Seasons) để được xem tận mắt 5 trận đấu mà họ biết chắc rằng dù kết quả có ra sao, đó cũng sẽ là một cột mốc đi vào lịch sử loài người.
Năm ngày liên tiếp, huyền thoại cờ vây thế giới Lee Sedol đấu với AlphaGo - siêu phẩm công nghệ của "gã khổng lồ" Google.
Một cuộc đấu trí cân não, không khoan nhượng giữa con người và máy móc.
Lee Sedol đăm chiêu. AlphaGo mặt lạnh băng, không cảm xúc. Nhiều giờ khắc trôi qua tưởng như đã gặp đâu đó trong những thước phim bom tấn giả tưởng của Hollywood.
Trước khi "trận chiến" bắt đầu, rất nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới tin tưởng Lee Sedol sẽ sớm đánh bại siêu phẩm trí tuệ nhân tạo của Google. Người đàn ông sinh năm 1983, với thành tích "vô tiền khoáng hậu" 18 lần vô địch thế giới, cũng rất tự tin khi lần đầu giáp mặt đối thủ.
Nhưng, người tính không bằng… máy tính! Lee Sedol gần như thua trắng. Anh thắng duy nhất ván thứ tư. Có người kể lại rằng, khi rời bàn đấu 15 phút để nghỉ giải lao, Lee Sedol đã phải thốt lên: "Đó không phải là nước đi của con người"!
Thất bại này có ý nghĩa biểu tượng hơn rất nhiều so với câu chuyện tương tự 19 năm về trước.
Năm 1997, máy tính Deep Blue của IBM cũng đã giành chiến thắng trước siêu đại kiện tướng cờ vua Garry Kasparov nhờ tốc độ tính toán và xét duyệt hàng triệu nước cờ trong một giây.
Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ để con người phải "khiếp đảm" với trí tuệ nhân tạo. Người ta khi đó vẫn cho rằng, Garry Kasparov thua vì Deep Blue tính toán được các phương án và con số chứ không phải nhờ trí thông minh của nó.
Nhưng với môn cờ vây và AlphaGo thì lại hoàn toàn khác.
Cờ vây được người Trung Quốc phát minh ra cách đây hàng nghìn năm. Bàn cờ có 19 đường kẻ ngang và 19 đường kẻ dọc. Hai người chơi sẽ lần lượt đặt các quân đen và trắng tại mỗi điểm giao của hai đường kẻ còn trống để vây đối thủ.
Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng để "nắm" được các nước đi của nó là vô cùng khó vì nó có đến hàng trăm trật tự cấp độ các nước đi khác nhau. Người ta đã ví, số nước trong cờ vây còn nhiều hơn số nguyên tử trong vũ trụ!
Cứ một trong hàng trăm lượt đi cờ vây sẽ có đến 250 nước đi đúng luật có thể thực hiện. Bất kỳ nước đi nào trong 250 nước đi đó sẽ tạo ra 250 nước đi khả thi tiếp theo, cứ thế cho đến khi ván cờ kết thúc.
Bằng cách sử dụng hệ thống neuron thông tin để tự dạy bản thân nó cách chơi cờ (là cách chơi chứ không phải cách tính toán hàng loạt), AlphaGo đã thu về những kinh nghiệm đáng giá sau mỗi nước đi.
Và AlphaGo đã thắng Lee Sedol nhờ những "kinh nghiệm" tích lũy như thế!
Nhà khoa học máy tính người Mỹ John McCarthy (1927 – 2011) là người đầu tiên đưa ra khái niệm "Trí tuệ nhân tạo - Artificial Intelligence" trong buổi hội thảo mang chủ đề cùng tên năm 1950.
Hiểu đơn giản, trí tuệ nhân tạo là một dạng trí tuệ liên quan đến cách cư xử, khả năng học hỏi và thích ứng của máy móc do chính con người chúng ta tạo nên.
Con đường phát triển của nó được đánh dấu bằng các mốc không thể quên.
66 năm (1950 - 2016) sau ngày khái niệm trí tuệ nhân tạo ra đời, các nhà khoa học khắp thế giới đã tạo nên "bước nhảy thần kỳ" trong việc xây dựng các chương trình máy móc có khả năng bắt chước não người, giúp ích rất nhiều cho con người ở khắp các lĩnh vực như tin học, y học, kinh tế, kỹ thuật, quân sự, vũ trụ.
