Nhật Bản ngày 6/7 đã xử tử hình Shoko Asahara, cựu thủ lĩnh giáo phái tận thế Aum Shinrikyo cùng 6 môn đồ - thủ phạm gây ra vụ tấn công chất độc thần kinh sarin ngày 20/3/1995 khiến 13 người thiệt mạng tại ga tàu điện ngầm Tokyo.
Đài NHK đưa tin ngày 26/7 vừa qua cũng xác nhận 6 thành viên còn lại của giáo phái Aum Shinrikyo đã bị treo cổ - án phạt nặng nhất của nước này dành cho những kẻ mắc trọng tội.
Án phạt dành cho giáo phái Aum Shinrikyo lại tiếp tục dấy lên các cuộc tranh luận về án tử hình tại Nhật Bản. Không ít ý kiến trong cộng đồng quốc tế lên án việc treo cổ tử tù là tàn bạo, và cho rằng chính phủ Nhật cần loại bỏ hình phạt này hoặc thay thế bằng những phương thức khác nhân đạo hơn.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến ủng hộ việc áp dụng mức phạt nặng nhất dành cho những kẻ thủ ác bạo tàn, và chính phủ Nhật ngày nay vẫn tiếp tục giữ quan điểm thi hành án tử hình.
Vậy tại sao một quốc gia hiện đại như Nhật Bản lại tiếp tục sử dụng phương thức trừng phạt cổ xưa này?
Shoko Asahara, thủ lĩnh giáo phái Aum Shinrikyo. Ảnh: AP.
Những phương thức tử hình trong lịch sử Nhật Bản
Là quốc gia chư hầu của Trung Quốc trong thời kì cổ đại, hệ thống pháp luật của Nhật Bản chịu ảnh hưởng sâu sắc của thời kỳ Trung Quốc. Các cách thức trừng phạt, bao gồm án tử hình, được du nhập từ Trung Quốc vào Nhật Bản rất đa dạng và chia thành nhiều mức độ khác nhau cho mỗi đối tượng tội phạm.
Việc hành quyết tội phạm bắt đầu chững lại kể từ thời kỳ Nara (710 - 784), sau đó bị cấm triệt để từ thời kỳ Heian (794 – 1185). Tuy nhiên án tử hình đã trở lại Nhật Bản trong thời kỳ chiến tranh Genpei (1180 – 1185).
Tiếp theo, trong thời kỳ Kamakura (1185 – 1333), án tử hình được áp dụng rộng rãi, với nhiều phương thức như hỏa thiêu, đun sôi, hay đóng đinh... với mức độ tàn bạo ngày càng gia tăng.
Trong thời kỳ Muromachi (1336 – 1573), thậm chí Nhật Bản còn sử dụng những hình phạt tàn bạo hơn trước, như đóng đinh ngược, đóng cọc xuyên người, xẻ đôi người, hay tứ mã phanh thây... Ngay cả những tội nhỏ cũng có nguy cơ khiến kẻ phạm tội đối mặt với án tử hình, thậm chí những thành viên trong gia đình và hàng xóm cũng có thể bị vạ lây.
Những phương thức tra tấn nhục hình và hành quyết tàn bạo tiếp tục được áp dụng rộng rãi và không hạn chế trong suốt thời kỳ Edo và đầu thời kỳ Meiji (Minh Trị).
Mãi đến năm 1871, khi có cuộc cải cách lớn về luật hình sự tại Nhật Bản, thì chính quyền nước này mới bắt đầu hạn chế án tử hình và loại bỏ các phương thức tra tấn dã man.
Sau đó, luật sửa đổi năm 1873 đã tiếp tục hạn chế và quy định lại cách thức xử tử (chỉ còn lại 2 phương thức là treo cổ và xử trảm), cũng như các đối tượng tội phạm bị trừng phạt bằng án tử.
Ngày nay, bất chấp những phản đối của dư luận, Nhật Bản vẫn tiếp tục cho phép thi hành án tử hình đối với mức độ phạm tội tàn ác nhất, và chỉ sử dụng duy nhất một cách thức hành quyết bằng cách treo cổ - thay vì các biện pháp hiện đại hơn như tiêm thuốc độc.
Tử hình bằng cách treo cổ
Trước đây việc xử tử tội phạm luôn được phủ tấm màn bí mật tại Nhật Bản. Tuy nhiên, vào năm 2010, chính phủ nước này đã tiết lộ công khai căn phòng hành quyết với dư luận.