Bart Selman, Giáo sư khoa học máy tính Trường Đại học Cornell (Mỹ) hồ hởi phát biểu trong cuộc hội thảo về trí tuệ nhân tạo tại trụ sở Hiệp hội vì Sự tiến bộ của Trí tuệ nhân tạo Mỹ (AAAI) rằng: "Khi các robot nội trợ, robot phục vụ và các hệ thống máy móc thông minh khác phổ biến thì con người chúng ta sẽ trở thành "một dạng cộng sinh với máy móc". Chúng ta tin tưởng chúng và bắt đầu làm việc với chúng như những người đồng nghiệp bình thường".
Tháng 12/2015, Trường Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore đã cho ra đời một robot nữ giống người nhất từ trước tới nay. "Cô" robot có tên Nadine này chuyên phụ trách lễ tân trong khu học xá của trường. Nadine có mái tóc dài mượt, làn da mềm mại và có những cử chỉ rất giống con người như cười, giao tiếp ánh mắt, bắt tay. Thậm chí, Nadine có thể nhớ được những vị khách đã từng ghé thăm.
Tiếp đó, vào tháng 4/2016, Tập đoàn điện tử Panasonic (Nhật Bản) chính thức ra mắt robot giúp việc có tên HOSPI-R tại một bệnh viện ở Osaka với mục đích vận chuyển các mẫu xét nghiệm và phân phát thuốc cho đội ngũ y tá và bác sĩ tại bệnh viện.
Chưa hết, các nhà nghiên cứu thuộc Trường Y khoa Harvard (Mỹ) và Trung tâm Y tế tại Israel đã cùng nhau phát triển phương pháp học sâu (Deep Learning) nhằm đào tạo trí tuệ nhân tạo phát hiện nguy cơ ung thư vú ở con người chính xác đến 92%.
Không chỉ đóng vai trò "giúp việc", trí tuệ nhân tạo còn thể hiện vai trò tinh vi hơn rất nhiều trong việc cảnh báo con người thoát khỏi các tình huống nguy hiểm.
Một công ty của Pháp cách đây ít lâu đã tung ra thị trường hệ thống có khả năng hỗ trợ các nhân viên cứu hộ ở hồ bơi. Mỗi khi có người bị đuối nước, hệ thống sẽ phát ra báo động giúp nhân viên có mặt kịp thời.
Từ năm 2004 đến nay, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã đưa thành công 4 robot tự hành có nhiệm vụ thăm dò "hành tinh đỏ" sao Hỏa, trong số đó phải kể đến "siêu robot" Curiosity chuyên thực hiện các nhiệm vụ thu thập các mẫu đất đá đồng thời dọn đường cho loài người "cập bến" hành tinh này trong tương lai.
Chưa dừng ở đó, NASA dự tính sẽ đưa robot hiện đại hơn có tên "Mars Rover 2020" lên thăm dò sao Hỏa vào tháng 2/2021.
Nhiều chuyên gia trên thế giới thừa nhận những lợi ích tuyệt vời mà trí tuệ nhân tạo đang mang lại cho con người.
Andrew Moore, cựu phó Chủ tịch mảng kỹ thuật của Google cho biết: "Với tốc độ phát triển không ngừng của công nghệ, trí tuệ nhân tạo sẽ tạo nên bước vọt thần kỳ trong "sự nghiệp hỗ trợ con người".
Ông dự đoán, chỉ trong vòng 10 năm nữa, trí tuệ nhân tạo sẽ vô cùng hữu ích cho con người trong hàng loạt lĩnh vực đòi hỏi nhiều công sức hơn. Đơn cử như việc xử lý thông tin khi thảm họa thiên nhiên đang xảy ra (như báo cáo cho con người điều gì đang xảy ra, gọi cấp cứu ở nơi đang gặp thảm họa).
Viễn cảnh về trí tuệ nhân tạo dường như thật xán lạn.
Thế nhưng…
"Bậc thầy vũ trụ" Stephen Hawking cảnh báo: "Trí tuệ nhân tạo có thể đặt dấu chấm hết cho loài người khi nó phát triển đến mức hoàn thiện nhất"!
Hẳn không nhiều người biết sự việc xảy ra vào tháng 9/1978 tại Nhật Bản. Một người máy làm nghề cắt gọt đã cắt chết một người. Và đó cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, người ta ghi nhận một người máy trở thành kẻ sát nhân.
Trên phim ảnh, chẳng hạn trong siêu phẩm hành động "X-men: Days of Future Past", một viễn cảnh ghê rợn được vẽ ra đầu phim: Những người đột biến tưởng như có sức mạnh vô địch cuối cùng cũng phải đứng trước nguy cơ bỏ mạng vì… các Sentinels - đội quân trí tuệ nhân tạo độc ác.
Phải rất khó khăn, bằng cách trở về quá khứ và ngăn chặn "đường đạn tử thần", các dị nhân mới thay đổi được tương lai, cứu chính họ và Trái Đất khỏi họa diệt vong.
Hay những cảnh báo không hề giả tưởng trong bom tấn "I, Robot" (do tài tử Will Smith thủ vai chính) ở một thế giới mà người máy gắn bó vô cùng mật thiết với con người. Chúng được tạo ra bởi 3 điều luật cơ bản: Điều luật thứ nhất, người máy không làm hại con người; thứ hai, người máy phải tuân theo lệnh do con người đặt ra, và điều luật thứ 3 là người máy có thể tự vệ nhưng không vi phạm điều luật 1 và 2.
Tưởng rằng 3 điều luật này trói buộc được người máy, nhưng chẳng phải Will Smith đã từng nói trong phim rằng "Luật lệ được lập ra chỉ để bị vi phạm" đấy ư?
Và chúng, những người máy được cho là rất an toàn với con người đã… phá luật và tạo nên cuộc nổi loạn kinh hoàng, chống lại loài người.
Ở đây, chúng ta không bàn đến những màn kỹ xảo làm "đã mắt" người xem, cái chúng ta bàn đến là ý đồ thâm sâu của các nhà làm phim.
Không cớ gì mà hàng loạt các đạo diễn của series phim hành động như "X-men", "I, Robot" hay "Kẻ hủy diệt" bỏ ra hàng trăm triệu đô la Mỹ để xây dựng nên những thước phim về sự tàn sát của trí tuệ nhân tạo đối với con người cùng tương lai hoang tàn của nhân loại.
Chỉ "I, Robot" thôi cũng đã thành công khi truyền tải thông điệp rằng, điều luật nào cũng có ngoại lệ, bất kể nó là người máy được lập trình đi chăng nữa. Nếu con người chúng ta để chúng can thiệp quá sâu vào cuộc sống thì sẽ có một ngày, người máy
sẽ làm những việc ngoài tầm kiểm soát.
Những con robot trong siêu phẩm hành động "I, Robot" (2004) đã phạm luật và tạo nên cuộc nổi loạn chống lại loài người.
Phải chăng các nhà làm phim cũng hiểu được điều mà Stephen Hawking đã cảnh báo và muốn hàng tỷ người trên Trái Đất thấm thía ẩn sau những pha hành động đẹp đến mê hồn đó? Rằng: Sự phát triển khủng khiếp của trí tuệ nhân tạo sẽ hủy diệt con người và thống trị Trái Đất.
Tại hội thảo của Hiệp hội vì Sự tiến bộ của Khoa học Mỹ (AAAS), các chuyên gia hàng đầu của Mỹ đặt ra câu hỏi: "Nếu máy móc thông minh làm hết phần việc của con người, thì con người chúng ta sẽ làm gì?"
Moshe Vardi, Giám đốc Viện Công nghệ Thông tin thuộc Đại học Rice (Mỹ), cho biết, tại Mỹ có đến 200.000 robot đang làm việc tại các khu công nghiệp. Và con số không có dấu hiệu dừng lại! Ông lo ngại, chỉ 30 năm nữa thôi, máy móc có thể khiến 1 nửa dân số toàn cầu lâm vào cảnh thất nghiệp.
Tác giả cuốn sách "Sự nổi dậy của máy móc: Công nghệ và lời đe dọa cho một tương lai thất nghiệp", Martin Ford, lên tiếng cảnh báo tại Hội nghị chuyên đề về robot ở London (Anh) rằng: "Những cỗ máy đã bắt đầu biết suy nghĩ như con người. Sức người đang dần bị chúng thay thế, từ những lĩnh vực đơn giản đến phức tạp như khoa học máy tính. Nếu các chính phủ không giải quyết vấn đề lệ thuộc quá nhiều vào robot thì tương lai sẽ rất đen tối".