Theo Reuters, phòng hành quyết của Nhật Bản có cấu trúc đơn giản. Tầng phía trên là nơi tử tù sẽ bước vào vị trí chờ thi hành án, còn bên dưới là nơi treo xác tử tù.
Phòng hành quyết 2 tầng của Nhật Bản. Ảnh: AP.
Vào ngày hành quyết, 3 giám thị nhà tù sẽ ngồi trong phòng kế bên đợi lệnh và cùng nhấn nút kích hoạt cửa sập dưới chân tử tù cùng lúc, do đó không ai biết người nào vừa nhấn chiếc "nút tử thần". Quy định này được đưa ra nhằm giảm thiểu gánh nặng về tâm lý cho họ.
Các giám thị nhà tù và tu sĩ là những người duy nhất được phép có mặt trong phòng hành quyết, ngoài ra còn có một phòng riêng dành cho những người đến chứng kiến quá trình xử tử.
Tại Mỹ, toàn bộ quá trình xử án, tuyên án và ngày, giờ hành quyết phạm nhân đều được công bố rộng rãi trên truyền thông. Tuy nhiên, tại Nhật Bản, thông tin về thời gian và quá trình hành quyết lại được giữ bí mật ngay cả với các tử tù.
Tử tù Nhật Bản bị đưa vào phòng hành quyết. Nguồn: Đài TBS.
Các tù nhân có thể phải chờ đợi từ vài tuần cho đến nhiều năm trước khi đối mặt với án tử. Thông thường, họ chỉ được thông báo 1 tiếng trước khi việc thi hành án diễn ra.
Theo luật pháp Nhật Bản, việc thi hành án tử hình phải diễn ra trong vòng 6 tháng sau khi tòa chính thức tuyên án, tuy nhiên trong thực tế việc này thường mất nhiều thời gian hơn thế.
Ủy ban chống Tra tấn của Liên Hợp Quốc (LHQ) luôn chỉ trích việc làm này của Nhật Bản là gây áp lực và tổn thương tâm lý nặng nề đối với các tử tù và gia đình của họ.
Buồng treo cổ tử tù Nhật Bản với ô cửa sập được đánh dấu màu đỏ. Ảnh: AP.
Vì sao Nhật Bản vẫn tiếp tục treo cổ tử tù?
Theo Live Law, xét trên góc độ khoa học, một báo cáo của chính phủ Ấn Độ mới được công bố gần đây đã khẳng định việc treo cổ tử tù - bằng các kĩ thuật và thiết bị tiên tiến - là phương thức an toàn nhanh chóng hơn so với các phương thức khác như tiêm thuốc độc, hay xử bắn.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng có tỉ lệ đồng thuận rất cao trong dư luận về việc thi hành án tử đối với tội phạm.
Reuters trích dẫn kết quả một báo cáo của chính phủ Nhật Bản năm 2015 cho biết, có đến 80,3% người dân nước này ủng hộ chính quyền tiếp tục duy trì án tử hình. Trong khi đó, chỉ có 54% người dân Mỹ ủng hộ án phạt này.
Bà Yoko Kamikawa, Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản cho biết: "Tôi tin rằng việc thi hành án tử hình đối với những kẻ phạm tội ác nghiêm trọng là điều tất yếu".
Về phương thức treo cổ, trong bài phân tích được đăng tải trên trang Japan Society, nhà báo Charles Lane (cây bút chuyên viết về các vấn đề đối nội của tờ Washington Post) đã viết:
"Một điều thú vị là phương thức hành quyết ở Nhật Bản - treo cổ - dường như không phải là vấn đề gây tranh cãi ở nước này. [...] Nhiều người Nhật - kể cả những người ủng hộ và phản đối án tử hình - đều nói rằng họ không tranh luận về phương thức thức treo cổ.
Có lẽ điều này phản ánh nền văn hóa của họ - họ không quan tâm đến việc một người chết như thế nào, nếu như số phận của người đó đã được định đoạt sẵn.
Hoặc có thể cả 2 phe không có mối bận tâm chính trị trong một cuộc tranh luận như vậy: những người ủng hộ không muốn tiết lộ quá nhiều về quá trình hành quyết vì sợ dư luận soi mói, còn phe phản đối lại không muốn tiếp tục hợp pháp hóa án tử hình khi tham gia tranh luận về các phương thức hành quyết".