Những lo lắng này hoàn toàn có cơ sở khi những nhà sản xuất thiết bị điện tử hàng đầu thế giới như Samsung (Hàn Quốc) hay Foxconn (Đài Loan) đang phát triển các robot thông minh để thay thế toàn bộ sức lao động của con người.
Deloitte, một công ty kế toán lớn bậc nhất tại Anh báo cáo, trong 20 năm tới, 11 triệu việc làm vốn thuần của con người (như bán lẻ, vận chuyển, xây dựng) sẽ "rơi" hoàn toàn vào tay của robot.
Tỷ phú Bill Gates từng đề cập tới cảnh báo của ông chủ SpaceX Elon Musk, trong đó có câu: "Có khả năng chúng (trí tuệ nhân tạo) sẽ trở nên nguy hiểm hơn cả vũ khí hạt nhân". Và Gates nhận định: "Thật khó hiểu khi nhiều người cho rằng lời cảnh
báo đó là không đáng lo ngại".
Trong một lần trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn BBC (Anh), giáo sư Stephen Hawking đã khẩn thiết kêu gọi:
"Tôi không nghĩ những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo sẽ đem lại sự an toàn cho loài người trong tương lai. Khi trí tuệ nhân tạo phát triển đến một mức độ nào đó, con người sẽ không thể kiểm soát hết hành động của chúng. Chúng có thể tự học và hành động theo suy nghĩ riêng.
Vì thế, các nhà khoa học, những nhà sáng chế, hãy đảm bảo chắc chắn trí tuệ nhân tạo được tạo ra nhằm mục đích đúng đắn, có giá trị đạo đức và đặc biệt, luôn để chúng trong tầm kiểm soát".
Doraemon - chú mèo máy thông minh của nhà văn Fujiko F.Fujio - đích thị là một "siêu phẩm" trí tuệ nhân tạo (tưởng tượng) của thế kỷ 22. Doraemon đã ngược dòng thời gian 200 năm, trở về quá khứ để giúp đỡ cậu bé Nobita hậu đậu, lười biếng nhưng có tâm hồn nhân hậu. Chỉ có điều, do Doraemon "100% là người tốt", nên chú mèo ú có lẽ không phải là nhân vật điển hình phản ánh đầy đủ cả hai mặt lợi - hại mà trí tuệ nhân tạo đã, sẽ mang lại cho loài người.
Nhưng Doraemon không hề là một bộ truyện "đơn giản". Nếu soi chiếu ở góc độ trí tuệ nhân tạo theo lập luận ở phần trên, thì ngay từ tập thứ 2, đã xuất hiện một "hình mẫu" có đủ cả hai mặt tốt - xấu, có lợi - bất lợi với con người. Đó là nhân vật cô bé robot Mô Mô Chi, do Doraemon đến tương lai mang về tặng Nobita.
Trong tập truyện có tên Bị Robot "yêu", ban đầu Nobita rơi vào tâm trạng tủi thân dù ngoài mặt cố tỏ ra tươi tỉnh. Cô bạn thân Shizuka vô tâm đến mức không để ý rằng, Nobita đã tập luyện màn "ảo thuật ăn đậu phộng" để đến nhà mình biểu diễn, nên đã "bỏ rơi" cậu bạn thân ở nhà mình, chạy theo xem đồ điện tử mới mua của Suneo.
Thấy vậy, Doraemon đã quyết định đến tương lai đưa Mô Mô Chi về "làm bạn" với Nobita. Mô Mô Chi có vẻ ngoài cực kỳ xinh xắn, lại biết khích lệ động viên, giúp đỡ, bảo vệ Nobita trong mọi hoàn cảnh.
Nhưng mặt trái cũng nảy sinh từ đó.
Được lập trình là "làm bạn với Nobita", cô bé robot có vẻ đã "tự suy luận" ra rằng: Mọi tác nhân khiến Nobita buồn phiền (theo phân tích của cô bé) đều phải bị trừng trị, bất kể ai. Và đó là lý do khiến Jaian mập ú và Suneo "mỏ nhọn" bị đập tơi bời vì dám bắt nạt Nobita. Shizuka thì bị cô bé robot "phát ghen", bà Nobi thì bị cô bé rượt đuổi "cho ăn no đòn" chỉ vì dám mắng con trai…
Xinh đẹp, "tốt 100%" với Nobita là Mô Mô Chi, nhưng nguy hiểm, khó lường cũng là Mô Mô Chi. Bởi đơn giản, Mô Mô Chi là một sản phẩm của trí tuệ nhân tạo!